February 10, 2025
Ngỡ tưởng những phút giây thăng hoa với âm thanh từ các bài hát yêu thích phát ra từ chiếc điện thoại thông minh đều là vô hại, nhưng thực tế “cái giá” mà loài người phải trả đáng sợ hơn những gì ta tưởng tượng.
Có niên đại trước cả ngôn ngữ chính thức đầu tiên của loài người, dù ít ai biết, âm nhạc là sản phẩm nghệ thuật đã xuất hiện từ thời cổ đại. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tổ tiên chúng ta đã giao tiếp bằng âm nhạc trước khi phát minh ra ngôn ngữ, liên quan đến thể thức hôn nhân một vợ, một chồng. Các nhà khoa học đã phát hiện ra nhạc cụ đầu tiên với tuổi đời 40.000 năm được làm từ xương động vật, đánh dấu nền móng cho sự phát triển của giai điệu và nhạc cụ. Trong đó, người cổ Neanderthal đã có thể đạt được mức độ thanh nhạc tròn vẹn từ ít nhất cách đây 530.000 ngàn năm. Rất nhiều giả thuyết được đưa ra để chứng minh rằng sự tồn tại của âm nhạc đã có từ thuở con người biết sử dụng âm thanh để giao tiếp và biểu đạt cảm xúc, nhưng không ai biết rằng ai là người đã hát những giai điệu đầu tiên, hay nhóm người nào đã tạo ra những âm thanh theo nhịp đầu tiên bằng những nhạc cụ thô sơ.
Cùng với sự biến đổi của thời cuộc, âm nhạc “thoát ly” khỏi phạm trù đơn thuần của âm thanh, trở thành một trong bảy ngành nghệ thuật cơ bản của loài người, kết hợp với nhiều loại nhạc cụ khác nhau để tạo thành giai điệu cùng những lời hát. Giai đoạn xã hội loài người thừa nhận rằng âm nhạc chính là sản phẩm của trí tuệ và sức sáng tạo thay vì là sự ban ân của thần thánh cũng là giai đoạn mà nhiều loại nhạc cụ “đua nhau” ra đời—từ cello, organ, piano đến violin, kèn saxophone hay trống-khiến cho âm nhạc chuyển mình sang một tầm cao mới hơn. Sự phát triển mạnh mẽ này cũng mở đường cho sự đa dạng của các dòng nhạc như ballad, classical, pop hay R&B…, phản chiếu dấu ấn sáng tạo của con người trong thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật âm nhạc.
Càng phát triển, âm nhạc càng có nhiều hình thức, phương pháp để tiếp cận đến đại chúng để vượt ra khỏi giới hạn những buổi hòa nhạc trực tiếp. Bắt đầu từ thời kỳ đỉnh cao của rock’n’roll vào những năm 50, sự bùng nổ của văn hóa nhạc pop đã đánh dấu cho thời kỳ vàng son của những chiếc đĩa vinyl. Kể cả khi bước vào kỷ nguyên của công nghệ số với nhiều thiết bị hiện đại, nơi cho phép việc nghe nhạc trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, những chiếc đĩa vinyl cũng chưa bao giờ “mất giá” khỏi thị trường âm nhạc toàn cầu. Từ siêu phẩm “Fearless” hay “1989” gây chấn động giới mộ điệu của công chúa nhạc đồng quê Taylor Swift, đến anh chàng đa tài, với mái tóc dài vuốt ngược phóng khoáng, áo phông trắng và quần jeans trong ca khúc Style – Harry Styles cũng sở hữu cho bản thân nhiều ấn phẩm âm nhạc, bao gồm cả đĩa vinyl trong suốt hành trình theo nghề của mình. Và kể cả cô nàng Gen Z tài hoa của nền âm nhạc mới trẻ trung – Billie Eilish cũng không thể tách rời sự nghiệp âm nhạc của bản thân khỏi những chiếc đĩa vinyl được mua bởi người hâm mộ.
Doanh số của vinyl có thể sẽ không là gì so với streaming (nghe nhạc trực tuyến), thế nhưng mức tăng trưởng của nó vẫn luôn nằm ở những con số khổng lồ. Tại Mỹ, doanh thu từ đĩa vinyl hiện đã ngang bằng CD, trong khi tại Anh, hơn 4,3 triệu đĩa đã được bán ra, đánh dấu năm thứ 12 liên tiếp tăng trưởng ổn định. Điều đó cho thấy, giữa dòng chảy không ngừng của công nghệ, những vòng xoay cổ điển của đĩa vinyl vẫn giữ nguyên sức hút đầy mê hoặc.
Trái ngược với “sự phồn vinh” của đĩa vinyl, những gì mà nó tác động đến môi trường lại nghiêm trọng hơn những gì ta tưởng tượng. Thành phần chính của đĩa vinyl là nhựa PVC – thứ vật liệu có nguồn gốc từ dầu mỏ, phải mất rất nhiều thời gian để hoàn toàn phân hủy và có thể tạo ra các chất độc hại trong quá trình sản xuất cũng như đào thải. Nằm sâu bên trong một cơ sở sản xuất đĩa giấu tên ở Mỹ, các máy ép thủy lực vẫn đang hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của giới mộ điệu – những người sẵn sàng chi trả mọi giá để được sở hữu đĩa vinyl của thần tượng mà họ yêu thích. Quá trình sản xuất PVC đòi hỏi sử dụng các hóa chất độc hại, như phthalates (chất làm dẻo), có thể gây ô nhiễm không khí và nước nếu không được xử lý đúng cách. Ngoài ra, quá trình này thải ra dioxin-một hợp chất cực độc ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
PVC được đánh giá cao nhờ độ bền và khả năng uốn dẻo ở nhiệt độ cao. Tuy nhiên, như Phó Giáo sư Kyle Devine của Đại học Oslo đã viết trong cuốn sách Decomposed: The Political Ecology of Music: “Những mối nguy nghề nghiệp từ việc khai thác dầu mỏ, các vấn đề toàn cầu liên quan đến dầu hỏa, và những khủng hoảng chính trị của chủ nghĩa tư bản dầu khí đều đã được biết đến: con người chịu đựng, cộng đồng tan rã, dầu tràn, môi trường ngạt thở, chiến tranh bùng nổ, đế chế vươn lên. Đây là những điều kiện đặc trưng cho quá trình sản xuất dầu mỏ, và chúng tiếp tục xoáy sâu vào sự tồn tại mỗi khi một chiếc kim chạy qua rãnh đĩa.”
Bên cạnh vật liệu PVC, chì được sử dụng tại Hoa Kỳ như một chất ổn định để tăng độ bền lâu dài cho đĩa vinyl, mặc dù các nhà khoa học đều đồng ý rằng không có mức độ phơi nhiễm chì nào là an toàn. Chất độc hại này đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em và có thể làm giảm chỉ số IQ của chúng. Liên minh Châu Âu đã loại bỏ chì do độc tính của nó, nhưng một số nhà sản xuất đĩa nhạc tại Hoa Kỳ vẫn tiếp tục sử dụng, khiến một album không chỉ đơn thuần mang lại những giai điệu bắt tai mà có thể còn cả những rủi ro sức khỏe nghiêm trọng.
Trong nhiều thập kỷ, ngành công nghiệp âm nhạc đã được xếp vào nhóm những ngành gây ô nhiễm hàng đầu thế giới, khi lượng rác thải nhựa từ các sản phẩm âm nhạc liên tục gia tăng theo xu hướng thị trường. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trong vòng sáu năm qua, lượng nhựa sử dụng cho việc sản xuất album-bao gồm đĩa CD, photocard, vải canvas và bao bì vinyl-đã tăng hơn 14 lần, đặt ra một thách thức lớn đối với môi trường.
Nếu đĩa vinyl bản to được ưa chuộng hơn ở thị trường Châu Mỹ và Châu Âu thì album hay CD nhựa lại dễ dàng trở thành “cơn sốt” ở thị trường Châu Á, đặc biệt là ở Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng là hai quốc gia có nền âm nhạc thần tượng gây được tiếng vang nhất ở thị trường này. Năm 2023, nền âm nhạc KPOP đánh dấu cột mốc 116 triệu bản của 400 album KPOP. Chỉ tính riêng tháng 11 đã ghi nhận tới 15,16 triệu bản được bán ra, tăng 217,2% so với cùng kỳ năm ngoái và phá vỡ kỷ lục hằng tháng được thiết lập vào tháng 10/2023. Không chỉ dừng lại ở con số bán ra, doanh thu từ thị trường nước ngoài của KPOP cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng giá trị xuất khẩu album ước tính đạt 1.237,7 tỷ won, tăng 34,3% so với năm 2022, cho thấy sức ảnh hưởng của ngành công nghiệp này không ngừng mở rộng.
Mỗi một giai đoạn trong năm, các công ty giải trí không ngừng bận rộn với việc ra mắt các nhóm nhạc thế hệ Gen 4 hoặc Gen 5. Những dịp này luôn đi kèm với làn sóng mua bán mạnh mẽ album và merchandise (sản phẩm thiết kế liên quan đến thần tượng), góp phần đẩy mức tiêu thụ nhựa tăng cao đáng kể. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến 2023, số lượng nhóm nhạc Gen 4 ra đời đã tăng thêm khoảng 70–100 nhóm, cho thấy tốc độ mở rộng chưa từng có của ngành công nghiệp KPOP. Thông qua việc bán album nhựa, nhạc số và các sản phẩm KPOP khác, các công ty giải trí thu về lợi nhuận khổng lồ, lên đến hàng tỷ USD. Đặc biệt, những sản phẩm được gắn mác “limited” hay hiếm có luôn trở thành mục tiêu săn lùng của người hâm mộ, khiến nhu cầu tiêu thụ tăng vọt. Chính sự cuồng nhiệt này tạo ra một chu kỳ sản xuất không hồi kết, thúc đẩy các công ty liên tục cung ứng thêm album và merchandise để đáp ứng thị trường. Hệ quả là dây chuyền tiêu thụ nhựa Kpop không chỉ hoạt động liên tục mà còn trở thành một mắt xích khó tháo gỡ trong cuộc khủng hoảng môi trường.
Theo dữ liệu từ Bộ Môi trường Hàn Quốc, được Hạ nghị sĩ Woo Won-sik thuộc Đảng Dân chủ Hàn Quốc, thành viên Ủy ban Lao động và Môi trường của Quốc hội, công bố, ngành sản xuất album âm nhạc trong nước đang tạo ra lượng rác thải nhựa đáng báo động. Số liệu cho thấy, lượng nhựa sử dụng đã tăng mạnh từ 55,8 tấn năm 2017 lên 145,4 tấn năm 2018, đạt 136,1 tấn năm 2019 và tăng lên 479 tấn vào năm 2021. Đến năm 2023, tổng lượng nhựa sử dụng đã tăng gấp 14 lần so với năm 2017.
Theo nghiên cứu từ Circle Chart, riêng năm 2022, có 74.195.554 album được bán ra thị trường, với lượng nhựa sử dụng cho sản xuất đĩa CD lên tới 1.394,9 tấn. Tuy nhiên, trên thực tế, lượng nhựa tiêu thụ thực sự có thể vượt xa con số này do các thống kê hiện tại chưa bao quát toàn bộ quy trình sản xuất và đóng gói. Đáng chú ý, trong báo cáo bền vững của mình, công ty giải trí HYBE – một trong bốn “Big 4” của ngành công nghiệp Kpop – đã công khai sử dụng 894,6 tấn nhựa cho sản xuất và đóng gói các sản phẩm âm nhạc trong năm.
Tuy nhiên, vấn đề lớn không chỉ nằm ở con số, mà còn ở sự lãng phí trong ngành công nghiệp âm nhạc. Theo Bộ Môi trường, chỉ 11,7% người tiêu dùng mua album vì yêu thích âm nhạc, trong khi phần lớn album bị bỏ xó, trở thành rác thải không thể tái chế chỉ vì mục đích thỏa mãn thị hiếu của người hâm mộ. Ở các bãi rác tập kết, hàng loạt album bị vứt bỏ, làm gia tăng gánh nặng cho hệ thống tái chế và môi trường. Trong khi các công ty giải trí tiếp tục sản xuất album hàng loạt để thu lợi nhuận khổng lồ, ước tính lên đến hàng tỷ USD, Bộ Môi trường Hàn Quốc vẫn chưa có bất kỳ biện pháp đối phó nào với tình trạng này. Nếu không có giải pháp kịp thời để hạn chế “nhựa KPOP,” ngành công nghiệp này có nguy cơ trở thành một “con quái vật” khổng lồ, góp phần đẩy nhanh quá trình hủy hoại hành tinh.
Những người hâm mộ cuồng nhiệt không ngần ngại chi trả những khoản tiền lớn để sở hữu càng nhiều album càng tốt, chỉ để sưu tập những tấm thẻ thần tượng quý hiếm mà họ yêu thích. Thế nhưng, những thứ còn lại – từ vỏ album đến phụ kiện – lại nhanh chóng bị lãng quên và bỏ lại ở những bãi tập kết rác, như một minh chứng lặng lẽ cho sự lãng phí của thời đại.
Qua từng năm, rác thải nhựa từ ngành công nghiệp âm nhạc đã không còn là mối lo riêng của Hàn Quốc, mà đã trở thành một vấn đề toàn cầu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, mỗi hành vi của con người đều góp phần làm trầm trọng thêm vòng xoáy tàn phá của tự nhiên.
Không dừng lại ở đó, sự kém bền vững trong chuỗi sản xuất càng phơi bày những góc khuất đau lòng. Những thiết bị như smartphone, tablet, hay laptop – được sử dụng để truy cập kho dữ liệu âm nhạc khổng lồ – lại là sản phẩm của những nhà máy bóc lột sức lao động của những người nghèo khó. Chúng mang trên mình những giấc mơ công nghệ tân tiến nhưng rồi lại nhanh chóng lỗi thời, biến thành rác thải, nối dài chuỗi tuần hoàn phá hoại môi trường. Từ những mảnh vụn của đĩa CD đến chiếc điện thoại đã qua thời, tất cả hòa chung vào bản trường ca buồn của một thế giới đang bị đè nặng bởi sức ép của chính những gì nó tạo ra.
Ngỡ tưởng những phút giây thăng hoa với âm thanh từ các bài nhạc yêu thích phát ra từ chiếc điện thoại thông minh đều là vô hại, nhưng thực tế, “cái giá” mà loài người phải trả đáng sợ hơn ta tưởng tượng. Trong thời đại con người bắt đầu nhận thức rõ ràng về trách nhiệm với môi trường và đời sống, các vấn đề về biến đổi khí hậu hay ô nhiễm trở thành tâm điểm của sự quan tâm. Ở giữa kỷ nguyên công nghệ số, nơi sự tiện lợi đôi khi phải đánh đổi bằng chính sự sống, các xu hướng phát triển bền vững nhanh chóng được tôn vinh như chuẩn mực hàng đầu trong mọi lĩnh vực, từ thực phẩm, thời trang, kiến trúc cho đến ngành công nghiệp âm nhạc.
Có thể dễ dàng nhận thấy, các phương thức nghe nhạc truyền thống như sử dụng đĩa than, CD, DVD… dần bị thay thế bởi âm nhạc trực tuyến bởi sự tiện ích mà nó mang lại. Theo tạp chí The New Statesman, ước tính khoảng 487 triệu người trên toàn thế giới đã đăng ký các nền tảng phát nhạc trực tuyến. Trong thập niên 2000, sự ra đời của âm nhạc trực tuyến trở thành một cuộc cách mạng toàn diện đổi mới hành vi và thói quen nghe nhạc của đông đảo người dân. Thời điểm đó, nghe nhạc trực tuyến được đánh giá là giải pháp nghe nhạc an toàn, thân thiện và bền vững hơn, xứng đáng là một phương pháp hoàn hảo thay thế dạng đĩa vật lý được sản xuất bằng nhựa, khiến cho số lượng tiêu thụ và sản xuất đĩa CD, băng cassette,… giảm mạnh trong những năm đầu của thế kỷ 21. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng rác thải nhựa được dùng cho việc nghe nhạc đã giảm thiểu tới gần 90%. Trên khía cạnh sản xuất, âm nhạc trực tuyến đã thực sự mang lại những bước tiến đột phá mới trong việc giảm thiểu rác thải nhựa.
