“UPCYCLING” LÀ GÌ VÀ CÓ NGUỒN GỐC TỪ ĐÂU?

September 5, 2023

Ghi chú về thời trang bền vững: “UPCYCLING” LÀ GÌ VÀ CÓ NGUỒN GỐC TỪ ĐÂU?

Ngược dòng lịch sử, upcycling lần đầu tiên được sử dụng tại Anh trong bối cảnh nước Anh đang khan hiếm nguyên liệu may mặc cho quân phục của binh lính. Cho đến năm 1994, thuật ngữ upcycling chính thức được đặt tên bởi kỹ sư người Đức Reiner Pliz. Vì cho rằng thuật ngữ recycling (tái chế) đang làm giảm giá trị của những bộ trang phục đã được “tân trang” lại, cũng như thành quả sáng tạo của những thợ may, Reiner Pliz đã thay đổi tên gọi cho phương pháp tái chế sáng tạo này thành upcycling (nâng cấp).

Chia sẻ trong quyển sách Textiles and Clothing Sustainability Journal: Recycled and Upcycled Textiles and Fashion, tác giả Vadicherla cùng các cộng sự đã nhận định:

“Upcycling cho phép chúng ta sáng tạo một điều gì đó mới mẻ với chất lượng tốt hơn, từ những mặt hàng cũ hoặc đã qua sử dụng.”

Upcycling là một quá trình đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn của nhiều kỹ năng: nhận thức về môi trường, khả năng sáng tạo, tư duy đổi mới, và trên hết là thái độ làm việc chăm chỉ. Dựa trên những quan điểm này, những bộ sưu tập upcycling sau cùng được đánh giá là có tư duy thiết kế mới lạ, mang yếu tố bền vững và có giá cả phải chăng.

Có một điểm tương đồng giữa upcycling và recycling trong giai đoạn đầu của xử lý chất liệu: cả hai phương thức này đều có thể khôi phục lại sợi vải hoặc sản phẩm cũ về hình dạng ban đầu. Tuy nhiên sau đó, upcycling sẽ yêu cầu nhiều sáng tạo hơn trong khâu thiết kế, chứ không chỉ đơn thuần là nâng cấp kỹ thuật cắt may (cũng có thể bao gồm cả hai yếu tố).

Đơn cử như, chất thải dệt có thể thông qua tái chế để sản xuất ra một loại sợi mới như nylon hoặc các loại sợi tổng hợp, bởi vì thành phần của những loại chất liệu này sẽ dễ dàng xử lý hơn trong quá trình dệt may. Còn với upcycling, chúng ta có thể sử dụng luôn nguồn nguyên liệu thô và nâng cấp, cho ra đời những kiểu trang phục mới.

Upcycling được định nghĩa là một giải pháp tái chế thú vị, đặt sự sáng tạo vào những sản phẩm thời trang bị xem là lỗi thời. Bằng cách sử dụng những chi tiết, vải vóc thừa của một bộ trang phục để tạo nên những thiết kế hoàn toàn mới, xu hướng này đã nhận được không ít sự chú ý của những người yêu thời trang, và làm trong ngành thời trang.

Không chỉ là một thuật ngữ trong ngành sáng tạo, upcycling khiến người ta phải thay đổi cái nhìn về ngành thời trang – một trong những ngành công nghiệp ô nhiễm nhất thế giới. Chưa biết được liệu upcycling có khả năng thay đổi toàn bộ bộ mặt ngành công nghiệp này hay không, nhưng ở thời điểm hiện tại, ít nhất nó đã thúc đẩy “sự thay máu” trong tư duy thiết kế và sản xuất của một bộ phận không nhỏ những tên tuổi thời trang trên thế giới.

A Way to Green Official – Không gian nghiên cứu và sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/ dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.