SIÊU BÃO YAGI – LỜI GIẢI THÍCH HỢP LÝ KHI BÃO XUẤT HIỆN NGÀY CÀNG NHIỀU

September 11, 2024

Sự tàn phá của những cơn bão ngày càng dày đặc phải chăng là cái giá mà con người phải trả cho những gì mà ta đã và đang đối xử với môi trường, bởi việc chặt phá rừng, tàn phá đại dương, khai thác bừa bãi, đốt rác và chôn lấp chúng xuống đất để chúng tự khác tiêu tan sau hàng trăm năm?

1. Sự “nhân bản” bất thường của những siêu bão thế kỷ

Chứng kiến siêu bão lịch sử kể từ 30 năm qua, cơn bão Yagi (hay còn được gọi là bão số 3) chính là minh chứng cho những biến đổi tiêu cực về môi trường trong nhiều thập niên qua. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), tần suất và cường độ của các cơn bão mạnh (cấp 4 và 5) đã tăng khoảng 25-30% từ thập niên 1970 đến nay. Đồng thời, dựa trên báo cáo của Trung tâm Bão Quốc gia Hoa Kỳ (NHC), số lượng các cơn bão nhiệt đới và cơn bão lớn ở Bắc Đại Tây Dương đã gia tăng rõ rệt từ thập niên 1980. Năm 2020 là mùa bão kỷ lục ở Đại Tây Dương với 30 cơn bão nhiệt đới được ghi nhận, phá vỡ kỷ lục trước đó: 28 cơn bão vào năm 2005. Khu vực Nam Á và Biển Đông cũng là một trong số những khu vực “nằm vùng” của bão, khi số lượng và cường độ bão tăng lên đáng kể trong những năm qua, sẵn sàng phá vỡ mọi giới hạn được thiết lập trước đó. 

2. Yagi – Nỗi khiếp sợ lặp lại về sự đe dọa của thiên tai

Ba quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề tính đến thời điểm hiện tại của bão nhiệt đới là Philippines, Trung Quốc và Việt Nam. Yagi xuất phát từ một vùng áp thấp hình thành vào ngày 30/8, cách Palau khoảng 540 km về phía tây bắc. Đổ bộ vào địa phận Philippines, cơn bão dần suy yếu khi đi vào các mảng lục địa và bị cản trở bởi địa hình núi đồi đặc trưng của quốc gia nhiều đảo này. Theo giới chuyên môn, chỉ 10 ngày trước, Yagi vẫn là một cơn bão nhiệt đới với sức gió tối đa 90 km/h. Tuy nhiên, lập tức sau đó, Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp công bố bão Yagi đã tăng cấp thành siêu bão khi hoàn thành chu kỳ hình thành của mình, nhanh chóng tập trung sức mạnh trên vùng nước ấm của khu vực Đông Nam Á. Ngày 5/9, siêu bão Yagi được cảnh báo là cơn bão cấp 16, 17, với sức gió từ 184 đến 201 km/h, chính thức trở thành siêu bão.

Các siêu bão trước đây thường hình thành ở vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương, sau đó đi vào Biển Đông và thường giảm cường độ dựa trên các quy luật tự nhiên và vật lý, hiếm khi hình thành siêu bão ngay trên Biển Đông. Hoặc nếu xảy ra, khi tiến vào đất liền, bão nhanh chóng suy yếu và trở thành áp thấp nhiệt đới tạo nên mưa dông, mưa rải rác. “Chưa có cơn bão nào đi vào Biển Đông mà mạnh lên thành cấp siêu bão”, đó là những gì chúng ta được biết cho đến khi bão Yagi xuất hiện, càn quét mọi nơi mà nó đi qua và để lại nhiều tàn dư nặng nề, thậm chí khó có thể khắc phục. “Mức độ tàn phá của bão Yagi vượt xa tưởng tượng”, đứng trước sức công phá khủng khiếp của cơn bão, truyền thông Trung Quốc nhận định về bão Yagi kỷ lục khi nó quét qua đảo Hải Nam, khiến cho 4 người thiệt mạng, 95 người bị thương, gây thiệt hại 11,9 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,67 tỷ USD) cho ngành nông, ngư nghiệp tỉnh Hải Nam, trong đó thiệt hại hơn một nửa về ngành đánh bắt cá.  

Ngỡ tưởng cơ thịnh nộ của thần sẽ dừng lại sau khi quét sạch đảo Hải Nam với vô số thiệt hại nặng nề về người và của, bão Yagi tiếp tục tràn xuống thủ phủ Hải Khẩu, đổ bộ vào Quảng Ninh và Hải Phòng. Thành phố du lịch nổi tiếng bậc nhất của “thủ đô than đá Việt Nam” – Hạ Long bị tàn phá nặng nề bởi bão. Một thành phố đáng sống với biển xanh và núi đồi, những nhà hàng ẩm thực địa phương lừng danh, những khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp bậc nhất bị thổi bay chỉ trong vài giờ, để lại đống hoang tàn, đổ nát. Mái tôn, gạch ngói, những khung sắt thép ngổn ngang trên mặt đường đắt giá nhất – đường hạ Long, tạo nên khung cảnh hoang tàn chưa từng có. Nhiều hình ảnh của những khách sạn cao cấp nhất Hạ Long bị gió cuốn vỡ kính xuất hiện trên truyền thông của nhiều quốc gia bởi cường độ gió cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17 kinh hoàng, khiến cho con người vốn mong manh càng trở nên nhỏ bé trước tiếng gầm của thiên nhiên. 

Ảnh: Dân trí

Cơn bão tiếp tục tràn về Thành phố Hải Phòng, đổ quật hàng cây phượng đỏ biểu trưng của thành phố, khiến 528 nhà dân, 128 trường học, 104 trụ sở cơ quan, 13 cơ sở y tế bị hư hỏng. Nhiều tuyến đường ngập úng nặng nề do bão, những căn nhà bật nóc khiến người dân phải nhanh chóng sơ tán, nhiều giờ mất điện và nước để nhờ cứu trợ đã làm cho đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân Hải Phòng điêu đứng. Sức mạnh của cơn bão liên tục tiến vào sâu bên trong, ảnh hưởng toàn bộ khu vực miền Bắc, bao gồm Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai… và nhiều khu vực khác vùng trung du Bắc Bộ. 

Hiện tượng gió cuốn, giông giảm thiểu đáng kể vào ngày 9/9, tuy nhiên, mưa giông kéo dài trên khắp các tỉnh miền Bắc trong nhiều ngày do ngập úng, khiến nước sông Hồng dâng cao kỷ lục kể từ năm 1996, buộc Hà Nội phát lệnh báo động 2 đến toàn thể người dân nhanh chóng sơ tán và huy động các lực lượng cứu trợ kịp thời. Bên cạnh đó, để khắc phục hậu quả của bão lũ ở Hải Nam, Trung Quốc thực hiện xả lũ khiến nước sông dâng cao, gây ngập úng vượt mức báo động 2, thậm chí vượt mức báo động 3. Sau nhiều ngày phải chịu ảnh hưởng bởi bão, lũ mưa lên hàng trăm mét, gây sạt lở nặng nề ở khu vực miền núi, đất bùn từ đỉnh núi từ độ cao trên 100m đổ xuống khu vực chân núi, lấp vùi toàn bộ Làng Nủ (Lào Cai) khiến 25 người thiệt mạng. ảnh hưởng đến 35 hộ dân cư đang sinh sống. Cuộc chạy đua tìm người mất tích vẫn đang tiếp tục được tiến hành giữa tình trạng ngập úng, nước chảy xiết với niềm hy vọng cứu sống những nạn nhân. “Bùn đất nổ tung lên trời cao, đi đến đâu cuộn thành cục vào đó. Đến đây thì chẳng còn nhìn thấy gì, chỉ còn đất thôi!” – một người dân chia sẻ. Nhiều khu vực tại Lào Cai bị lũ quét, ngập úng nặng nề, khiến cho hoạt động cứu trợ trở nên khó khăn. Tại địa bàn huyện Bảo Yên (Lào Cai), từ đêm 06/9/2024 xảy ra mưa, mưa vừa, mưa to kèm theo giông lốc, sấm sét. Đến ngày 8-9/9, nức lũ dâng cao đến mái nhà, cô lập hoàn toàn Bảo Yên với các vùng khác, khiến cho công tác ứng cứu trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Ảnh: Dân Trí

Sáng ngày 11/9, người dân Tuyên Quang tiếp tục bàng hoàng với thông tin lũ trên sông Lô đã lên mức 27.65m, trên báo động 3 từ 1.65 – 1.8m, thuộc mức báo động khẩn cấp. Trong đêm ngày 10/9, đê sông Lô qua xã Quyết Thắng đã bị vỡ một đoạn khoảng hơn 10m do nước sông dâng cao. Ngay giữa đêm, nhiều hộ dân phải tỉnh giấc để sơ tán ngay lập tức. Lực lượng công an, dân phòng phối hợp cùng người dân thực hiện công tác vá đê trong đêm, nhằm ngăn chặn những thiệt hại mà lũ gây nên.

Ảnh: Vỡ đê ở Tuyên Quang (VTV)

3. Nguyên do nào khiến cho những cơn bão xuất hiện ngày càng nhiều ở Đông Nam Á?

Bão là loại hình thời tiết cực đoan được hình thành trên biển, xuất phát từ các vùng khí chênh lệch nhiệt độ hoặc áp suất. Khi nền nhiệt độ nước biển tăng cao dẫn đến tình trạng mặt biển bị bốc hơi nước, làm cho hơi nước bốc lên đẩy mạnh vòng xoáy theo cả chiều dọc và chiều ngang. Đặc biệt, khi nước bốc hơi mạnh từ 26 độ C trở lên, nó nhanh chóng trở thành “gia vị chính” của cơn bão. Những hơi nước nhanh chóng bốc lên cao đến 15km, khiến không khí trở nên lạnh, cô đặc và hình thành mây bão. Sự di chuyển liên tục của những khối khí nóng và lạnh tạo ra luồng xoáy. Nhiệt độ nước càng nóng, gió càng tăng tốc, khiến cho sức mạnh của bão tăng lên đáng kể.