Nếu nhìn nhận lại một cách khách quan hơn, việc sử dụng các sản phẩm vật lý hóa ra lại “xanh” hơn so với kỹ thuật số.
Tuy nhiên, nhựa không phải tất cả vấn đề của ô nhiễm môi trường, và sự thật đằng sau nền âm nhạc trực tuyến lại đáng sợ hơn những gì mà chúng ta mặc định qua vẻ hào nhoáng của nó.
Không tiêu tốn nhựa – thứ được coi là kẻ thù cứng đầu nhất của môi trường, các nền tảng phát nhạc trực tuyến (streaming) lại đòi hỏi nguồn điện năng khổng lồ cho việc duy trì hoạt động 24/7 của các máy chủ được đặt khắp nơi trên thế giới, nơi chứa những ổ cứng lưu trữ dữ liệu, chẳng hạn như tin nhắn văn bản, ảnh hoặc nội dung của các nền tảng phát nhạc. Ước tính, hoạt động này thải ra hơn 350.000 tấn khí nhà kính mỗi năm, khiến cho lượng khí nhà kính GHG âm thầm tăng trưởng mạnh trong nhiều năm qua. Điển hình như năm 2016, khi số lượng nhựa sản xuất đĩa nhạc giảm còn 8 triệu kg thì lượng khí thải GHG cũng đã tăng vọt lên mức 200-350 triệu kg.
Để nghe một bài nhạc trực tuyến trên một ứng dụng bất kỳ có sẵn trên Appstore hay CH Play, các nền tảng như Spotify, Apple Music hay YouTube Music phải vận hành hàng ngàn máy chủ trong các trung tâm dữ liệu, tiêu tốn điện để xử lý và làm mát hệ thống, trong khi nguồn năng lượng này phần lớn vẫn đến từ nhiên liệu hóa thạch, góp phần phát thải CO₂, CH₄ và N₂O. Năng lượng khổng lồ được sử dụng cho các hoạt động phát nhạc trực tuyến cần đến hệ thống làm mát cần thiết để duy trì các máy chủ tiêu thụ thêm năng lượng và nước, làm trầm trọng thêm dấu chân môi trường của chúng. Đồng thời, các máy chủ hoạt động liên tục 24/7 nhằm phục vụ các tín đồ âm nhạc khắp toàn cầu, đòi hỏi nguồn điện lớn để vận hành và làm mát hệ thống.
Không gian vật lý mà các trung tâm dữ liệu chiếm dụng cũng góp phần gây suy thoái môi trường. Những trung tâm này thường yêu cầu diện tích đất lớn, ảnh hưởng đến môi trường sống của động vật hoang dã và đất nông nghiệp. Hệ thống làm mát để duy trì hoạt động của máy chủ cũng tiêu thụ thêm năng lượng và nước, làm trầm trọng hơn tác động môi trường của ngành công nghiệp phát trực tuyến. Các trung tâm dữ liệu được cho là chịu trách nhiệm cho khoảng 2% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, với dấu chân carbon gần tương đương với ngành hàng không. Và phát nhạc trực tuyến rõ ràng chỉ là một phần trong số rất nhiều hoạt động mà các trung tâm dữ liệu này vận hành, bên cạnh phát video, mạng xã hội và cả bài viết này.
