June 3, 2024
Liệu thời trang trình diễn hay các món hàng thời trang xa xỉ sẽ bị loại trừ hoàn toàn trong kỷ nguyên xanh? Hay còn cơ hội nào để “cải tử hoàn sinh”, đưa chúng trở về với cuộc đua bền vững thay vì những lãng phí không đáng có?
Nếu lo sợ rằng ngành công nghiệp thời trang có thể gây ra làn sóng “phản tự nhiên” do chỉ tập trung vào khía cạnh nghệ thuật vị nghệ thuật mà tách mình khỏi những giá trị vĩnh cửu của tự nhiên, đặc biệt là đối với các lĩnh vực thời trang khó ứng dụng vào thực tiễn như thời trang trình diễn hoặc dòng thời trang chỉ thích “đi một lối riêng” như thời trang xa xỉ, thì bạn cũng không cần phải quá lo lắng bởi ngành thời trang nói chung đang có những chuyển biến tích cực theo xu hướng xanh hóa của thị trường. Trước làn sóng phẫn nộ của những người theo tiêu chuẩn bền vững hay sự “trỗi dậy” mãnh liệt của các thành viên PETA (Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật) tại các sàn diễn lớn trên thế giới, những nhà mốt cũng bắt đầu dè chừng về sự phung phí của ngành thời trang.
Gần đây nhất, cô nàng Lisa của nhóm nhạc BlackPink tích cực lăng xê cho thương hiệu thời trang nước nhà Pipatchara với thiết kế làm hoàn toàn từ nắp chai nhựa và những hộp nhựa đã qua sử dụng vừa lộng lẫy, lại vừa toát lên vẻ độc đáo khó cưỡng. Bộ trang phục với nhiều đường nét cut-out táo bạo, đặc trưng của thời trang trình diễn với vẻ ngoài kiêu sa cùng hiệu ứng lấp lánh, quyến rũ được làm từ 2000 mảnh rác thải nhựa. Tiệm cận hơn với khu vực trong nước, năm 2022 với cuộc thi sắc đẹp Miss Universe Vietnam, người mẫu Hương Ly khoác lên mình một siêu phẩm dạ hội làm từ giấm ăn từ NTK Trần Hùng. Đi ngược lại với sự lãng phí tiêu biểu của ngành thời trang trình diễn đã bị lên án suốt nhiều năm qua, những khối nước chỉ để sử dụng cho quy trình xử lý chất liệu cầu kỳ nhất, hay vô số vật liệu được đẽo gọt tỉ mỉ chỉ để tỏa sáng duy nhất một lần trong đời dần được thế chỗ bởi những chất liệu mang tính bền vững hơn. Cùng với sự nổi cộm của các chương trình truyền hình với tỷ suất cao và sự hấp dẫn từ danh tiếng của những người nổi tiếng, phong trào thời trang bền vững dần được lan rộng hơn đến với cộng đồng, nhận được nhiều lời khen có cánh đến từ giới mộ điệu khó tính nhất.
Thời trang dần tách mình khỏi những định nghĩa khó hiểu như việc thưởng thức những tác phẩm tranh đồ sộ của trường phái ấn tượng. Bằng chứng là, kể cả khi công chúng sắp phải nếm một bữa ăn khó nuốt bởi độ khó của các tầng nghĩa, họ vẫn hoàn toàn bóc tách được từng lớp nghĩa và mã hóa chúng dựa trên các góc độ khác nhau của ngành thời trang, bởi thời trang giờ đây duy trì mối quan hệ mật thiết hơn với thực tế. Trở lại với Met Gala 2024 – một sự kiện gala thường niên được tổ chức nhằm gây quỹ cho Trung tâm y phục Anna Wintour, nơi mà người ta chỉ thấy những bộ cánh khó hiểu, rườm rà, lãng phí và ô nhiễm lại trở nên thân thiện với môi trường hơn khi các nhà mốt và các nghệ sĩ toàn cầu bỏ nhiều công sức hơn cho công trình nghiên cứu vĩ đại “ngành công nghiệp tái chế”. Với chủ đề “Khu vườn thời gian” , nàng chiến binh xứ cát Zendaya mang đến Met Gala 2024 hai bộ trang phục đến từ một trong số những nhà mốt xa xỉ nhất hành tinh – Givenchy và Maison Margiela để nhấn mạnh về tính bền vững của ngành thời trang. Trong kỷ nguyên tiêu dùng dễ dàng ám ảnh bởi thời trang nhanh, bộ trang phục phục chế từ cảm hứng từ mẫu váy nằm trong BST Xuân Hè 1999 của Dior là một lời nhắc nhở rằng việc tái sử dụng và mặc lại trang phục cũ trong lĩnh vực thời trang trình diễn.