Những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự nóng lên bất thường sự nóng lên bất thường của Trái Đất, vô số những hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra do tác động của biến đổi khí hậu. Dữ liệu vệ tinh mới từ Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu châu Âu (Copernicus) cho thấy nhiệt độ mặt nước biển trung bình toàn cầu trong tháng 2 là 21,06℃, cao hơn kỷ lục trước đó là 20,98℃ được thiết lập vào tháng 8/2023. Đồng thời, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tháng 8 vừa qua cũng cảnh bảo nhiệt độ nước biển ở khu vực Thái Bình Dương đang tăng với tốc độ nhanh gấp 3 lần so với mức trung bình toàn cầu. 


Sự ô nhiễm môi trường do tự nhiên gây ra vẫn diễn ra, nhưng mất rất nhiều thời gian để tự nhiên có thể làm điều đó, bao gồm việc núi lửa phun trào, bão cát, băng tan… nhưng lại nhanh gấp hàng chục lần khi có sự tiếp tay của loài người.


Giới khoa học nhận thấy sự nóng lên của các đại dương do biến đổi khí hậu gây ra chính là nguyên nhân khiến cho những cơn bão xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành những trận cuồng phong với sức công phá lớn hơn. Trong 40 năm qua, đại dương đã hấp thụ khoảng 90% lượng nhiệt dư thừa bị giữ lại do khí thải nhà kính. Lượng nhiệt bổ sung này có thể thúc đẩy cường độ của cơn bão và tạo ra sức gió mạnh hơn.

Ảnh: Tuổi Trẻ

Một nghiên cứu vừa được công bố vào cuối tháng 7/2024 do các nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania, Đại học Rowan ở Hoa Kỳ, Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore đồng nghiên cứu cho thấy các cơn bão nhiệt đới ở Đông Nam Á hình thành gần bờ biển xuất hiện ngày càng nhiều với cường độ mạnh nhanh và mạnh hơn, lưu lại trên đất liền lâu hơn, gây nên nhiều thiên tai và thiệt hại. Những thay đổi này, do biến đổi khí hậu, làm gia tăng rủi ro cho hàng chục triệu người ở các vùng ven biển, trong đó các thành phố như Hải Phòng (Việt Nam), Yangon (Myanmar) và Bangkok (Thái Lan) phải đối mặt với mối đe dọa chưa từng có từ những cơn bão kéo dài và dữ dội hơn. “Đông Nam Á có bờ biển đông dân, hiện là nơi sinh sống của hơn 70% dân số toàn cầu phải chịu tác động của mực nước biển dâng trong tương lai. Khi bạn nhìn vào bờ biển đông dân đó và khi đây là khu vực bị ảnh hưởng bởi các cơn bão nhiệt đới, thì có một rủi ro lớn thực sự, đặc biệt là khi những cơn bão đó trở nên tàn phá hơn và dân số tiếp tục tăng” – Phó giáo sư Andra Garner, tại Khoa Trái đất và Môi trường của Đại học Rowan chia sẻ. Những cơn bão đi qua thường kéo theo lũ quét, sạt lở đất, thúc đẩy những cuộc di tản hàng loạt, lật độ nền kinh tế của một khu vực, rộng ra hơn là của một thành phố và sinh kế của hàng nghìn người. Trong khi đó, con người vẫn tiếp tục tàn phá môi trường bằng cách thải bỏ hàng tấn rác thải nhựa và vi nhựa ra môi trường từng khắc, từng giây.

Phải chăng đây là thời khắc mà con người phải trả giá cho những gì mà ta đã và đang đối xử với môi trường, bởi việc chặt phá rừng, tàn phá đại dương, khai thác bừa bãi, đốt rác và chôn lấp chúng xuống đất để chúng tự khác tiêu tan sau hàng trăm năm?

Sự ô nhiễm môi trường do tự nhiên gây ra vẫn diễn ra, nhưng mất rất nhiều thời gian để tự nhiên có thể làm điều đó, bao gồm việc núi lửa phun trào, bão cát, băng tan… nhưng lại nhanh gấp hàng chục lần khi có sự tiếp tay của loài người. Như quy luật “gieo gió gặt bão”, con người cần rất nhiều nỗ lực để trả lại mảng xanh vốn có cho Trái Đất để giảm thiểu các hiện tượng bất thường của tự nhiên, thiên tai và cũng để duy trì sự sống của bản thân mình.

Nguồn: Báo Tiền Phong, Dân Trí, CafeF, vnexpress, VTV

A WAY TO GREEN OFFICIAL là không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng  hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.