Từ năm 1977 đến 2016, lượng khí thải carbon từ các định dạng âm nhạc ghi âm tại Mỹ đã tăng 45%, lên hơn 200.000 tấn mỗi năm, theo Kyle Devine, phó giáo sư tại khoa âm nhạc học của Đại học Oslo, trong cuốn sách Decomposed: The Political Ecology of Music. Các định dạng âm nhạc kỹ thuật số chiếm tới 94% tổng lượng khí thải này.
Theo báo cáo từ Spotify, vào năm 2020 tổng lượng khí thải carbon cho những hoạt động streaming kể trên của người dùng rơi vào khoảng 71.000 tấn và tiếp tục tăng trưởng chóng mặt lên tới tới 353.054 tấn vào năm 2021. Giáo sư Sharon George – Đại học Keele chia sẻ với The New Statesman “Nếu xét về lượng carbon được sử dụng trong quá trình phát nhạc thì việc phát một album nhạc trực tuyến trong 5 giờ tương đương với lượng nhựa của một đĩa CD vật lý”. Trung bình một ngày, mỗi cá nhân sẽ dành ra 5 giờ để nghe nhạc, gián tiếp dẫn tới việc giải ng tới hơn 1,57 triệu tấn khí thải CO2/ngày và 0,57 tỷ tấn CO2 hằng năm.
Mỗi lượt “Play” của các bài nhạc phải được truyền qua nhiều hệ thống mạng như WiFi, 4G/5G hay cáp quang, tạo ra một lưu lượng dữ liệu khổng lồ, làm tăng mức tiêu thụ điện năng. Theo nghiên cứu của Đại học Glasgow (2019), phát nhạc trực tuyến có thể tạo ra hơn 200 triệu kg CO₂ mỗi năm – thậm chí còn cao hơn lượng phát thải từ việc sản xuất đĩa CD vào thời kỳ hoàng kim của chúng. Thậm chí, khi âm nhạc đi kèm cùng hình ảnh hay video như các MV được chiếu trên TV hay Youtube, mức tiêu thụ nhiên liệu được tăng lên nhiều so với hình thức stream nhạc trên ứng dụng nghe nhạc, đồng nghĩa với việc ta thải ra nhiều carbon hơn, góp phần làm tăng dấu chân carbon.
Phân tích từ dữ liệu từ The New Statesman chỉ ra rằng, lượng khí thải carbon từ các lượt phát trực tuyến ca khúc Drivers License của Olivia Rodrigo trên Spotify kể từ tháng 1/2021 lớn hơn lượng khí thải của 4.000 chuyến bay khứ hồi từ London đến New York, hoặc tương đương lượng khí thải hằng năm của 500 người dân tại Anh.
Mọi giai đoạn của việc phát nhạc trực tuyến đều tiêu tốn năng lượng. Các trang trại máy chủ trên khắp thế giới chứa hàng loạt ổ cứng lưu trữ dữ liệu, bao gồm tin nhắn văn bản, hình ảnh và nội dung của các nền tảng phát nhạc như Spotify hay Apple Music. Những ổ cứng này đòi hỏi một lượng điện khổng lồ để vận hành và làm mát.
Khi phát một bài hát, dữ liệu sẽ được truyền từ trang trại máy chủ đến mạng truy cập cục bộ thông qua các tuyến cáp ngầm dưới đất và dưới biển, vốn cũng tiêu tốn năng lượng. Sau khi dữ liệu đến máy chủ gần nhất, nó sẽ được lưu tạm thời (caching) để giảm lỗi và độ trễ nếu bạn muốn phát lại bài hát. Khi bài hát đến thiết bị của bạn, nó sẽ phụ thuộc vào kết nối Wi-Fi hoặc internet, cũng như một chiếc điện thoại hoặc laptop đã được sạc pin.
Thời gian stream nhạc càng nhiều bao nhiêu thì lượng khí CO2 phát thải nhiều bấy nhiêu, thậm chí vượt ngưỡng của hình thức nghe nhạc bằng đĩa than hay CD. Với 7 giờ thưởng thức âm nhạc trực tuyến, bạn đã tạo ra 385g khí CO2, nhiều hơn với hình thức nghe CD 1,3 lần. Quá trình để nghe nhạc trực tuyến nghe có vẻ khá “vô hại” hơn so với việc sản xuất đĩa than – vốn được làm từ một dẫn xuất của dầu mỏ – nhưng vẫn tiêu tốn một lượng năng lượng đáng kể.
