TOÁN HỌC TRONG VẺ ĐẸP THI VỊ CỦA NGHỆ THUẬT: TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG VÀ DÁNG DẤP CỦA NHỮNG PHÉP TÍNH

August 2, 2024

Phá bỏ mọi định kiến khô khan về toán học, thứ ngỡ chỉ dành cho những tú tài thay vì áp dụng vào đời sống sinh hoạt hằng ngày, giờ đây, “cái lạnh” của toán, của khối hình học vô tri và những con số nhàm chán được rót vào những gam màu nên thơ của nghệ thuật qua sức sáng tạo vượt thời gian của nhà giáo Đào Thị Hồng Quyên. Nỗ lực mang toán học tiệm cận hơn với nghệ thuật, cô Hồng Quyên cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu và hệ thống hóa các quy luật đặc trưng của toán học vào hoa văn, họa tiết thổ cẩm trên trang phục truyền thống của người Mông, người Dao Tiền… Giữa dòng chảy của thời đại, những điều nguyên bản nhất của văn hóa bản địa lại trở nên ngời sáng, phá cách, hiện đại hơn nhờ sức cuốn hút từ những phép tính.

Trang phục truyền thống từ nghìn đời đã được các dân tộc lưu giữ và bảo tồn như một biểu tượng của bản sắc văn hóa. Theo sự phát triển và tiến hóa của nghệ thuật qua từng thời kỳ, nghệ thuật tạo hình hoa văn trên trang phục truyền thống cũng trở nên phong phú hơn, đa dạng các kỹ thuật và cách thức thể hiện, mang đậm chất riêng và không thể lẫn lộn với các loại hình tạo hình nghệ thuật hiện đại. Mô típ hoa văn của từng dân tộc phức tạp hệt như một bài toán khó, tỉ mỉ, tinh tế nhưng cũng đầy tính nghệ thuật, thể hiện trình độ thẩm mỹ cũng như khả năng tư duy của con người. Không phải “nhét” vô số hình thù, với đầy đủ các kiểu dáng lên trang phục, mỗi hoa văn đều có quy tắc của riêng mình, được cách điệu dưới dạng hình học như hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi, hình xoáy ốc, đường thẳng, đường zigzag. Từng đường kim, mũi chỉ, tỷ lệ trang phục, kích thước hoa văn đều được sắp xếp hợp lý, có tính toán, có quy luật được đúc kết từ sự chỉn chu, đồng nhất và chính xác của toán học.

Phép dời hình

Dời hình trong toán học là phương pháp di chuyển một hình hoặc đối tượng từ vị trí này sang vị trí khác mà không làm thay đổi hình dạng của nó. Với nghệ thuật, phép dời hình cho phép những nghệ nhân sắp xếp hoa văn theo quy tắc nhất định, tạo nên sự lặp lại, đối xứng với các khoảng cách đã được tính trước, đồng nhất để tạo nên một bộ trang phục hoàn chỉnh. 

Hoa văn sử dụng phép dời hình trên trang phục người Mông – Bắc Hà – Lào Cai

Phép tịnh tiến

Để thực hiện phép dời hình một cách nghệ thuật hơn, thoát khỏi sự rập khuôn của quy tắc toán học, nghệ nhân sử dụng phép tịnh tiến như một công cụ để sáng tạo nên hoa văn mới dựa trên cái gốc có sẵn, bằng việc di chuyển mọi điểm của hình học, trong đó, hình dạng hoặc không gian theo cùng một khoảng cách theo một hướng nhất định. Để tịnh tiến khối hình học, hay trong nghệ thuật gọi là hoa văn, những nghệ nhân giữ nguyên hình khối và kích thước của chúng và tiếp tục di chuyển chúng với khoảng cách nhất định, đều nhau. Thông thường, hoa văn lặp lại theo phép tịnh tiến thường được sử dụng để tạo ra các đường viền, đường kẻ song song nhằm tạo nên điểm nhấn cho toàn bộ trang phục.

