November 16, 2022
Trong nền thời trang Việt Nam, có một dòng chảy nhỏ thầm lặng và bền bỉ hướng về tính bền vững đương thời và duy trì những giá trị thủ công truyền thống tốt đẹp.
More Than Blue – thương hiệu thời trang thủ công được ra đời với niềm yêu mến các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc Việt từ cô chủ nhỏ Đoàn Minh Thuận (hay còn gọi thân mật là Chris Ty). Thương hiệu tạo nên trang phục với các chất liệu chính có nguồn gốc thiên nhiên như vải gai dầu (hemp), lụa đũi tơ tằm, Lãnh Mỹ A… để làm tăng thêm sự phong phú cho các bộ sưu tập của mình. Đặc biệt vải hemp được làm hoàn toàn thủ công qua từng bước như: tước sợi, giã sợi, se sợi, dệt… bởi các chị dân tộc H’Mong ở phía Bắc. Bên cạnh đó, Chris Ty còn chọn lụa đũi tơ tằm của Thái Bình, Lãnh Mỹ A của Tân Châu…. cũng như các tấm vải thổ cẩm thêu tay của người Dao, Mông, Pà Thẻn… Một nét đặc biệt khác là kỹ thuật nhuộm thủ công được More Than Blue áp dụng vào sản phẩm sau quá trình học hỏi, tìm tòi và nghiên cứu. Màu sắc của chiếc váy, tấm áo, được nhuộm từ các củ, quả, thảo mộc, lá cây…. như màu vàng từ nghệ, màu xanh từ cây chàm, màu nâu từ củ nâu giúp cho mỗi thiết kế mang tính đặc biệt riêng.
Style-Republik đã có cuộc trò chuyện với Chris Ty để hiểu thêm về câu chuyện đằng sau thương hiệu và ý nghĩa của nghệ thuật thủ công đối với thương hiệu thời trang nội địa này.
Chào Chris Ty, bạn có thể chia sẻ lý do bạn đến với thời trang? Tình yêu của dành đã bắt nguồn từ đâu và từ bao giờ?
Mình yêu thích làm những thứ nhỏ xinh từ lúc còn nhỏ, lớn lên chút đi học thì mình làm nhiều thứ như đan vòng tay, may túi vải chần bông để bán, sau đó mình tự học và làm đồ da thủ công song song với công việc văn phòng, rồi sau đó mình đi học chuyên hơn về thiết kế quần áo, cứ như vậy thời trang đến với mình từ rất sớm và rất tự nhiên như thế.
Được biết, tên gọi thương hiệu thời trang của bạn là More Than Blue, vì sao bạn chọn cái tên này?
Trong quá trình học hỏi về nhuộm màu tự nhiên, mình rất yêu màu chàm và cũng tò mò về cách làm ra nó như thế nào. Khi nghe qua về các công đoạn từ trồng cây, làm thành cao chàm, từ cao chàm lên men để nhuộm, thật sự là một quá trình rất đáng ngưỡng mộ. Cái tên More Than Blue là mình muốn gửi lời cảm ơn đến cây cỏ thiên nhiên nói chung cũng như cây chàm và quy trình làm ra màu xanh chàm nói riêng.
Nhóm đối tượng chính của More Than Blue là ai? Và thương hiệu tập trung mang đến những giá trị gì cho khách hàng của mình?
Tụi mình hướng đến các anh chị và bạn trẻ yêu thiên nhiên và nhuộm tự nhiên, quan tâm đến những tác động của thời trang đến với môi trường. More Than Blue mong muốn mang đến các thiết kế mà ở đó mỗi trang phục bạn sẽ hiểu rõ được loại vải và màu nhuộm được làm ở đâu và như thế nào.
Bên cạnh đó mình cũng chú trọng đến cả mặt trái của sản phẩm, sao cho thật chỉnh chu, vì nó sẽ làm cho sản phẩm bền đẹp hơn. Mình cũng rất trân trọng một tấm vải, vì mình hay sờ ngắm hít hà mùi vải trước khi bắt đầu sử dụng để thêu hay cắt may. Cảm xúc khi tiếp xúc với vải mình cảm giác như ngửi được mùi của cỏ cây.
Bạn đã ấp ủ bao lâu và chuẩn bị gì cho thương hiệu thời trang của riêng mình? Là một nhà thiết kế trẻ, bạn có gặp nhiều khó khăn trong việc đảm nhiệm nhiều vai trò của thương hiệu, từ thiết kế – sản xuất cho đến tiếp cận khách hàng?
Mình đã bắt đầu với những sản phẩm được may với vải công nghiệp nhưng chỉ sau một vài sản phẩm mình không cảm thấy “đã”. Từ đó mình ngồi ôn lại những chuyến đi của tuổi trẻ, nơi mà những chất liệu thủ công làm mình mê mẩn từ cái nhìn đầu tiên, nhưng vì tài chính không cho phép mà mình đã bỏ quên những đam mê đó. Phần nào cũng vì các sản phẩm thủ công giá khá cao.
Khi nhận ra cần phải thay đổi để tìm con đường riêng và để được làm thời trang như cách mình muốn, mình đã bỏ hết những lo lắng đó bắt đầu từng bước một.
Triết lý thời trang của bạn là gì? Bạn có nghĩ thời trang thủ công sẽ được đón nhận nhiều hơn trong tương lai hay không?
Đó là sản phẩm thời trang không chỉ là đồ để khoác ở ngoài mà nên là một sản phẩm có giá trị về tinh thần và cả sự chau chuốt cùng sự hiểu biết về từng chất liệu. Khi giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, mình thấy khách cũng rất ngạc nhiên “ôi cây này cũng nhuộm được à, màu đẹp quá” vậy thôi là mình vui lắm khi lan tỏa một chút về cái hay của của cỏ cây.
Mình tin rằng thời trang thủ công vẫn sẽ đi theo hướng riêng của nó. Nhưng ngày nay các bạn trẻ quan tâm rất nhiều đến các sản phẩm thủ công và truyền thống, điều đó làm mình rất vui.
Vì sao giữa thời buổi mà các thương hiệu đều tìm đến các nhà xưởng gia công, bạn lại muốn tự tay mình thực hiện các công đoạn hoàn toàn thủ công để cho ra sản phẩm như vậy?
Khi được học về nhuộm tự nhiên ở trường mình đã rất thích, cũng đã từng đặt vải ở nơi khác nhuộm nhưng thường là không đạt được yêu cầu của mình, như là vải quá cứng không thể may quần áo, hoặc có nơi nhuộm vải với màu hoá học dưới mác của nhuộm tự nhiên. Để đạt được những yêu cầu như vải dệt với chất liệu tự nhiên, nhuộm tự nhiên nhưng vẫn mềm dễ chịu và mang tính ứng dụng cao nên mình đã học thêm và tự làm, ban đầu cũng thất bại nhiều lắm nhưng quá trình đó làm mình rất vui.
Mình tin rằng một sản phẩm khi làm ra nó mà bạn vui thì chắc chắn đó sẽ làm một sản phẩm đẹp ở nhiều khía cạnh. Giống như việc những ngày dạo phố ở Sài Gòn, mình lại ngẩn ngơ khi bắt gặp được một vài cây mặc nưa ở vỉa hè, hay như việc ngồi hít hà mùi thơm của một nồi nhuộm vàng từ nghệ xông cả nhà bếp của mình.
Đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với bạn sau những chuyến đi nghiên cứu và tìm tòi về nghề thủ công?
Khi đến tham quan về làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người K’ho mình khá buồn vì cả một làng chỉ có duy nhất bà cụ còn dệt tay các sản phẩm thổ cẩm nhưng với loại chỉ len nhuộm màu sặc sỡ mà người ta mua ở chợ. Mình thật sự cảm thấy sự mai một các làng nghề truyền thống. Giống như nghề trồng dâu nuôi tằm ở quê mình vậy, tuổi thơ được đi hái dâu cho tằm ăn, nghe tiếng rào rào của những con tằm háu ăn hay hít hà mùi thơm ở xưởng ươm mỗi lần về quê nay đã không còn nữa.
Nhưng mình tin rằng nếu ngày càng nhiều người quan tâm đến các sản phẩm truyền thống thì vẫn sẽ còn người làm. Như một vài người bạn của mình cũng đã và đang khôi phục lại như thổ cẩm của người Bana, Ede…. Thêm một tin vui là ở quê mình đã bắt đầu trồng cây dâu lại rồi đó.
Bài học hay những niềm vui mà thời trang mang đến cho bạn?
Thời trang và nhuộm tự nhiên mang đến cho mình niềm vui khi các sản phẩm được hoàn thiện và mình thấy thiên nhiên thật kỳ diệu, bên cạnh đó còn đem đến cho mình những người bạn có cùng chí hướng, những khách hàng hiểu và yêu mến tinh thần cũng như các sản phẩm của More Than Blue.
Chắc chắn đại dịch ở Việt Nam đã ảnh hưởng đến quá trình ra mắt thương hiệu của bạn. Sau đại dịch điều mà bạn đang ấp ủ là gì?
Vâng đại dịch làm cho phải ở nhà và đóng cửa cửa hàng, nhưng cũng vì vậy mình có thời gian hơn với mấy thùng vải vụn mà mình đã giữ lại sau mỗi lần cắt may, mình sẽ làm bộ sưu tập mới mang tên “nhặt hết vải thừa”. Sau khi hoàn thiện, mình sẽ giới thiệu đến bạn cũng như khách hàng bộ sưu tập mới này. Các bạn chờ xem nhé!
Cám ơn sự chia sẻ của Chris Ty dành cho Style-Republik!
Bài viết thuộc chuyên mục Brand To Know của Style-Republik.
Thực hiện: Hoàng Khôi