Các chuyên gia về năng lượng xanh tại Uswitch đã nghiên cứu dấu chân carbon của những ca khúc nổi bật nhất trên các bảng xếp hạng. Các bảng xếp hạng này được xác định dựa trên doanh số bán hàng (cả bản vật lý lẫn kỹ thuật số), lượt phát trên radio và số lần phát trực tuyến. Đứng đầu danh sách là “Heat Waves” của Glass Animals, tạo ra 3.072 tấn khí thải carbon, cần hơn 128.000 cây xanh để hấp thụ lượng CO2 này trong một năm. Theo Billboard, nhóm nhạc đến từ London đã sáng tác bản hit đầy u sầu này chỉ trong một giờ vào một đêm muộn trong phòng thu. Tuy nhiên, với 842 triệu lượt phát và thời lượng 3,98 phút, tổng thời gian phát bài hát này lên tới 6.376 năm. 0 vị trí thứ hai là “Good 4 U” của Olivia Rodrigo, với tổng lượng khí thải 2.867 tấn. Bài hát dài 3 phút này đã đứng đầu bảng xếp hạng Anh trong năm tuần liên tiếp và đạt hơn một tỷ lượt phát trên toàn cầu.
Không có một công thức nào là hoàn toàn đúng để việc nghe nhạc trở nên xanh hơn, bởi mỗi phương thức nghe nhạc—dù là streaming hay sử dụng định dạng vật lý—đều có ưu và nhược điểm riêng. Streaming nhạc mang lại sự tiện lợi vượt trội, cho phép người dùng truy cập kho nhạc khổng lồ ở bất kỳ đâu có kết nối internet. Xét trên mỗi giờ nghe, dấu chân carbon của streaming thường thấp hơn so với việc sản xuất các định dạng vật lý như đĩa vinyl, CD hay băng cassette. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng phục vụ streaming, bao gồm trung tâm dữ liệu và máy chủ, tiêu tốn một lượng năng lượng khổng lồ, góp phần đáng kể vào tổng lượng phát thải CO₂. Mặt khác, nghe nhạc bằng định dạng nhạc vật lý, dù tạo ra lượng khí thải cao hơn ngay từ ban đầu, lại không tiêu thụ thêm năng lượng sau khi được sản xuất. Nếu được bảo quản tốt, đĩa nhạc có thể tồn tại hàng chục năm. Tuy vậy, chúng lại kém tiện lợi hơn so với streaming.
Liệu chúng ta có cần từ bỏ âm nhạc, sống trong một thế giới không còn những giai điệu pop, rock hay R&B để bảo vệ môi trường?
Thay vì tách rời cuộc sống khỏi những giai điệu, ta có thể tìm nhiều giải pháp khác nhau để giảm thiểu lượng carbon phát thải ra môi trường. Theo giáo sư Laura Marks tại Đại học Simon Fraser “Hãy sử dụng ít thiết bị hơn và giảm nhu cầu bằng cách điều chỉnh thời gian phát trực tuyến và giảm độ phân giải. Thay vì nghe nhạc trên TV, hãy sử dụng những thiết bị tiêu tốn ít năng lượng hơn như điện thoại hay máy nghe nhạc.” Để hạn chế dấu chân carbon cho mỗi lần stream nhạc, bạn hoàn toàn có thể chủ động tải bài hát yêu thích xuống để nghe ngoại tuyến. Các bài hát hoặc album khi tải xuống đã giảm 80 % lượng khí thải carbon dioxide bởi nó sẽ mất ít năng lượng hơn để phát lại. Bằng cách này, mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày hay mỗi năm, bạn đều đang góp phần bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất.
–
A WAY TO GREEN OFFICIAL là không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam