August 19, 2022
Thời trang chậm – phải chăng khái niệm này được khai sinh sau khi thời trang nhanh đã thống trị suốt một thời gian dài? Không ai có thể dám chắc về sự “đổi ngôi” của hai khái niệm này. Không ai có quyền khẳng định “nhanh – chậm” chỉ là sự luân phiên theo chu kỳ của những xu hướng hay phong trào thời trang.
Thời trang chậm không ra đời nhằm chống đối và lật đổ vị thế của ngành công nghiệp thời trang nhanh toàn cầu. Thời trang chậm chỉ xuất hiện khi bất kỳ ai đó chợt nhận ra: chúng ta cần phải sống chậm lại.
Thời trang nhanh đã vận hành đế chế của mình kể từ nửa cuối thế kỷ XX. Các nhà thời trang xây dựng mô hình thời trang nhanh bằng cách thu thập xu hướng và biến tấu lại từ các mẫu thiết kế được trình diễn tại Fashion Weeks. Sự nhào trộn, tổng hợp và sao chép ý tưởng di chuyển từ phòng thiết kế đến các cơ sở sản xuất có nguồn nhân công giá rẻ. Trong vòng 2 tuần các sản phẩm mới nhất có mặt trên kệ hàng và lấp đầy banner trên các trang thương mại điện tử. Nhanh chóng cập nhật, nhanh chóng thiết kế, nhanh chóng sản xuất, nhanh chóng tiêu thụ và nhanh chóng vứt bỏ là diện mạo của lối sống “thời trang ăn liền” mà cả thế giới đã điên cuồng theo đuổi trong nhiều thập kỷ qua.
Thời trang nhanh chủ yếu thúc đẩy: bán nhiều hơn, kiếm tiền nhiều hơn. Thời gian sử dụng rút ngắn, tốc độ hao mòn nhanh chỉ là một trong những vấn đề về yếu tố sản xuất. Trên thực tế, phần chìm của cơn khủng hoảng còn phải kể đến tình trạng chèn ép nguồn lao động, vắt kiệt tài nguyên thiên nhiên và siết chặt đạo đức kinh doanh để theo đuổi lợi nhuận tối đa.
Để có giá thành siêu rẻ, quần áo được làm bằng chất liệu tổng hợp sản xuất bởi hàng trăm loại hóa chất trong toàn bộ các công đoạn. Quy trình xử lý an toàn đối với các loại sợi tự nhiên như cotton, lanh, gai, tre,… tốn quá nhiều thời gian để kịp đáp ứng ngành may mặc hàng loạt. Sau khi đẩy cạn giới hạn năng lực tự nhiên của cây trồng và đất đai, các nhà sản xuất đi đến sử dụng sợi nhân tạo và sợi thực vật biến đổi gen. Để hàng may mặc với số lượng khổng lồ được xuất xưởng liên tục chỉ trong vài tuần, đó chỉ có thể là các loại vải polyester, nylon, acrylic,…Và sự thật về tác hại của vải sợi tổng hợp đối với sức khỏe con người và môi trường, có lẽ không cần phải khẳng định thêm nữa.
Ngành thời trang chính thống vẫn đang phụ thuộc vào thực trạng thương mại hàng loạt toàn cầu. Mức giá thấp, tốc độ luân chuyển nhanh và những “chiêu bài xu hướng” ồ ạt khiến người dùng dễ dàng mua sắm nhiều hơn mức cần thiết. Quần áo thời trang ăn liền cung cấp giá rẻ cho bất cứ ai, nhưng quá đắt đối với môi trường và người lao động tại những nước kém phát triển – nơi phải tự hứng chịu hậu quả bởi nhu cầu tiêu thụ thời trang nhanh vô tội vạ của người tiêu dùng tại chính quốc.
Bắt đầu được đề cập rộng rãi từ khoảng 10 năm trước. Thuật ngữ “Slow Fashion” xuất hiện lần đầu tiên trên tạp chí The Ecologist bởi nhà tư vấn Kate Fletcher(*) vào tháng 9/2007. Khái niệm thời tranh nhanh – thời trang chậm liên hệ với thức ăn nhanh – thức ăn chậm, được trình bày trong bài nghiên cứu “Slow + Fashion – an Oxymoron – or a Promise for the Future…?” bởi tác giả Clark Hazel(**) vào tháng 12/2008. Gần đây nhất, sách “Slow Fashion: Aesthetics Meets Ethics” được xuất bản bởi tác giả Safia Minney (***) vào tháng 3/2016. Trong suốt một thập kỷ qua, thuật ngữ này thường xuyên được bàn luận và dần dần xây dựng nên cộng đồng của nó trên khắp thế giới.
Thời trang chậm là sự chuyển động chậm rãi của việc thiết kế, sản xuất, mua sắm, sử dụng. Khái niệm này khuyến khích sản xuất cân bằng với nhu cầu thực tiễn, đa dạng nguyên vật liệu để duy trì tính ổn định lâu dài, công bằng thương mại (đáp ứng mức lương hợp lý, cung cấp việc làm, đào tạo nhân lực và nâng cao tay nghề giúp cải thiện cuộc sống), chịu trách nhiệm với môi trường (tiết kiệm, tránh lãng phí, giảm khí thải cacbon) và lý tưởng hơn – Zero-Waste Fashion.
Tính minh bạch được đòi hỏi trong quá trình sản xuất. Từ đó lan truyền cảm hứng tích cực, hướng dẫn và chia sẻ giá trị của nghề thủ công, kỹ thuật và phương pháp sản xuất, giúp người tiêu dùng có sự thấu hiểu cần thiết đối với những món đồ sẽ gắn bó cùng mình.
Một trong những điều quan trọng để định nghĩa thời trang chậm, chính là mô hình kinh doanh này không có nhu cầu bán được nhiều hàng hóa. Vấn đề này hoàn toàn đi ngược với những lĩnh vực kinh doanh thông thường, kể cả các khái niệm “thời trang xanh” (hay thời trang tái chế hay thời trang hữu cơ). Thời trang chậm không tập trung nhiều vào lượt tiêu thụ, thậm chí khuyến khích khách hàng mua chậm lại và ít lại.
Thực vậy, không thể rẻ!
Nhiều người vẫn không ngừng than vãn về giá thành quá đắt của thời trang sinh thái khi chúng sử dụng chất liệu tốt, chất lượng bền bỉ, thực hiện thủ công và độc quyền sáng tạo bởi các nhà thiết kế. Vấn đề nảy sinh khi chúng ta đặt kỳ vọng không thực tế về số lượng và tần suất mua sắm như đối với thời trang nhanh – mua nhiều và mua nhanh vì giá rẻ, đồng thời cũng có nghĩa là bắt buộc phải vứt đi sớm do hư hỏng nhanh chóng. Ngược lại, thời trang chậm hướng đến việc chăm sóc tốt hơn cho tủ quần áo của người tiêu dùng. Ở đó, những bộ trang phục có chất lượng cao, thân thiện với môi trường, phong cách vượt thời gian và giá trị sử dụng lâu dài.
Thời trang chậm không phải là một phong trào mới nổi hay một lĩnh vực cạnh tranh gay gắt với thời trang nhanh, mà chính là một cách kết nối với lối sống cũ, khi mà quần áo không bị xem là một xu hướng nhất thời hay những vật dụng nhanh chóng bị vứt đi. Chúng ta có thể nhớ lại những bộ váy áo, những món trang sức, những đồ phụ kiện được may đo chăm sóc kỹ càng, bền bỉ qua thời gian, được truyền lại qua nhiều thế hệ mà không hề lỗi thời ở những thế kỷ trước.
Khác với phương thức sản xuất dựa trên lịch trình Xuân – Hè, Thu – Đông như cách mà ngành công nghiệp thời trang chính thống thực hiện. Có nghĩa là sản xuất đều đặn các BST mỗi năm với số lượng cho cả mùa. Công việc thiết kế phải được bắt đầu trước đó một năm, BST được tung ra trước thời điểm mùa bắt đầu khoảng 6 – 8 tháng. Tức là lúc các cửa hàng trưng bán quần áo mùa xuân khi chỉ mới vừa vào thu, hay khách hàng phải nên mua sắm quần áo mùa đông khi ngoài trời mùa hè còn nóng rực.
Một trong những phương pháp được thiết lập để phát triển thời trang chậm, chính là các nhà thiết kế/nhà sản xuất sẽ cho ra đời một BST nhỏ với 3 – 4 mẫu thiết kế mỗi tháng. Mỗi BST độc lập phong cách và kiểu dáng với nhau, nhưng có thể liên quan về chất liệu, như thế sẽ tạo thành một BST hoàn chỉnh vào thời điểm cuối mùa và cuối năm. Mặc dù phương pháp này có vẻ như cách mà thời trang nhanh áp dụng: liên tục tung sản phẩm mới ra mỗi tháng. Tuy nhiên có sự khác biệt lớn về số lượng sản xuất và mức độ tiêu thụ, cũng như về chất lượng và tuổi thọ sử dụng. Đặc biệt, bằng phương pháp này, các doanh nghiệp nhỏ và độc lập thu hồi vốn nhanh chóng, lợi nhuận công bằng và bền vững đối với nguồn nguyên liệu tự nhiên.
Trên thực tế, không có những quy định hay tiêu chuẩn khắt khe nào để được gọi hoặc tự nhận là “thời trang chậm”. Thời trang chậm không có nghĩa đó chỉ là những chiếc áo thun cơ bản, hay những bộ quần áo cổ điển, giản dị thiếu cá tính. Phong cách thời trang được yêu thích hay đánh giá cao phụ thuộc vào thị hiếu thẩm mỹ riêng, mục đích riêng, định hướng riêng của các nhà thiết kế, nhà sản xuất hoặc thương hiệu.
Các thương hiệu thời trang chậm thường bắt đầu và phát triển bằng một sứ mệnh rõ ràng. Chia sẻ niềm đam mê, nguyện vọng, mục đích và cam kết trách nhiệm là nền tảng xây dựng niềm tin, mối quan hệ và phương cách tiếp cận với khách hàng cũng như các đối tác, các tổ chức hỗ trợ.
Một trong những đặc điểm để nhận dạng tính “chậm chắc” của thời trang chậm là một phần hoặc hoàn toàn các khâu đều được làm bằng tay. Một số doanh nghiệp xã hội hợp tác sản xuất cùng các nghệ nhân địa phương để hỗ trợ nghề thủ công truyền thống, sử dụng nguồn lao động, nguyên liệu và những lợi thế sẵn có để tránh lãng phí tài nguyên. Khi đó, những sản phẩm thời trang chậm mang trên mình những câu chuyện: Ở đâu? Bởi ai? Như thế nào? Vì sao?…
Thời trang chậm trước hết được hiểu như một cơ sở kinh doanh địa phương tự cung tự cấp hay một doanh nghiệp xã hội, hỗ trợ cộng đồng bản địa, giúp đỡ những người lao động nghèo khó. Tuy nhiên, khái niệm này trên tầm ảnh hưởng rộng còn là một câu chuyện kết nối toàn cầu. Đó có thể là những sản phẩm ra đời tại làng nghề Việt Nam hẻo lánh và đến tay những tín đồ thời trang Âu Châu, hay một đơn vị sản xuất thủ công gia truyền ở Thái Lan, Malay, Peru,… có thể lan tỏa câu chuyện của mình ra khắp thế giới.
—
(*) Kate Fletcher: là một Nhà Tư Vấn Thiết Kế Sinh Thái (Ecological Design Consultant), các khách hàng của cô là những nhà thời trang lớn như Marks& Spencer, TerrePlana, Clarks, People Tree, Intermediate Technology Development Group. Kate Fletcher nhận bằng tiến sĩ của trường Chelsea College of Art & Design, The London Institute từ năm 1999, nghiên cứu về sự phát triển các chiến lược thiết kế có trách nhiệm với môi trường trong ngành công nghiệp dệt may của nước Anh.
(**) Hazel Clark: Tác giả của bài viết “Clark, Hazel. “Slow + Fashion—an Oxymoron—or a Promise for the Future…?” Fashion Theory. Vol. 12, No. 4, pp. 427-446.
(***) Safia Minney: là người sáng lập và CEO của People Tree – thương hiệu thời trang bền vững và thương mại công bằng. Safia được coi là một nhà lãnh đạo trong phong trào Fair Trade và được Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (World Economic Forum) trao tặng giải Doanh Nhân Xã Hội Xuất Sắc (Outstanding Social Entrepreneur).
Bài: Xu