Phép đối xứng

Qua một trục cố định hoặc tâm cố định, các khối hình học được dịch chuyển đối xứng qua trục, tâm để tạo nên hình khối hoàn chỉnh. Đây là phương pháp được áp dụng phổ biến trong nghệ thuật tạo hình trên trang phục, kể từ thời xa xưa. Khi áp dụng phép đối xứng, mỗi điểm trên hình khối sẽ di chuyển đến một vị trí mới sao cho khoảng cách từ điểm cũ đến trục đối xứng hoặc tâm đối xứng bằng khoảng cách từ điểm mới đến trục. Dần dần, diện tích hình khối được mở rộng, hoành tráng hơn, đẹp mắt hơn. Hầu hết, trang phục truyền thống với họa tiết thổ cẩm sử dụng các họa tiết đối xứng qua trục hoặc qua tâm, vừa nhấn mạnh được nét đặc trưng, vẻ uy nghi, làm nổi bật bộ trang phục đơn sơ, vừa đề cao tính nguyên bản của vẻ đẹp trong trang phục dân gian.

Họa tiết trên trang phục của người Cơ Tu

Code từ vải sợi

Quá trình kéo và dệt sợi nhìn từ góc độ khoa học tương đương như việc bạn đang lập trình những dòng lệnh. Trong đó, đôi tay nghệ nhân là máy chủ và những sợi vải đủ màu sắc trở thành những dòng lệnh. Khi máy chủ kích hoạt, những dòng lệnh mang đến một chương trình hoàn hảo, cũng như những tấm vải đơn sơ ban đầu trở nên nhiều màu sắc, nhiều hình khối, nhiều hoa văn đều nhau răm rắp bởi người nghệ nhân tài hoa. Những mã lệnh được lặp đi lặp lại liên hồi chính là lúc mà sức sáng tạo vô biên của người nghệ sĩ được hoạt động hết công suất, chuyển động với nhịp độ nhất định để tạo nên những kiệt tác cuối cùng được ghi danh vào sử sách. 

Họa tiết trên trang phục người Jrai

Nỗ lực để phát huy truyền thống

Theo bước cùng với nhịp điệu hối hả của đời sống hiện đại, những người trẻ trẻ dần cảm thấy xa lạ với các giá trị văn hóa truyền thống, những hứng thú về văn hóa, lịch sử tiêu biến dần, chừa chỗ cho những nét đẹp đương đại phủ rộng cả một thế hệ. Dần dần, hoa văn truyền thống đã không còn xuất hiện trên những bộ trang phục, hoặc thậm chí, chúng bị lấn át bởi những sản phẩm thời trang nhanh giá rẻ trôi nổi trên thị trường. Thêm vào đó, sự thiếu hụt nhân lực, số lượng thợ dệt lành nghề ngày càng giảm sút bởi những quyền lợi kém về mặt tài chính, khiến cho nguy cơ thất truyền các kỹ thuật dệt hoa văn truyền thống ngày càng tăng cao.

Với cô Hồng Quyên, cách tốt nhất để giữ được “phần hồn” của văn hóa truyền thống là phải gắn liền nó với những giá trị thực tế, phải cho người ta thấy được tính ứng dụng, khơi được sự quan tâm, thích thú từ những vật liệu hiện đại đi vào chất liệu cổ điển. Đây dường như là động cơ mà nhiều người dần áp dụng phương pháp STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) vào quá trình thiết kế, khôi phục lại một nền văn hóa tưởng chừng như đã bị lãng quên dưới góc độ logic hơn. Với mục tiêu nâng cao nhận thức về giá trị truyền thống, giáo dục STEM có thể giúp học sinh hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật của hoa văn truyền thống với góc tiếp cận từ Khoa học – Toán học – Kỹ thuật – Công nghệ. Đặc biệt, giáo dục STEM khuyến khích các học sinh sáng tạo, áp dụng kiến thức vào thực tế, để tạo nên những mẫu hoa văn mới mẻ, độc đáo dựa trên nền tảng hoa văn truyền thống, từ đó bảo tồn và phát huy kỹ thuật dệt hoa văn truyền thống. Bằng cách này, toán học có thể xóa bỏ đi cái danh khô khốc và nhàm chán để khơi nên sự lôi cuốn từ những vẻ đẹp tinh tế có thể áp dụng vào đời sống, thậm chí, làm sống dậy những nguồn cảm hứng truyền thống sau giấc ngủ đông.

Nguồn: L’OFFICIEL, Báo Cao Bằng

A WAY TO GREEN OFFICIAL là không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng  hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.