April 11, 2024
Người dân miền Tây Nam Bộ có lẽ đang phải đối mặt với “án tử” của ngành nông nghiệp và chăn nuôi, hay chính sự sống của bản thân khi phải đau lòng chứng kiến nạn ngập mặn trải dài trên lãnh địa và len vào từng ngóc ngách.
Không phải lo sợ vì đói nghèo hay nền kinh tế chuyển biến xấu do các xung đột diễn ra trên toàn thế giới, mà trước mắt, con người lo sợ sẽ bị “thiêu đốt” trên chảo lửa khi khí hậu không ngừng tăng lên một cách cực đoan đến từ nguyên do biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, ở các khu vực Nam Bộ, nhiệt độ trong ngày đạt mức lịch sử với 40 độ C và nhiệt độ đo bằng nhiệt kế đặt ngoài trời đã ghi nhận mức gần 45 độ C. Sức nắng nóng khủng khiếp dường như thiêu rụi sự sống của những con sông, con suối và kể cả kênh rạch, hút cạn nước ngọt của loài tôm cá, khiến người dân lâm vào cảnh khốn cùng. Trên khắp các mặt báo là hình ảnh của những mảnh ruộng khô khốc đến trơ trọi, đường xá sụt lún và nứt nẻ, cái nóng hầm hập hắt lên mái tôn của những trại chăn nuôi khiến cho gia súc cũng không thể chịu đựng nổi. Suốt một tháng qua, người dân sinh sống ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chật vật tìm nước ngọt, lỉnh kỉnh vô số can nhựa ngồi chờ xe bồn đến để lấy nước sạch bất kể ngày đêm trong cái nóng như đổ lửa.
Tình trạng ngập mặn hay hạn hán trước giờ không phải là hiện tượng xa lạ đối với người dân nơi đây, khi bản thân họ cũng đã có đủ kiến thức để đối phó với chúng trong khoảng thời gian nhất định. Thế nhưng, điều họ không lường trước được chính là độ nghiêm trọng của tình trạng khan hiếm nước ngọt lại có thể diễn biến khủng khiếp như giai đoạn này. Bất kể già, trẻ, lớn, bé thay phiên nhau để chống chọi với cảnh “khát” nước. Cái khó chẳng buông tha cho những con người khốn khổ, bởi “miếng ăn” của họ chỉ còn là những con vật chết khô vì thiếu nước, những cánh đồng hoa màu ủ rũ chết gốc do nước chảy từ thượng nguồn sông Mekong ít hơn, trong khi họ còn cả một gia đình phải gồng gánh đằng sau. Cụ bà Đinh Thị Ngân chia sẻ: “Lớn tuổi rồi không xách nổi can lớn nên phải chiết ra từ từ, con cái đi làm xa nên phải chấp nhận, không biết chừng nào mới hết cảnh này”.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Long An… có đến 50.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp, Cố vấn khoa học cho Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ cho biết “Năm 2024, thì theo một chu kỳ 4 năm hạn nặng xuất hiện một lần, tương ứng với sự trở lại của hiện tượng El Nino. Tôi đánh giá là thiệt hại nông nghiệp không lớn so với năm 2016. Nhưng có thiệt hại lớn là đất bị sụt lún, xảy ra ở Cà Mau, Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, những nơi có nhà bị sụp đổ xuống. Nguyên nhân sụp lún đó là do mùa khô năm nay khá gay gắt thì nước mặn đi vào, nước ngọt không đủ, khiến đất co cứng lại, nên thiệt hại cơ sở hạ tầng nhiều hơn năm 2016 và năm 2020.” Được biết, năm 2016 là năm khô hạn gần trong lịch sử 100 năm, thế nhưng, sức công phá về của cải lại chẳng thể sánh với năm 2024. Đơn cử như xã Khánh Hải, Cà Mau phải chịu cảnh sạt lở xảy ra liên tiếp khiến cho người dân trong khu vực luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ. Nhiều tuyến kênh nội đồng tại xã Khánh Hải cũng trong tình trạng trơ đáy. Trong đó, kênh Trùm Thuật rộng hơn 30m cạn nước, nứt nẻ, xuồng ghe bị mắc cạn. Thậm chí, con đường đến trường phải đi đường vòng qua kênh đào đầy nước giờ cũng có thể đi trực tiếp xuống lòng kênh mà không cần đến ghe, khi không có nổi một giọt nước nào chống chọi được với cái nắng kéo dài suốt nhiều tháng.
Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống và thói quen sinh hoạt của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng ngập mặn còn ảnh hưởng đến kinh tế và nguồn thu nhập chính của vô số hộ dân. Vào thời điểm này của nhiều năm trước đây, một lượng lớn gia súc và gia cầm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được nhiều hộ chăn nuôi đầu tư tái đàn. Tuy nhiên năm nay, các hộ dân không mấy “mặn mà” với việc tái đầu tư chăn nuôi, bởi nguy cơ thua lỗ lớn do thiếu nguồn nước cho chăn nuôi gia súc. “Không còn nước để nuôi cá hay gà, vịt. Chỉ có thể nuôi nhỏ lẻ, chứ các chủ trang trại đến nguồn nước ngọt sinh hoạt còn không đủ thì làm sao đến gà, vịt” – Người dân tỉnh Tiền Giang chia sẻ. Anh Phong – chủ trang trại gà, vịt tại Tăng Điền đã bị bỏ hoang do hạn mặn, nguồn nước ngọt khan hiếm khiến cho một chuồng trại từng chứa 10.000 gia cầm giờ đây chỉ còn đúng một con gà trống. Việc tái đàn đối với những người dân Tây Nam Bộ lúc này là không thể, khi nước ngọt không đủ cho sinh hoạt và việc mua nước nhằm phục vụ cho việc chăn nuôi là vượt ngoài khả năng kinh tế cho những người dân nơi đây.
Những đợt nắng nóng bất thường dường như mới chỉ là một trong số những nỗi lo tạm thời của cư dân nơi đây, khi giờ đây, họ lo lắng về viễn cảnh sau khi dự án Kênh đào Funan Techo được triển khai thực hiện. Được biết, kênh đào này sẽ chạy từ Prek Takeo của sông Mekong ra biển ở tỉnh Kep, đi qua Prek Ta Ek của sông Bassac, sau đó vào Prek Ta Hing của sông Bassac. Bên cạnh nhiều lợi ích về kinh tế của Campuchia, dự án Funan Techo không chỉ đe dọa quy hoạch các cảng trung chuyển quốc tế phía Nam Việt Nam mà còn có thể khiến cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long “đói lũ”, cát và phù sa không về gây sạt lở nghiêm trọng. Theo tính toán, thì Kênh đào này sẽ lấy đi hàng trăm triệu m3 nước hàng năm từ sông Mekong để chảy ra biển, khiến một lượng nước đáng kể không còn chảy xuống Đồng bằng sông Cửu Long. Kết hợp cùng hiệu ứng biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn sẽ diễn ra sâu hơn, dài hơn và với tính chất ngày càng dữ dội hơn.
Trước nạn khan hiếm nước khó khăn, nhiều người phải đi lấy nước từ các vòi nước công cộng ở xã khác và từ các xe chở nước miễn phí. Đồng thời, nhiều nhà hảo tâm từ mọi miền khu vực Nam Bộ đã tổ chức các chuyến xe bồn chở “những giọt nước nghĩa tình” để tiếp tế cho bà con miền Tây. Chính quyền tỉnh miền Tây cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp về hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt ở huyện Tân Phú Đông. Dẫu biết những chuyến xe chở nước chỉ là biện pháp tạm thời, nhưng những giọt nước mà người dân nhận được đều đáng giá.
Nguồn: BBC News, Bộ Công An, vnexpress
—
A WAY TO GREEN OFFICIAL là không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.