THE ERAS TOUR: TAYLOR SWIFT CÓ ĐANG LÀ NGHỆ SĨ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NHẤT?

July 3, 2024

Ở kỷ nguyên hưng thịnh nhất của nền âm nhạc hiện đại, người ta được chứng kiến sự hoành tráng của những tour diễn lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Lần đầu tiên, giới chức trách các nước và cộng đồng thế giới lại dành nhiều lời có cánh cho một nghệ sĩ với tuổi nghề trên dưới 20 năm, hay thậm chí là “giành giật” nhau để trở thành sân chơi “chủ nhà” cho chuyến lưu diễn nhạc thế kỷ trong toàn khu vực Đông Nam Á. Người ta truyền tai nhau về một nền kinh tế mới của hiện tượng âm nhạc thế kỷ 21 của một nữ nghệ sĩ đại tài sinh năm 1989, người đã “ẵm trọn” 13 giải Grammy kỷ lục – Swiftonomics (nền kinh tế Swift). Đó là sức ảnh hưởng vĩ đại của “con trâu xứ Mỹ” – Taylor Alison Swift với sự nghiệp đồ sộ cùng tour diễn thế giới có sức hút nhất thời đại: The Eras Tour (Những kỷ nguyên của Taylor Swift). 

Thế nhưng, với tần suất biểu diễn dày đặc ở 51 thành phố khác nhau trên khắp thế giới, việc di chuyển bằng máy bay giữa các quốc gia cho các buổi công diễn lại khiến cho nhiều người lo sợ rằng Taylor Swift đang góp phần không nhỏ tác động xấu đến môi trường.

Ảnh: Taylor Swift

The Eras Tour là chuyến lưu diễn hòa nhạc thứ 6 của Taylor Swift, trải dài từ Châu Mĩ, Châu Úc, Châu Âu và nửa vòng trái đất để đến với Châu Á với 44 bài hát thuộc 11 album khác nhau trong suốt sự nghiệp đồ sộ của công chúa nhạc đồng quê. Không chỉ là cơ hội để cho người hâm mộ khắp thế giới được gặp thần tượng của mình ngoài đời thực, chuyến lưu diễn còn như quyển nhật ký đánh dấu lại từng mốc son đáng nhớ trong suốt hành trình làm nghề và cống hiến cho âm nhạc của Taylor Swift, xuyên qua từng thời kỳ âm nhạc khác nhau từ sự non trẻ của Taylor Swift (2006) cho đến một Hội thi nhân đọa đày (The Tortured Poets Department) đầy trưởng thành sau những thăng trầm trong sự nghiệp. 

Dẫu mỗi nơi mà Taylor Swift đặt chân tới trong tour diễn là cơ hội cho ngành du lịch trở thành “kho bạc tạm thời”, đơn cử như ở Singapore, chính phủ nước này đã chi khoảng 450 tỷ đồng cho 3 giờ hát cho Taylor Swift và thu về khoảng 500 tỉ USD doanh thu du lịch, thì những ảnh hưởng về môi trường của nó cũng không thể nào bỏ qua. Để công diễn ở nhiều quốc gia, việc di chuyển bằng đường hàng không dường như là điều bắt buộc. Thế nhưng, những năm gần đây, người ta choáng ngợp với những con số thống kê về mức độ tiêu cực của ngành công nghiệp này đối với môi trường tự nhiên. Theo các nghiên cứu, “con gà đẻ trứng vàng này” thải ra lượng lớn khí CO2 gây ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Uớc tính, ngành hàng không chiếm khoảng 2-3% tổng lượng khí CO2 toàn cầu từ hoạt động con người. Tuy nhiên, có nhiều loại khí được tạo ra hơn chỉ là carbon dioxide (CO2). Chúng bao gồm các oxit nitơ (NOx), oxit lưu huỳnh, hơi nước, chất cản quang và các hạt với nguy cơ gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Một chuyến bay từ Châu Á sang Châu Âu có thể tạo nv ra khoảng 5 tấn carbon, tương đương với lượng carbon dioxide trung bình được sản xuất bởi mỗi con người sản xuất trong vòng một năm

Ảnh: Grammy Awards
Ảnh: Getty

“Anti-hero” dường như đã sinh ra một người “phản anh hùng” đúng như cái tên bài hát, khi Taylor Swift chỉ sử dụng máy bay riêng vì vấn đề an toàn riêng tư nhưng lại là động cơ tiếp tay cho sự lãng phí nhiên liệu và phát thải khí CO2. Theo tính toán của carboncredits.com, trong tháng 2/2024, Taylor Swift đã sử dụng máy bay riêng để đi tới 11 buổi biểu diễn của The Eras Tour. Việc sử dụng máy bay riêng này đã thải ra tổng cộng 393 tấn khí thải carbon, tương đương với lượng khí thải trung bình của 23.000 người Mỹ trong một năm. 

Ảnh: Công dân & Khuyến học

Chỉ với 3 thành phố ở Châu Á và Châu Úc, tour diễn thời đại The Eras Tour đã tạo ra 393 triệu dấu chân carbon. Thế nhưng, những con số này vẫn chưa hẳn là kết thúc, khi Taylor Swift vẫn tiếp tục trình diễn ở các quốc gia khác không ngừng nghỉ cho đến hết năm 2024. Trong chặng lưu diễn Eras năm 2023, máy bay của Swift đã dành 166 giờ bay khắp nước Mỹ trong khoảng 75 hành trình riêng lẻ, mặc dù có thể chúng đã được sử dụng bởi những người khác ngoài ca sĩ. Đây có thể là một tin tức đáng hân hoan cho ngành du lịch bởi cú “hích” kinh tế, nhưng lại dấy lên nỗi sầu não cho tất cả các nhà môi trường học và những cá nhân/tổ chức yêu môi trường. Không chỉ riêng The Eras Tour, giới báo chí Mỹ phát hiện thấy rằng Taylor Swift đã thực hiện một chuyến bay dài 12 tiếng và vượt qua 5.000 dặm từ Tokyo, Nhật Bản đến Las Vegas, Nevada để chứng kiến tiền vệ của đội Kansas City Chiefs, Travis Kelce, giành chiến thắng tại Super Bowl trước đội San Francisco 49ers. Đây là chuyến bay bằng máy bay riêng mới nhất của cô – một thói quen di chuyển đã gây ra nhiều chỉ trích do lượng khí thải carbon dioxide không thể tránh khỏi từ máy bay. Theo báo cáo của Newsweek, nữ ca sĩ nhạc pop được cho là đã tạo ra 138 tấn khí thải CO2 trong ba tháng chỉ để thăm Kelce. Có lẽ, sở thích du ngoạn “cao cấp” của Taylor Swift là giọt nước tràn ly, khiến cho cô bị buộc tội góp phần gây ra biến đổi khí hậu – máy bay phản lực tư nhân được cho là tạo ra lượng ô nhiễm trên mỗi hành khách cao gấp 5 đến 14 lần so với máy bay thương mại. 

Leah Thomas, tác giả của nhà môi trường học giao thoa, người nghiên cứu sự giao thoa giữa chủ nghĩa môi trường và đặc quyền, trả lời với BBC Travel: “Lượng khí thải carbon của Taylor Swift rất cao và đang gây ô nhiễm bầu không khí”. “Lượng khí thải carbon là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra khủng hoảng khí hậu, vì carbon trong khí quyển làm nóng hành tinh, góp phần gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.”

Theo AP, quản lý của Taylor Swift khẳng định đã mua đủ tín chỉ carbon, thậm chí mua gấp đôi, để bù đắp cho lượng khí thải, nhưng số lượng chính xác và phạm vi bù đắp vẫn chưa được công bố rõ ràng. Ngoài hành trình của hai máy bay cá nhân đến các quốc gia nằm trong bản đồ The Eras Your, hàng vạn hành trình của hàng triệu khán giả từ khắp mọi nơi trên thế giới tham dự tour diễn. Việc người hâm mộ phải di chuyển bằng máy bay đến các địa điểm biểu diễn, đặc biệt là từ các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia và Philippines, đã làm gia tăng đáng kể lượng khí thải carbon và các khí khác góp phần gây ô nhiễm nhà kính. Đồng thời, theo dữ liệu có sẵn thông qua sàn giao dịch theo dõi hàng không truy cập mở ADS-B, máy bay phản lực của Taylor Swift đã gây ra lượng khí thải carbon tương đương khoảng 2.830 tấn CO2 trong suốt chuyến lưu diễn của Eras tại Mỹ – gấp 1.700 lần lượng phát thải hàng năm của một người bình thường, khiến cô bị chỉ trích là tội phạm môi trường của năm 2022 đến nay. 

Ảnh: Beyazperde

“Khoản bù đắp carbon” mà Swift đã mua, hay còn được gọi là tín chỉ carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính, cụ thể là khí CO2. Nó đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e) vào bầu khí quyển. Theo chia sẻ phía bên đại diện của Taylor Swift, cô đã mua gấp đôi lượng carbon cần thiết để bù đắp cho chuyến đi của mình cho chuyến lưu diễn thời đại trước khi nó bắt đầu vào tháng 3. Thế nhưng, với một số chuyên gia về khí hậu, họ xem toàn bộ thỏa thuận này là nhảm nhí, và một nghiên cứu được công bố năm ngoái cho thấy trong một số trường hợp, những nỗ lực này thực sự có thể khiến tình trạng nóng lên toàn cầu trở nên tồi tệ hơn. Một cách đơn giản nhất, tín chỉ carbon chỉ là giải pháp tạm thời cho bề nổi trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm để bảo vệ môi trường chứ không phải là giải pháp độc quyền cho tất cả các tình huống. Theo Austin Whitmann – một chuyên gia về biến đổi khí hậu, các cá nhân và tổ chức nên tập trung vào việc giảm lượng khí thải carbon, sau đó xem xét đến việc mua tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng khí thải còn lại.

Không thể phủ nhận tài năng âm nhạc thiên bẩm của Taylor Swift và sự cống hiến cho ngành công nghiệp đã thúc đẩy cho sức ảnh hưởng toàn cầu của cô. The Eras Tour ra đời không chỉ là nguyện vọng của riêng nữ ca sĩ mà còn là bước chuyển mình mạnh mẽ cho nền công nghiệp trình diễn âm nhạc thế giới, đánh dấu cho thời kỳ bùng nổ của âm nhạc hiện đại. Thế nhưng, với sức ảnh hưởng khổng lồ được ví von như một cuộc chấn động lớn của Taylor, người ta vẫn hy vọng nhiều hơn về sự nỗ lực để giảm thiểu dấu chân carbon trong bối cảnh ô nhiễm đang trở nên nặng nề. Bên cạnh những tham vọng về thời kỳ hoàng kim, những nghệ sĩ và người hâm mộ nên xem xét kỹ hơn về hậu quả môi trường của các chuyến lưu diễn quy mô lớn và các giải pháp thay thế bền vững, thân thiện với môi trường hơn.

Suy cho cùng, “Green was the color of the grass” (Xanh lá là màu của thảm cỏ xanh mướt) – [Invisible String], nếu âm nhạc đã lấy chất liệu từ thiên nhiên thì nó cũng nên trả lại cho thiên nhiên một cái giá tương xứng.

Nguồn: Công dân & Khuyến học, Backstage News, NASA, BBC, The Cut

A WAY TO GREEN OFFICIAL là không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.