AWTG x L’OFFICIEL WOOT-Về Làng: Nhìn lại hành trình một năm của hai BST thuộc dự án VỀ LÀNG

November 22, 2023

A WAY TO GREEN OFFICIAL đồng hành cùng L’OFFICIEL VIETNAM trong dự án WOMEN OF OUR TIME – VỀ LÀNG, thực hiện một hành trình trải nghiệm và tiếp cận văn hoá đầy ý nghĩa trong những ngày cuối tháng 8 năm 2022 tại Hà Giang.

BST “Đi Học” được thực hiện bởi Xuân Mai

“Về Làng” là chuyến đi giao lưu văn hoá được thực hiện bởi L’OFFICIEL Vietnam với mục tiêu làm sống lại những kỹ thuật, làng nghề từ các nghệ nhân trên khắp Việt Nam. Điểm đến đầu tiên nằm tại cực Bắc của đất nước, cách Hà Nội hơn 250 cây số, bao quanh bởi thiên nhiên hùng vĩ và sự nên thơ của đồng bào nơi đây.

Thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang

Nép mình bên đèo Mã Pí Lèng, nơi có sông Nho Quế uốn lượn qua những ruộng bậc thang trùng điệp, thị trấn Mèo Vạc mở ra chuyến đi dành cho những cá nhân xuất sắc của “Về Làngˮ – một dự án kết nối tài năng thời trang đến với làng nghề di sản Việt. Chuyến đi bắt đầu vào những ngày cuối cùng của tháng 8 năm 2022 và kết thúc 1 tuần sau đó. Người tham gia được trải nghiệm văn hóa cùng người dân địa phương, khám phá, tìm hiểu và áp dụng những gì đã học để thực hiện bộ sưu tập trải nghiệm của riêng mình.

Dự án “Về Làng” có mặt lần đầu tại thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, nơi con người Tây Bắc và câu chuyện đa văn hoá được kể một cách chân thực nhất. Xuyên suốt hành trình, đoàn may mắn được tiếp xúc và học hỏi những kỹ thuật cùng người dân bản địa nơi đây. Từ xưa, người Lô Lô Hoa yêu thích những mảnh ghép nhiều màu sắc rực rỡ, sử dụng kỹ thuật trang trí vải màu, hoa văn hình tam giác, thêu hình chim Ngó Bá,… gắn liền với tín ngưỡng thờ thần. Họ là những người thể hiện nhiều tín ngưỡng, coi trọng truyền thống, vì vậy mà trang phục cũng rất cầu kỳ từ những chi tiết nhỏ nhất. Giống với người Lô Lô, Người Mông gắn bó với trang phục truyền thống bất kể vào những ngày lạnh, ở ngoài ruộng hay tại các phiên họp chợ tấp nập. Họ thường sử dụng những thước vải nhạt màu, ít hoa văn để mặc đi làm, đi học, ngược lại khi đi hội, những bộ váy rực rỡ nhiều màu, hoạ tiết và vòng bạc lại được ưa chuộng hơn cả. Hoa văn được lấy cảm hứng từ phong cảnh thiên nhiên như mặt trời, ngôi sao, quả bí, hoa mận, bên ngoài có các đường viền hình vuông, chữ thập kết nối với nhau. Từ nhỏ, người Mông đã biết tự may quần áo, mỗi bộ thường mất khoảng 4 tháng đến 1 năm, tuỳ vào tay nghề hoặc độ cầu kỳ của trang phục.

Trang phục người dân nơi đây dường như có một sức hấp dẫn lạ thường, những gam màu nổi bật, tươi sáng ẩn hiện trong sương lạnh giữa tiết trời Tây Bắc. Chính vì thế mà hành trình “Về Làng” cũng trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết.

BST “Đi Học” được thực hiện bởi Xuân Mai

Trên những đỉnh núi đá xám

Người Tây Bắc coi trang phục như một biểu tượng của sự may mắn và tự hào, họ thêu thùa, nhuộm vải, đan quẩy tấu, làm lanh,… Tất cả đều được làm thủ công, qua nhiều công đoạn tỉ mỉ và thể hiện sự cần cù, chăm chỉ của người con miền núi. Xuân Mai và Khánh Duy là hai cái tên xuất sắc vượt qua các vòng thi để tham gia cùng chúng tôi trong dự án lần này. Cả hai đã chứng kiến và trải nghiệm thực tế những kỹ thuật cơ bản của người dân địa phương, từ đó chọn lọc để đưa vào trong bộ sưu tập của mình.

Sau quãng thời gian học hỏi và trải nghiệm, Duy chọn khai thác kỹ thuật nhuộm chàm đặc trưng của người Mông cho bộ sưu tập lần này. Những mảnh vải màu xanh từ nhạt đến đậm đan xen với nhau, lai tạo giữa tính hiện đại và nét đặc trưng, truyền thống của phụ nữ Mông. Dưới sự hướng dẫn từ các mentor, bộ sưu tập “Chàm” là thành quả sau nhiều tháng tìm hiểu và học hỏi miệt mài. “Chàm” có tổng cộng 3 mảnh ghép liên kết, làm từ lanh, ghép vải, nhuộm màu theo các sắc độ khác nhau. Nhắc đến chàm là nhắc đến cả một biểu tượng của nền văn hoá truyền thống của người Mông. Nhưng đáng buồn thay từng có quãng thời gian màu chàm phải đối mặt với nguy cơ bị mai một do những phát triển nhanh chóng của nền công nghiệp may mặc. Để phù hợp với thẩm mỹ đương đại, Duy khai thác triệt để những chi tiết quen thuộc và chính trải nghiệm học tập của mình tại Hà Giang. Ví dụ như các điểm nhấn từ chiếc áo sơ mi đi làm hằng ngày kết hợp với hình ảnh đi làm của người phụ nữ Mông trong sương sớm, trên dãy núi gập ghềnh.

BST “Chàm” được thực hiện bởi Khánh Duy

Về phần Mai, Mai chọn đặt tên cho bộ sưu tập của mình là “Đi Học”, khai thác những bộ đồng phục của học sinh Tây Bắc dưới góc nhìn riêng biệt, giao thoa kỹ thuật truyền thống giữa hai dân tộc Lô Lô và H’mông. “Đi Học” được diễn giải thông qua những gam rực rỡ – sắc màu đặc trưng của con người nơi đây, đại diện cho màu sắc và hình ảnh những bé gái ngây thơ và tươi sáng trên những cánh đồng bông cải vàng. Cũng như “Chàm”, bộ sưu tập có tổng cộng 3 bản phối hoàn thiện, chất liệu phát triển chính là từ vải lanh, chần bông và thay đổi cấu trúc phù hợp với góc nhìn đương đại. Mai chia sẻ: “Em được tận mắt trải nghiệm quá trình lăn làm mềm vải lanh, trải qua 10 công đoạn từ khi cây gai dầu còn là cây tươi cho đến tấm vải hoàn thiện mà trước đó em chỉ được thấy trên sách báo”. Như vậy, hai bộ sưu tập như một bước đánh dấu sự phát triển và thay đổi tư duy trong cách sáng tạo của những cá nhân tham gia, là một phần hoàn thiện cho bức tranh tổng thể đưa lớp trẻ đến gần hơn với những giá trị truyền thống có nguy cơ bị mai một dần.

Hơn cả một chuyến đi

Chúng tôi đã có dịp được gặp lại Khánh Duy và Xuân Mai sau gần một năm kể từ chuyến đi Hà Giang kết thúc và lắng nghe câu chuyện cũng như những thay đổi mà “Về Làng” mang lại. Những kỉ niệm đáng nhớ vẫn còn đọng lại, Mai và Duy say mê chia sẻ câu chuyện hành trình như một thước phim tua ngược một cách chậm rãi. “Mình nhớ hết mọi thứ, từ giây phút đầu tiên cho đến giây phút cuối cùng bởi chuyến đi là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của mình. Từ những bữa ăn với gia đình người H’mông, ăn sáng tại chợ phiên Mèo Vạc, những buổi học cùng các nghệ nhân, những đêm trôi dài ngồi ngắm sao và suy nghĩ về bộ sưu tập. Sau một năm nhìn lại, tất cả giây phút tại Hà Giang đều rất quý giá” – Duy nhớ lại. Đó là thành công đầu tiên của “Về Làng”, tạo dựng được giá trị và những trải nghiệm thực tế.

Em học được nhiều thứ khác bên cạnh quãng thời gian tìm hiểu về nghề thủ công” – Mai tự xây dựng góc nhìn riêng, quan sát xung quanh và chia sẻ: “Con người nơi đây vẫn còn nhiều thiếu thốn, câu chuyện tưởng chừng chỉ thấy trên TV lần đầu em tận mắt chứng kiến. Em đã nhận thức nhiều hơn đến những hoạt động lan tỏa yêu thương đến cộng đồng. Một năm qua em đã tham gia những hoạt động quyên góp cho cộng đồng dân tộc thiểu số tại Hà Giang như sách mới cho các em đi học, hay quần áo và tài chính trong khả năng”. Cả Duy và Mai hiện tại đều đã sẵn sàng cho những kế hoạch tiếp theo, và tất nhiên, những kế hoạch đó luôn có dấu ấn “bền vững” từ ký ức đẹp về Hà Giang.

BST “Chàm” được thực hiện bởi Khánh Duy

(Bài viết được thực hiện bởi Kim Uyên, cho L’OFFICIEL Proudly Vietnamese)

______

Credit:

Creative Director: Alex Fox

Art Director: Tio

Editor: Uyen Ph

Photographer: Minh Wuan Nguyen

Photographer’s Assistant: 14GB

Producer: max

Production Assistant: Tran Anh Kiet

Make Up & Hair: Tris Pham

Stylist: Tida

Fashion: Khánh Duy, Xuân Mai, Ancloset.official

Accessories: Dat Pham

Model: Lam Thien Di

***

Về Làng – Hà Giang là một chuyến đi rất xa để gặp gỡ những người ở nơi rất cao, để được đến gần và khẽ chạm vào các di sản văn hoá vô hình trong ngắn ngủi. 

***

ĐỒNG HÀNH TRUYỂN THÔNG: A WAY TO GREEN

A Way to Green Official – Không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.

VỀ CHIẾN DỊCH WOMEN OF OUR TIME

Là ấn phẩm tiên phong cho tiếng nói của thời trang và nghệ thuật, L’OFFICIEL Vietnam khởi xướng chiến dịch Women of Our Time kể từ đầu năm 2022 và định hướng trở thành một sự kiện thường niên, với phong phú các chuỗi hoạt động và dự án nhằm tôn vinh những người phụ nữ trong thời đại của chúng ta.

VỀ QUỸ L’OFFICIEL PROUDLY VIETNAMESE

Ra đời từ tháng 07/2020, L’OFFICIEL Proudly Vietnamese là chiến dịch dành riêng cho thời trang và nghệ thuật bản địa, nhằm ủng hộ các thương hiệu, nhà thiết kế, nghệ sỹ, làng nghề và nghệ nhân Việt Nam. Proudly Vietnamese đứng sau nhiều dự án đa lĩnh vực, từ ấn phẩm Proudly Vietnamese Coffee Table Book, Cuộc thi ảnh Proudly Vietnamese Photography, Cuộc thi làm phim Proudly Vietnamese Cinemagic, chuỗi Podcast Sân Nhà đến sự kiện triển lãm đầu tiên kết hợp công nghệ với thời trang ở Việt Nam – “Ô by L’OFFICIEL Vietnam”. Tất cả đều hướng đến một mục đích duy nhất: tôn vinh thị trường nội địa và những giá trị văn hoá dân tộc trong xã hội hiện đại.