MARIES – CỎ BÀNG XỨ HUẾ: CHẶNG ĐƯỜNG BỀN BỈ “THAY DA ĐỔI THỊT” CHO CÂY CỎ BÀNG HUẾ

February 22, 2024

Có lẽ, tình yêu thiên nhiên, yêu con người và đất nước chính là động lực vô bờ để giúp chị Lan tạo ra Maries – Cỏ Bàng xứ Huế; nhưng cũng chính Maries là niềm cảm hứng bất tận để giúp người con gái Huế – Hồ Thị Sương Lan thắp lên tình yêu mãnh liệt với thiên nhiên, con người và đất nước.

Thả hồn mình ở xứ Huế mộng mơ hệt như bản tuyệt tác nghìn đời của một thi sĩ đại tài, không khó để ta bắt gặp được loài cỏ bàng, thực vật vốn tập trung nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Tây Nam Bộ. Thế nhưng, giữa lòng miền Trung trập trùng với núi, với nắng gắt và gió hanh của biển cả, người ta vẫn tìm thấy cây cỏ bàng ở làng nghề truyền thống Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Cỏ bàng ưa sống trong môi trường đầm lầy nước ngọt thay vì vùng nước mặn từ biển đặc trưng của khu vực miền Trung. Vì vậy, khác hẳn thân hình béo múp với thân cây to như của loài cỏ bàng miền Tây, những “cô Cỏ Bàng xứ Huế” mang đậm nét đẹp Cố đô, thanh mảnh và nhẹ nhàng như một người con gái Huế thực thụ, khi nó chỉ có từng đốt nhỏ, rỗng ruột và không có phần xốp bên trong. Do đó, nét đẹp mềm mại, nhỏ nhắn của cỏ bàng xứ Huế đòi hỏi đôi tay nghệ nhân phải tinh tế, khéo léo để tạo ra được các sản phẩm tinh xảo hết mức có thể, đẹp mắt trong từng chi tiết nhằm khẳng định và nâng cao giá trị của sản phẩm mỹ nghệ cao cấp.

Cỏ bàng (hay cói bàng) được giới chuyên môn gọi là Lepironia articulata, thuộc chi Lepironia nằm trong họ Cói (Cyperaceae). Thông thường, chúng được sử dụng để đan rổ rá, giỏ, khay và cả đệm nằm. Dù có kích thước nhỏ hơn nhiều so với cỏ bàng miền Tây (khoảng 0,4cm trở lại), đây lại là điểm mạnh của cỏ bàng Huế khi có thể hạn chế khả năng nấm mốc vì ít hút ẩm. Đồng thời, nét điệu đà mà chỉ mình cỏ bàng Huế mang lại chính là nguồn cảm hứng bất tận cho các sản phẩm thủ công, kể cả chị Hồ Thị Sương Lan, khi chị đang phải chứng kiến nghề thủ công sử dụng cỏ bàng ở quê hương mình đang dần bị mai một. 

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Cố đô, chị Lan nuôi dưỡng tình yêu mãnh liệt với vẻ đẹp thuần khiết và trong trẻo của Huế, để rồi chị biến nó thành ngọn lửa nhen nhóm trong đam mê để xây dựng nên một “đế chế” của riêng mình, nơi sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ như nón, túi xách được làm từ cỏ bàng mang nét riêng, có giá trị thẩm mỹ cao mà vẫn đảm bảo tính hữu dụng, thân thiện với môi trường. Sự đồng điệu của chị Lan và nghề đan dệt cỏ bàng được ví von như câu thơ “Hữu duyên tương lý năng tương ngộ”, chỉ một chữ “duyên” còn đấy, ngọn lửa của đam mê vẫn sẽ thúc đẩy chị tìm đến nghề, chung tay đan dệt nên các sản phẩm với chất lượng tuyệt hảo, đan nên bao giấc mơ của những người thợ thủ công thực thụ. Vốn xuất thân từ ngành du lịch với nhiều năm kinh nghiệm dày dặn, chị Lan chưa bao giờ nghĩ mình có thể bén duyên với cỏ bàng. Thế nhưng, đại dịch COVID-19 ập đến như cơn gió lốc, và qua đi kéo theo cơ hội được phát triển trong nghề khi bức tranh toàn cảnh của ngành du lịch và lữ hành lúc bấy giờ hệt như một bức họa buồn, bị “đóng băng” nhiều tháng và trì trệ nặng nề. Và loài cỏ bàng xuất hiện trong cuộc đời chị Lan như một cánh cửa mới. Trong một lần công tác ở Indonesia, hành trang mà chị Lan mang theo là chiếc nón lá sen “đặc sản” của Việt Nam. Chiếc nón vô tình trở thành tâm điểm khi được nhiều bạn bè quốc tế chú ý đến. Chị Lan tự hào miêu tả về đôi tay người nghệ nhân, kể về sản phẩm độc đáo của quê hương chị với tất cả kiêu hãnh và niềm tin yêu. Khoảnh khắc đó, người phụ nữ xứ Huế cũng đặt cho bản thân một câu hỏi “Tại sao mặt hàng đẹp như thế nhưng thị trường vẫn còn ít, mẫu mã lại chưa đa dạng?”.

