CUỘC ĐỔI CHÁC NGUY HIỂM GIỮA ĐẲNG CẤP VÀ MÔI TRƯỜNG

June 26, 2024

Phải chăng sự lớn mạnh của đế chế thời trang nhanh là lời tiên tri cho sự diệt vong của nhân loại? Khi giờ đây, loài người sẵn sàng thực hiện những cuộc đổi chác nguy hiểm và táo bạo hơn, đổi lấy vẻ xa hoa, lộng lẫy với sự tồn tại của tự nhiên. Hiểu một cách khác, thời trang nhanh thực chất là một kẻ hiên ngang vô tình, mặc kệ lời gào thét của mẹ thiên nhiên và sự sống của toàn bộ hệ sinh thái.

1. Vẻ đẹp lộng lẫy trá hình của thời trang nhanh

Trong mỗi bước đi, mỗi cử chỉ, con người không chỉ sở hữu hay mang theo bản ngã mà còn mang theo cả hình ảnh của bản thân qua những bộ trang phục rực rỡ. Thời trang từ lâu đã vượt ra khỏi phạm trù của sự che chắn thân thể để trở thành biểu tượng của sắc đẹp, của phong cách và sự tinh tế. Thế nhưng đằng sau những thiết kế tuyệt mỹ, những sàn diễn hoành tráng, thời trang đang âm thầm bỏ qua một sự thật tàn nhẫn: tác động của nó đối với nước, nguồn tài nguyên quý giá của trái đất. 

Đường nét, kiểu dáng, chất liệu và màu sắc đều là những yếu tố không thể thiếu của một bộ trang phục. Theo thời gian, màu sắc của trang phục càng đa dạng, rực rỡ thì mức độ ô nhiễm càng cao. Hầu hết, màu nhuộm đều có nguồn gốc từ những loại thuốc nhuộm hóa học với nhiều thành phần độc hại với môi trường. Những hóa chất này, sau quá trình nhuộm vải, thường bị thải ra môi trường mà không qua xử lý đầy đủ, chứa nhiều kim loại nặng như formaldehyde, nhôm, sắt, chì, kẽm và vô số các tạp chất nguy hiểm khác. Nước thải trong quá trình sản xuất quần áo được thải bỏ trực tiếp xuống sông gây ô nhiễm hệ sinh thái thủy sinh, Còn nếu quần áo bị vứt vào các bãi rác trên cạn thì khi phân hủy, vi sợi nhựa và các hóa chất có trong màu nhuộm sẽ ngấm vào đất, dần dần thấm vào mạch nước ngầm theo thời gian. Theo đó, sự ô nhiễm do rác thải thời trang gây ra không khác nào một bản án tử hình cho tất cả các sinh vật vẫn đang còn tồn tại trên địa cầu, một cái chết rất chậm nhưng vẫn đủ nguy hiểm cho nạn diệt sinh. 

Tiện lợi hơn hay tinh vi hơn, khi mà thời trang nhanh ngày càng mở rộng thị trường kinh doanh của mình với đa dạng mô hình, thoát khỏi vỏ bọc truyền thống thông thường. Chỉ cần một cú click chuột, họ hoàn toàn có thể mua hàng trăm món đồ mà không cần dành nhiều thời gian để mặc thử hay phân vân. Hay thậm chí, để hạ giá sản phẩm đến mức tối đa, họ hoàn toàn có thể “canh” những ngày sale lớn hay áp vào nhiều voucher. Bằng cách này, kỹ thuật số thay thế dần đôi tay của con người, kể cả việc shopping. Không phải tất cả mọi người sẽ đều mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử trong những năm 20 của thế kỷ XXI, thế nhưng, thế giới của những mã code thú vị  và mê hoặc hơn thế nhiều. Chỉ riêng nền tảng Shopee, người Việt đã chi 24.700 tỷ đồng trong 3 tháng. Kể cả Tik Tok Shop, dù sinh sau đẻ muộn so những với đối thủ cùng phân khúc, vân “hiên ngang” thu về 18.360 tỉ đồng, chiếm 23,2% thị phần.

2. Hành trình từ bông vải đến sản phẩm cuối cùng

Từ những cánh đồng bông trải dài đến những nhà máy dệt nhuộm, ngành công nghiệp thời trang tiêu tốn lượng nước khổng lồ. Để sản xuất ra một chiếc áo cotton đơn giản, nhà máy cần đến 2700 lít nước và một chiếc quần jean với thiết kế đơn giản nhất cần dùng tới 3.781 lít nước, tương đương với việc thải ra khoảng 33,4kg hàm lượng carbon . Có thể thấy, nước được sử dụng trong toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành thời trang, từ khâu sản xuất nguyên liệu thô đến nhuộm vải và giặt quần áo. Tuy nhiên, nước đã qua dây chuyền sản xuất đã trở nên ô nhiễm, lẫn nhiều tạp chất, vi sợi nhựa và hóa chất độc hại cho sinh vật. 93 tỷ mét khối nước chỉ để đổi lấy nhu cầu may mặc cho 5 triệu người, một con số quá rẻ rúng cho một cuộc đổi chác thiếu tính cân bằng.

Ảnh: DressX

Khoảng 20% lượng nước thải trên thế giới là kết quả trực tiếp của quá trình nhuộm và xử lý vải, với lượng nước thải chưa qua xử lý này được bơm ngược vào hệ thống nước sinh hoạt, làm ô nhiễm nguồn nước với các độc tố và kim loại nặng. Bên cạnh sự tàn phá khốc liệt nhất từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nước nhuộm vải chính là thứ gây ô nhiễm nguồn nước nhiều thứ hai toàn cầu. Chất liệu polyester phổ biến trong quần áo tạo nên những sợi vải siêu nhỏ (microfiber) không thể phân hủy trong quá trình giặt giũ, theo dòng nước đổ ra bể lớn, làm gia tăng lượng nhựa trong nước biển. Không kể đến những thương hiệu bền vững sử dụng thuốc nhuộm 100% tự nhiên bởi vì họ là những nhà thiết kế vì môi trường, thuốc nhuộm trong ngành công nghiệp may mặc đủ sức “bức tử’ một con sông lớn, hay phá hủy toàn bộ hệ sinh thái xung quanh đó. Thuốc nhuộm đang tạo ra một dạng “thảm họa Fukushima hóa chất” ở Indonesia. Sông Citarum được xem là một trong những dòng sông ô nhiễm nhất thế giới một phần vì hàng trăm nhà máy dệt hoạt động dọc bờ sông.

3. Kết cục nào cho cuộc đánh đổi không cân xứng?

Theo một báo cáo mới từ Planet Tracker mang tên “Exposing Water Risk”, phần lớn các thương hiệu thời trang (90%) không công khai bất kỳ rủi ro nào liên quan đến nguồn nước trong các tài liệu của mình. Báo cáo này thu thập dữ liệu từ 29 thương hiệu thời trang lớn nhất (được chọn dựa trên doanh thu điều chỉnh). Trong số 29 thương hiệu này, 15 thương hiệu báo cáo về việc sử dụng nước cho hệ thống công khai phi lợi nhuận CDP, nhưng không đề cập đến các rủi ro liên quan đến nước, bao gồm sự thất thoát hay ô nhiễm, và những phát hiện này chỉ là điểm khởi đầu. Báo cáo lập luận rằng vấn đề thực sự là hầu hết các công ty thiếu một phương pháp tiếp cận mạnh mẽ đối với việc công khai rủi ro liên quan đến nước và không tập trung đủ vào các chỉ số.

“Có thể một thương hiệu đang làm rất nhiều việc, nhưng không nói về điều đó,” Richard Wielechowski, người đứng đầu chương trình dệt may tại Planet Tracker, cho biết. “Chúng tôi có thể bỏ lỡ điều này trong phân tích của mình. Tuy nhiên, nói chung, chúng tôi cảm thấy rằng mức độ công khai thông tin có thể là một chỉ số tốt về mức độ quan trọng của vấn đề nước đối với nỗ lực bền vững và quản lý rủi ro của một thương hiệu.” Tất cả chỉ ra cùng một kết luận: “Ngành thời trang đang thất bại trong việc giải quyết tác động của mình đối với nước một cách thích hợp,” Wielechowski nói. “Ngày càng có nhiều thương hiệu báo cáo về lượng phát thải khí nhà kính cho các hoạt động sở hữu của họ và cả Phạm vi Ba. Chúng ta cần thấy một thái độ tương tự đối với tác động của nước.”

Việc ngành thời trang thất bại trong việc giải quyết tác động của mình đối với nguồn nước – điều đã được ghi nhận trong nhiều năm qua và vẫn tiếp tục tồn tại mặc cho cuộc khủng hoảng nước toàn cầu ngày càng nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng thời trang, đã tạo ra rủi ro ngày càng lớn cho các thương hiệu và nhà đầu tư. Ông Wielechowski cho biết. “Quá nhiều thương hiệu dường như chỉ đề cập sơ qua đến nước như một rủi ro và chúng ta còn xa mới đạt được mức độ công khai và các kế hoạch chuyển đổi mà chúng tôi mong muốn thấy ngành này thực hiện nếu muốn chịu trách nhiệm về tác động của mình.”  Có thể thấy một số liệu tích cực, số lần đề cập đến rủi ro liên quan đến nước đã tăng từ khoảng 2,000 lần vào năm 2018 lên 9,000 lần vào năm 2022, cho thấy vấn đề này đang được thảo luận nhiều hơn, nhưng vẫn chưa đủ để giải quyết tình trạng khủng hoảng nước toàn cầu hiện nay. Bởi sống trong thế giới của mạng xã hội, con người kết nối với nhau bằng vài dòng tin nhắn cũng có thể thờ ơ với nhau bằng sự im lặng của những dòng tin nhắn.

Ảnh: Piyas Biswas/ Getty Images

Là những tiếng gào thét hân hoan cho thời kỳ công nghệ hiện đại đã giúp cho thời trang nhanh đạt được ngôi vị mới trong làng thời trang, hay là những tiếng la thất thanh đầy thảm thương của tự nhiên cho một cái chết đã được dự đoán trước?

Mặc dù nhận thức về vấn đề ngày càng được nâng cao, ngành thời trang vẫn chưa đáp ứng đầy đủ trách nhiệm của mình đối với tác động đến nguồn nước. Sự chủ quan và áp lực cạnh tranh đã dẫn đến việc các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào lợi ích kinh tế ngắn hạn thay vì bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Các biện pháp thay thế và công nghệ xanh vẫn chưa được áp dụng rộng rãi do chi phí cao và sự kém phổ biến đối vị thị trường trong nước. Vậy, kết cục nào dành cho thế giới? Hay nói đúng hơn, cán cân sẽ nghiêng về bên nào trong cuộc chiến đấu không cân sức này?

Nguồn: Vogue Business, SVN Swim, Báo Tuổi trẻ, Tạp chí Tri thức

A WAY TO GREEN OFFICIAL là không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.