July 9, 2024
Nếu rác thải không kịp tái chế thì chúng sẽ đi đâu? Bị quẳng vào các lò thiêu rác, hay sẽ được chôn sâu dưới tầng tầng, lớp lớp đất, sẽ bị vứt ở sa mạc đợi cái nắng thiêu đốt, hay sẽ chìm dưới biển sâu vạn thước? Thế nhưng, tất cả những cách thức này chỉ đơn giản là vứt chúng ra ngoài tự nhiên, để rác thải tự chết dần chết mòn theo thời gian. Hoặc nếu lựa chọn xử lý rác đúng cách, số vốn bỏ ra có vẻ là một con số lớn đến chóng mặt. Nhưng sẽ như thế nào nếu người ta tìm cách “lách luật” để tiết kiệm một khoản tiền khổng lồ cho việc xử lý rác thải đúng cách? Đó là cách mà khái niệm “Waste Trafficking” (Buôn lậu rác thải) ra đời, một cách để các “con buôn rác” tuồn rác thải nước mình đến khắp mọi nơi trên thế giới, chỉ cần tiền là có thể mua và bán.
1. Waste trafficking là gì?
Rất nhiều năm về trước, khi con người vẫn còn đang loay hoay tìm cách giải quyết rác thải đúng quy trình, trong khi lượng rác vẫn tăng lên không ngừng theo cấp số nhân, họ tin rằng việc “bán rác” là một cách nhanh nhất để “thanh lý” rác mà ít gây hại cho môi trường, khi bên bán sẽ tống khứ được hoàn toàn lượng rác thải chưa xử lý và bên mua có thể tận dụng lại những phần thừa có thể sử dụng được. Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của vài trăm năm trước, khi mà tình trạng “lạm phát rác thải” chưa bùng nổ. Trong thập niên trở lại đây, người ta nhìn thấy rõ “chân tướng” của việc buôn lậu rác thải đối với môi trường và xã hội hay thậm chí là về mặt kinh tế.
Hiểu một cách đơn giản, Waste Trafficking là hình thức buôn bán rác thải bất hợp pháp xuyên quốc gia, bao gồm việc thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy hoặc quản lý chất thải mà không tuân thủ các quy định pháp luật và môi trường. Đây được coi là hình thức tội phạm có lợi nhuận cao, rủi ro thấp, có trị giá hàng tỷ đô la mỗi năm. Theo báo cáo của FAFT, lợi nhuận tạo ra từ chất thải bất hợp pháp lên tới 10–12 tỷ USD hàng năm, khiến lợi nhuận ngang hàng với các lĩnh vực tội phạm lớn khác như buôn người. Mặc dù mang lại lợi nhuận khổng lồ, việc buôn bán chất thải rất khó phát hiện, điều tra hay truy tố, bởi nó lẫn với rác thải của từng quốc gia thải ra. Theo UNODC, các hình phạt thường không tương xứng với thiệt hại gây ra, thậm chí nhẹ hơn nhiều so với những hình phạt đối với hành vi buôn bán hàng hóa bất hợp pháp khác, chẳng hạn như ma túy – khiến hoạt động này trở thành miếng mồi béo bở đối với tội phạm trọng phạm vi toàn cầu.
Rất nhiều năm về trước, khi con người vẫn còn đang loay hoay tìm cách giải quyết rác thải đúng quy trình, trong khi lượng rác vẫn tăng lên không ngừng theo cấp số nhân, họ tin rằng việc “bán rác” là một cách nhanh nhất để “thanh lý” rác mà ít gây hại cho môi trường.
Chất thải thường có giá trị âm, buộc doanh nghiệp tốn tiền để xử lý theo cách an toàn và không gây hại cho môi trường, bao gồm chi phí xử lý, công nghệ và lao động phù hợp với luật pháp quốc gia và các quy định về môi trường. Trước con số khổng lồ về mặt tài chính mà chính phủ phải chi trả cho việc xử lý rác thải, một số quốc gia tỏ ra chần chừ hay trì hoãn hoạt động này. Vô hình chung, điều này lại càng thúc đẩy tội phạm buôn rác lậu lộng hành. Trong khi một bên có thể đưa rác ra khỏi nước mình mà không cần phải trả tiền cho việc xử lý chất thải hợp pháp, bên còn lại có thể tái sử dụng các nguyên liệu nhựa vào việc sản xuất. Do đó, các công ty muốn tránh những chi phí tái chế sẽ lựa chọn xuất khẩu chất thải sang các nước khác có tiêu chuẩn môi trường ít nghiêm ngặt hơn
2. Dòng chảy của rác thải trong quy trình buôn lậu rác thải
Các quy định về chất thải rất phức tạp và không nhất quán giữa các quốc gia. Những quốc gia khác nhau có cách hiểu khác nhau về định nghĩa pháp lý về chất thải, khiến các đối tượng tội phạm lợi dụng những sơ hở này để thực hiện các hoạt động trái pháp luật của mình. Dòng chảy của rác thải sẽ bắt đầu từ “thượng nguồn” là những nước phát triển ở Bắc bán cầu, Châu Âu đến khu vực “hạ nguồn” có kinh tế kém phát triển hơn như Nam bán cầu, các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp hơn ở Đông Nam Á, Nam Á và Châu Phi. Interpol (Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế) đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về xu hướng buôn lậu rác thải từ Mỹ và Châu Âu đến các nước Đông Nam Á. Một số nơi, vấn nạn này nghiêm trọng đến mức dẫn đến bất ổn xã hội, nổ ra những cuộc chiến không tiếng súng nhưng lại gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng đời sống. Trường hợp của Pulau Indah, hòn đảo được mệnh danh là đẹp nhất Malaysia, chỉ trong vài năm đã gần như bị biến dạng bởi hàng tấn rác lậu được nhập khẩu. Người dân trên đảo nhiều lần xuống đường biểu tình kêu gọi chính phủ giải quyết vấn đề, thế nhưng với những kẻ buôn, người mua này, dẫu có “đi đêm” nhưng vẫn chẳng “gặp ma”.
Những quốc gia phát triển bất chấp công ước Basel để tuồn rác ra khỏi quốc gia mình. Sau khi Trung Quốc, quốc gia có diện tích lớn thứ 4 trên thế giới đưa ra lệnh cấm nhập 24 loại rác thải nhựa và điện tử để tái chế ở nước này năm 2018, dòng rác thải từ phần lớn Châu Âu đã tìm những bến đỗ mới, dọc bờ biển khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là xứ sở vạn đảo Indonesia. Từ túi giấy, bao nylon, cho đến vỏ chai nhựa, đồ cũ trôi dạt vào bờ biển bởi thủy triều cuốn, khiến người dân địa phương không một ai biết núi rác khổng lồ ấy từ đâu đến. Thế nhưng, đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, bởi Indonesia chỉ là một trong số những quốc gia Đông Nam Á là nạn nhân của nạn buôn rác lậu, thu nhận hàng tấn rác thải nhựa từ khắp nơi trên thế giới.
Ủy ban châu Âu ước tính có khoảng 15-30% lô hàng rác thải từ EU là bất hợp pháp, giúp các đầu nậu kiếm hàng tỷ euro phi pháp hằng năm. Cùng với đó, báo cáo của LHQ, cho biết trong giai đoạn 2017 – 2021, các nước ASEAN nhập hơn 100 triệu tấn rác kim loại, giấy và nhựa, trị giá gần 50 tỷ USD. Nhận thấy lượng lớn “rác lạ” xuất hiện ngày càng dày đặc, Cục Thống kê Indonesia ghi nhận sau năm 2018, lượng rác nhập khẩu, trong đó rác giấy và nhựa từ các nước Tây Âu vào Indonesia tăng đột biến. Tượng tự như Indonesia, Philippines cũng được mệnh danh là quốc gia có tình trạng ô nhiễm rác nhựa nghiêm trọng nhất thế giới khi có tới 750.000 tấn rác nhựa thải ra biển mỗi năm, là mối hiểm họa của sinh vật biển vùng vịnh Manila. Theo báo cáo ghi nhận được, lượng rác nhựa thải ra hằng năm theo đầu người ở Philippines trung bình là 37,23kg, cao nhất thế giới, so với mức 0,81kg mỗi người ở Mỹ. Trong khi đó, trung bình mỗi người ở Philippines chỉ tạo ra 0,07kg rác thải nhựa mỗi ngày, ít hơn 5 lần so với Mỹ. Vậy lượng rác khổng lồ kia từ đâu mà đến, khi nó không bắt nguồn từ Philippines?
Thực trạng cho thấy việc quản lý, thu gom và tái chế rác thải ở khu vực Đông Nam Á còn rất hạn chế, là nguyên nhân chính tạo điều kiện cho nạn buôn rác lậu hoành hành. Những tội phạm liên quan đến buôn bán chất thải thường ngụy trang việc xuất khẩu bất hợp pháp của họ thành hàng xuất khẩu hợp pháp – ví dụ, bằng cách khai báo chất thải nguy hại là không nguy hại trên biểu mẫu hải quan. Rác thải từ các công ty, nhà máy sản xuất không tuân thủ các quy định về môi trường và tìm cách xuất khẩu rác thải để tránh chi phí xử lý cao hay các thương nhân đưa rác sang biên giới. Rác lậu sau đó được giao dịch trên chợ đen và các thị trường không chính thức, nơi mà việc kiểm soát và giám sát rất khó khăn. Rác tái sử dụng được sẽ được đưa vào nhà máy sản xuất để tiết kiệm một khoản kha khá thay vì phải thay mới hoàn toàn. Ngược lại, rác không thể tái chế sẽ được vứt ra các bãi tập kết rác, chôn lấp bất hợp pháp, bị thiêu đốt ở những sa mạc hay đồi trọc hoang hay trôi dạt ra biển, bắt đầu cho một vòng lặp rác vô tận khi rác tiếp tục trôi đến những bờ biển khác nhau.
3. Sự đe dọa của nạn buôn rác nhựa
Việc coi rác là “hàng hóa”, phá vỡ Công ước Basel về kiểm soát di chuyển xuyên biên giới của các chất thải nguy hại mang lại hậu quả khôn lường hơn ta nghĩ nhiều. Rác thải, đặc biệt là rác thải điện tử và công nghiệp, chứa nhiều chất độc hại gây ô nhiễm đất và nước. Chất độc trong bản thân chúng có thể xâm nhập vào chuỗi thức ăn, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe động vật. Rác thải “vượt biên” giữa các quốc gia được vận chuyển chủ yếu bằng đường thủy với những còn tàu chở hàng với sức chứa khổng lồ, không đảm bảo về mặt an toàn khi vận chuyển mà không gây ô nhiễm môi trường biển.
Ngược lại, rác không thể tái chế sẽ được vứt ra các bãi tập kết rác, chôn lấp bất hợp pháp, bị thiêu đốt ở những sa mạc hay đồi trọc hoang hay trôi dạt ra biển, bắt đầu cho một vòng lặp rác vô tận khi rác tiếp tục trôi đến những bờ biển khác nhau.
Khói từ việc đốt rác thải thậm chí còn độc hơn rất nhiều so với khói từ các nhà máy sản xuất công nghiệp. Tiếp xúc với khói độc lâu ngày ảnh hưởng trầm trọng đến hệ hô hấp của con người, đặc biệt là sau khi thế giới đã phải trải qua thời kỳ “thanh lọc” do COVID-19. Đồng thời, việc buôn bán rác lậu làm giảm chi phí xử lý rác thải cho các nước phát triển, nhưng lại gây ra chi phí môi trường và sức khỏe cao cho các nước đang phát triển. Kết quả là, những nước đang chật vật trong việc xử lý rác thải lại càng chật vật hơn mỗi ngày và người dân buộc lòng phải sống trên các biển rác.
Các quốc gia chỉ còn cách kiểm soát gắt gao hơn về các các hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu rác thải. Không chỉ riêng những nước đang phát triển mới là người phải chống, mà cả những nước giàu bên trời Tây càng phải chống quyết liệt hơn bằng cách mở rộng quy mô hệ thống quản lý rác; những quốc gia kém phát triển hơn cần quán triệt trong việc xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng quản lý rác. Bằng cách này, có lẽ ta sẽ cứu vãn thêm một chút tình trạng tồi tệ của môi trường hay thậm chí là tạo ra một cuộc đời mới cho sức sống tinh khiết vốn dĩ của loài người.
Nguồn: Vietcetera, Báo Tuổi Trẻ, UNODC, Basel Governance
—
A WAY TO GREEN OFFICIAL là không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.