Không ngoại lệ, Stella McCartney – “nữ hoàng” của đế chế thời trang bền vững mang đến sân chơi Met Gala những bộ sưu tập độc bản làm từ kim cương được nuôi trồng trong phòng thí nghiệm. Ed Sheeran, Cara Delevingne và FKA Twigs là những cái tên được chọn mặt gửi vàng lần này. Khái niệm về sự đổi mới và tái sinh, nghề thủ công vượt thời gian và công nghệ tiên tiến – được thể hiện và kết nối bởi một loạt kim cương chế tác từ phòng thí nghiệm VRAI tôn vinh tính bền vững, minh họa khả năng kết hợp đổi mới cùng vẻ đẹp kiều diễm của thiên nhiên. Những viên kim cương được phát triển trong xưởng đúc không phát thải và chứng nhận trung hòa carbon đầu tiên. Các máy móc được sử dụng cho quá trình chế tác kim cương chạy hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo, thế nhưng, những viên kim cương “bền vững” vẫn được cắt và đánh bóng đạt độ sáng tối đa như những viên kim cương tự nhiên được khai thác bừa bãi để nâng chất lượng của chúng lên top 1 toàn cầu.
Bộ trang phục độc đáo của nữ ca sĩ Cara Delevingne được hoàn thiện từ 100% vật liệu bền vững. Thiết kế áo croptop không tay và mũ trùm đầu được đính kết 500 carat kim cương VRAI, với mỗi carat được sản xuất sẽ tiết kiệm được 143 lbs carbon dioxide, tương đương với việc tái chế 50 lbs chất thải.. Chân váy kem mềm mại với những đường xếp ly ở eo và hông tôn lên đường cong hình thể, được làm từ viscose thân thiện với môi trường và bio-acetate (nhựa sinh học).
Trong khi đó, Emma Watson lại lựa chọn khoác lên mình bộ váy nền nã hơn với tone màu chủ đạo trắng đen. Toàn bộ chiếc váy được làm từ nhựa tái chế với 100% sợi nhựa từ chai tái chế. Là nhà hoạt động xã hội mẫu mực tại Anh, Emma lo lắng sâu sắc đến các vấn đề chung về môi trường đang diễn ra trên thế giới. Nhựa là một trong những “chất độc” có khả năng gây ô nhiễm cao nhất thế giới, gây hại đến hệ sinh thái nói chung và sức khỏe của sinh vật sống. Dẫu các nhà thiết kế toàn cầu đã nỗ lực để kết hợp nhựa tái chế vào các ý tưởng và thiết kế của mình, những sáng kiến này chưa bao giờ thực sự thành công một cách thuyết phục, hoặc vẫn chưa phổ biến. Chiếc váy của Emma tại Met Gala 2024 có thể thúc đẩy phong trào và mang lại nguồn tài nguyên nhân tạo dồi dào cho chuỗi cung ứng thời trang toàn cầu.
Thoát ly khỏi các sự kiện thời trang, liệu còn ngành công nghiệp nào chừa một khoảng trống cho thời trang bền vững được ra mắt? Billie Eilish – một hiện tượng mới trong ngành công nghiệp âm nhạc với những dự án môi trường vào mỗi dịp ra mắt album cũng trình làng bộ sưu tập thời trang bền vững vào năm 2020. Được biết, cô nàng ca sĩ Gen Z “collab” cùng thương hiệu thời trang nhanh H&M, nơi tập trung nhiều bê bối về thời trang bền vững để bày bán các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường có nguồn gốc bền vững, chẳng hạn như bông hữu cơ.
Nhiều người nghĩ khái niệm “tái chế” chỉ là những quy chế dành riêng cho chính phủ hoặc doanh nghiệp, những “ông lớn” đủ sức để giải quyết những vấn đề mang tính vĩnh mô. Thực chất, ngành công nghiệp tái chế tiếp cận đến cuộc sống thường nhật gần hơn chúng ta nghĩ, khi mà xu hướng “xanh hóa” dần trở thành một phần của lối sống nhân loại. Rác thải không chỉ là “rác thải” nếu ta biết tận dụng đúng cách, và biến “cái chết” của chúng trở thành vòng tuần hoàn của sự sống. Dẫu biết cụm từ “ngành công nghiệp tái chế” còn lạ lẫm ở Việt Nam, tuy nhiên, nhìn vào thực tế, Việt Nam có nhiều những doanh nghiệp mới trẻ, những người sẵn sàng tiếp thu, học hỏi những bài học mới, mang tính cách mạng hơn từ thế giới. Cùng với quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, các quy trình sản xuất bền vững được ứng dụng rộng rãi hơn, kể cả trong lĩnh vực thời trang, thứ mà con người luôn mặc định rằng “ngành công nghiệp bẩn nhất thế giới”. Thừa nhận về sự tồn tại của thời trang bền vững có vẻ là bước đầu để mở ra một kỷ nguyên mới cho sự sống tuần hoàn của ngành thời trang.
Nguồn: Stellam McCartney, Forbes, Fashion United
—
A WAY TO GREEN OFFICIAL là không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.