Nghĩ suy, trăn trở về một sản phẩm mang đậm hồn thơ của quê hương xứ sở, chị Lan tìm về làng Phò Trạch với với những ô ruộng nước và đồng cỏ bàng rộng khắp chân trời. Tuy nhiên, sự thật phũ phàng đánh bại đi viễn cảnh tươi sáng trong đầu chị, rằng người dân nơi đây đang phải chật vật với từng miếng cơm manh áo, từng đồng lương ít ỏi để duy trì sự sống với nghề truyền thống đáng phải được tôn vinh này. Đồng thời, các sản phẩm được bán ra với giá thành rất thấp, hoàn toàn không xứng đáng với sự kỳ công mà các nghệ nhân đã phải bỏ ra khiến “phần hồn” còn lại của Phò Trạch mờ nhạt hẳn đi, người làng lựa chọn những công việc ở xí nghiệp, xưởng hay nhà máy để duy trì kế sinh nhai của mình. “Làng nghề hầu như chỉ còn người trung niên, người già bám nghề sống qua ngày”, chị Lan chia sẻ. Và đây, thời khắc của tình yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cả những giá trị lịch sử của quá khứ thôi thúc chị Lan phải hành động điều gì đó, với cây cỏ bàng.

“Văn phòng” đầu tiên mà chị Lan sở hữu là phòng ngủ chất đầy hàng hóa. Thuở mới bắt đầu, chị lựa chọn mua lại những sản phẩm thô để tái thiết kế lại để cho ra đời sản phẩm mới bắt mắt, mới mẻ hơn. Hành trình của chị Lan với Maries – Cỏ Bàng xứ Huế bắt đầu những bước đi chập chững đầu tiên. Sự ngây ngô cũng những bước đi đầu đời khi vận hành một doanh nghiệp startup mang đến cho chị vô số những thử thách, khó khăn khi làm một người chủ, hoàn toàn khác với những trải nghiệm của ngành du lịch trước đó. Sự cầu kỳ đặc thù của ngành thủ công mỹ nghệ nói chung, cách bảo quản sản phẩm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của khí hậu miền Trung là bức tường lớn mà chị Lan cần phải phá dỡ nếu muốn đưa doanh nghiệp phát triển đến tầm cao hơn. Cạnh tranh với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ giá rẻ khác, bắt kịp xu hướng thời trang toàn cầu hay tìm kiếm và tuyển chọn được thợ có tay nghề cao cũng góp phần tạo nên khó khăn và giới hạn của Maries. “Lúc bắt đầu khó thật sự” – chị Lan ngậm ngùi chia sẻ.

Thế nhưng, những khó khăn ấy dường như chẳng bao giờ là dấu chấm hết cho đam mê cháy bỏng của chị. Không chỉ khao khát đem đến cộng đồng các sản phẩm thủ công làm từ cỏ bàng, tôn vinh nét đẹp đặc trưng của Huế, chị Lan hy vọng hơn về một tương lai ấm no của người dân làng Phò Trạch xứ Huế, một cộng đồng xanh thân thiện với môi trường, một dân tộc tôn vinh và gìn giữ các giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống lâu đời. Ôm lấy giấc mộng có thể thương mại hóa các sản phẩm chất lượng và ý nghĩa của mình, người phụ nữ Huế nhỏ bé ấy lặn lội đường xa giữa các vùng nguyên liệu, nhập hàng thô từ làng Phò Trạch, đưa tranh màu 3D vào để nâng cấp cho sản phẩm. Với chặng đường bền bỉ và miệt mài, Maries tích cực tạo ra nguồn thu nhập và góp phần giúp nhiều phụ nữ nông thôn ổn định kinh tế, đồng thời duy trì sự phát triển của làng nghề truyền thống xứ Huế. “Maries lấy việc kinh doanh vì xã hội làm nền tảng, và như được tiếp thêm sức mạnh khi vinh dự là dự án lọt vào TOP 6 của Chương trình phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia. Qua chương trình, Maries hiểu hơn các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, chúng tôi xác định rõ sứ mệnh, vai trò trong việc giảm đói nghèo, tạo giá trị cộng đồng, thông qua sản phẩm thân thiện môi trường, góp phần an sinh xã hội” – CEO Maries đầy tự hào.

Thật không sai khi nói rằng quy trình làm ra một sản phẩm từ cỏ bàng phức tạp hơn gì chúng ta nghĩ. Ước tính, mỗi sản phẩm cần đến 7 bước để hoàn thiện, bao gồm thu hoạch, phơi 5 – 6 nắng, phơi cỏ bàng, đan lát, thiết kế, vẽ tay họa tiết và cuối cùng là đóng gói để chuyển đến nhà phân phối và khách hàng. Những ngày đầu, những họa sĩ vẽ tay cảm thấy việc vẽ trên cỏ bàng thực sự là một thách thức lớn bởi vật liệu cỏ bàng khó xử lý hơn giấy hoặc vải nhiều. Với chị Hồ Thị Sương Lan “Sản phẩm túi xách, nón lá, ví không chỉ là những sản phẩm đơn thuần được đan tay từ cỏ bàng, mà còn là một tập hợp tinh túy từ yếu tố thiên nhiên và nhân tố con người, thuộc về nhiều ngành nghề truyền thống khác nhau”. Cuối cùng thì, mấu chốt cốt lõi nhất của Maries là hướng đến một mục đích lớn lao hơn, như việc truyền tải thông điệp bền vững đến cộng đồng. Đằng sau những giá trị cao cả dành cho môi trường sống, thì yếu tố trong đạo đức lao động, con người và lịch sử chưa bao giờ bị Maries gạt bỏ đi trong suốt hành trình “thay da đổi thịt” của mình.

Nguồn: Dân Trí, iPEC

Nguồn ảnh: Dân Trí, Maries – Cỏ Bàng Xứ Huế, 

A WAY TO GREEN OFFICIAL là không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.