PHÁP LAM HUẾ: CÁCH NÀO ĐỂ HỒI SINH NÉT ĐẸP CỔ KÍNH CỦA MẢNH ĐẤT CỐ ĐÔ

October 18, 2024

Trải dài suốt 200 năm đánh dấu cho cột mốc ra đời, tồn tại như một nét tinh hoa độc bản của triều đại nhà Nguyễn, Pháp lam Huế trở thành niềm kiêu hãnh của xứ Huế qua từng thời đại, trước nhiều biến động khác nhau của tiến trình lịch sử. Đứng trước những đổi thay của thời cuộc, kể cả khi thời “vàng son” của Pháp lam Huế dần nhường chỗ cho các loại hình nghệ thuật hiện đại khác lên ngôi, nhưng nó vẫn “đủ” để thế hệ sau nhớ về với tất cả những nét tinh hoa từ quá khứ.

Pháp lam Huế – một tên gọi mĩ miều dành cho sản phẩm mĩ thuật có cốt làm bằng đồng, bên ngoài được vẽ một hoặc nhiều lớp men màu rồi đem nung mà thành. Sử cũ còn lưu lại, vua Minh Mạng (1820 – 1841) lệnh cho Nội phủ lập nên một cơ quan mới đặt tên là Pháp lam tượng cục chuyên lo việc sản xuất đồ pháp lam. Các nghệ nhân Huế đã học được kỹ thuật chế tác “Pháp lang” từ người Quảng Đông, Trung Quốc. Để tránh tên húy của vua Gia Long Nguyễn Ánh, từ “lang” đó gọi chệch thành “lam”, cũng là khởi nguồn cho cái tên “Pháp lam” ra đời. Dưới triều đại này, Pháp lam Huế phát triển mạnh mẽ như một ngành thủ công mỹ nghệ đặc biệt. Thế nhưng, vòng đời của Pháp lam Huế lại tương đối ngắn, với vỏn vẹn 60 năm tồn tại. Song, hình thức nghệ thuật này đã phát triển đến mức rực rỡ nhất, trở thành một phần biểu tượng di sản của hoàng thành Huế, hiện thân cho nét tinh khôi trong phong cách mỹ học, kiến trúc và nghệ thuật Việt Nam.

Cổ vật bằng pháp lam Huế đã được nhiều bảo tàng trên thế giới sưu tập

Lần theo lịch sử, Pháp lam Huế thuộc loại hình “Họa Pháp lang” – là 1 trong 4 kỹ thuật Pháp lang cơ bản, tức là dùng men màu vẽ trực tiếp trên cốt đồng để tạo thành hình trang trí. Không chỉ được ứng dụng trên các vật dụng thông thường như một kiểu trang trí dành cho giới quý tộc, Pháp lam Huế còn được thể hiện trên các công trình kiến trúc đặc trưng dưới triều nhà Nguyễn, từ cổng nghi môn, cổ diêm trang trí, trên nóc, mái cung điện cho đến lăng tẩm. Để mỗi khi đặt chân đến cố đô, ta dễ dàng bắt gặp Pháp lam ở mọi nơi, trải rộng khắp phố Huế, như một lời mời chào mừng đến với xứ sở mộng mơ, như một bức tranh cung đình cũ với nét đặc trưng trong nghệ thuật kiến trúc. Vượt khỏi sự băng hoại của thời gian, “khối tài sản” ấy vẫn là một con số đồ sộ kể cả khi đã lâm vào tình trạng mai một do sự suy tàn, vừa phong phú về số lượng lại vừa đa dạng về loại hình và kiểu thức. Mang trong mình nhiều giá trị sâu sắc về nghệ thuật, Pháp lam còn chứa đựng giá trị lịch sử, là di sản văn hóa cần được bảo tồn và phục dựng.

Nghệ thuật phối màu trong Pháp lam Huế hoàn toàn phụ thuộc vào dụng ý cả người chế tác. Đồ tế tự thường sử dụng màu đỏ, vàng chanh, trắng, xanh đậm, trong khi đó đồ gia dụng thường có màu sắc xanh lam, hồng tía, xanh lục và nâu nhạt. Sự kết hợp màu sắc trong Pháp lam Huế được đánh giá là hài hòa và tinh tế. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cách phối màu theo vòng tròn hòa sắc của phương Tây và nét ý nhị, cổ điển của họa tiết Việt cổ. Các sắc độ hòa hợp một cách phóng khoáng và tự do, dẫu nhiều gam màu cường độ mạnh được phối hợp cùng nhau với độ tương phản cao tưởng chừng gây rối mắt, song khi được đứng cạnh nhau lại vô cùng hòa hợp, quen mắt như thể được “trích” ra từ cuộc sống.

Trước sự lụi tàn của loại hình mỹ thuật truyền thống đặc trưng, nhiều nhóm nghiên cứu phục chế Pháp lam ra đời với khao khát hồi sinh và trả lại thời kỳ hoàng kim cho Pháp lam Huế. Việc đánh mất một ngành nghề cổ truyền độc đáo với những ý nghĩa lịch sử, đóng vai trò trọng yếu trong công cuộc trùng tu quần thể di tích cố đô Huế thực sự là nỗi đau của những người làm công tác trùng tu di tích, những học giả, những nghệ nhân với tình yêu tha thiết dành cho nền văn hóa cổ truyền của đất nước. Bắt nguồn từ cái duyên và gắn bó vì tình yêu, nghệ nhân Đỗ Hữu Triết là một trong số thợ thủ công hiếm hoi kiên trì bám trụ lấy ngành nghề đã thất truyền 200 năm, với khao khát bảo tồn văn hóa Huế. Mọi thứ khởi nguồn từ con số không, không tư liệu, không chuyên nghiệp, không dự định, anh Triết đến với lĩnh vực phục dựng những sản phẩm trang trí ở hoàng cung triều Nguyễn bởi hai chữ “đam mê”

Sinh ra tại vùng đất miền Trung đầy nắng và gió, anh Triết đến với hành trình nghiên cứu và khôi phục Pháp lam hoàn toàn là vì “định mệnh”. Xuất phát điểm là một Thạc sĩ Vật lý, ngỡ tưởng chẳng có sợi dây liên kết nào gắn liền với cốt lõi kỹ thuật của Pháp lam Huế, anh Triết về công tác tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, nơi anh bén duyên với những khối hình trang trí sắc sảo trên nền kiến trúc cổ. “Với tâm tư là người Huế, phục vụ bảo tồn văn hóa Huế, có niềm đam mê cháy bỏng và sức trẻ, tôi đã xông pha vào lĩnh vực khó nhất trong ngành Pháp Lam Huế”, anh chia sẻ. Giữa những năm 2000, nhóm nghệ nhân của anh Triết đã phục dựng thành công các kỹ thuật pháp lam được giới mộ điệu đánh giá là “khó nuốt”, mở ra không gian phát triển nghề sau 200 năm các bí quyết sản xuất thất truyền. Vào năm 2005, Đỗ Hữu Triết thành công hồi sinh nghệ thuật Pháp Lam thông qua đề tài nghiên cứu với 10 mẫu trang trí thử nghiệm, cũng là người đầu tiên và duy nhất tái hiện lại môn nghệ thuật cổ này. Các tác phẩm Pháp lam của người nghệ nhân đất Huế mang mác vẻ đẹp tự do với bố cục mở, theo thời gian càng thêm phong phú cả về phong cách thể hiện cũng như màu sắc. Những họa tiết và hoa văn trong tác phẩm lấy cảm hứng từ thiên nhiên và cuộc sống, với sự gợi nhắc đến hoa văn triều Nguyễn và hình ảnh đời sống quen thuộc của người dân Huế, tạo nên nét đặc trưng độc đáo cho di sản quê hương. Là hình tượng biểu trưng cho văn hóa, Pháp lam Huế không chỉ còn là sản phẩm mỹ thuật thông thường, nó vượt lên trên mỹ nghệ, hội tụ từ tất cả sự khéo léo và tỉ mẩn của người nghệ sĩ để trở thành một bộ môn sáng tạo vượt thời gian. 

Pháp lam Huế mang giá trị đặc biệt bởi những nguyên tắc kỹ thuật được khôi phục từ thời nhà Nguyễn, vì thế nó không có sự phóng khoáng như các chất liệu khác. Nhờ nền tảng nghiên cứu và phục chế pháp lam Huế, anh Triết và các cộng sự đã rèn luyện tính kỷ luật, luôn tuân thủ các nguyên tắc cơ bản để từ đó sáng tạo và phát triển. Hơn cả một nghệ nhân giữ lửa di sản truyền thống, mong muốn của anh Triết là đưa Pháp lam Huế vượt ra khỏi ranh giới của nghệ thuật cung đình để tiếp cận gần hơn với đại chúng, tiếp tục nối dài sợi dây sự sống cho hình thức nghệ thuật nước nhà đáng được tôn vinh.

Suốt 20 năm “sống” với nghề, anh Triết chưa bao giờ ngừng nỗ lực mở rộng ứng dụng nghệ thuật Pháp Lam sang các lĩnh vực mới trong đời sống như tranh Pháp Lam; sản phẩm nội thất và trang trí công trình xây dựng với 4 loại hình: họa Pháp Lam, Pháp Lam chạy chỉ, Pháp Lam chạm khảm, kính Pháp Lam. “Nếu cứ mãi ở đây, tôi sợ pháp lam Huế sẽ vướng vào lối mòn, gặp hạn chế trong sáng tạo”, anh Triết chia sẻ. Có lẽ, cách để những giá trị cũ tiếp tục tồn tại với nhịp điệu của cuộc sống hiện đại không gì khác hơn là tình yêu và sự đổi mới. Khi những nguyên tắc cũ thoát được khỏi vỏ bọc của khuôn khổ, đó là lúc mà truyền thống hòa hợp được với cuộc sống tương lai.

Ảnh: Lao động & Công đoàn

Suốt 20 năm “sống” với nghề, anh Triết chưa bao giờ ngừng nỗ lực mở rộng ứng dụng nghệ thuật Pháp Lam sang các lĩnh vực mới trong đời sống như tranh Pháp Lam; sản phẩm nội thất và trang trí công trình xây dựng với 4 loại hình: họa Pháp Lam, Pháp Lam chạy chỉ, Pháp Lam chạm khảm, kính Pháp Lam. “Nếu cứ mãi ở đây, tôi sợ pháp lam Huế sẽ vướng vào lối mòn, gặp hạn chế trong sáng tạo”, anh Triết chia sẻ. Có lẽ, cách để những giá trị cũ tiếp tục tồn tại với nhịp điệu của cuộc sống hiện đại không gì khác hơn là tình yêu và sự đổi mới. Khi những nguyên tắc cũ thoát được khỏi vỏ bọc của khuôn khổ, đó là lúc mà truyền thống hòa hợp được với cuộc sống tương lai.

A WAY TO GREEN OFFICIAL là không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng  hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam