October 23, 2024
Từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, phong trào “đồ si” đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu của giới mộ điệu lúc bấy giờ. Những kẻ sành thời trang, những cô nàng Y2K đình đám của những năm cuối thế kỷ 20 chắc có lẽ sẽ chẳng bao giờ quên đi cái tên “chợ đồ si” đã in sâu vào lối sống thường nhật của cộng đồng thời trang Việt Nam. Thế nhưng, liệu những món đồ cũ mang danh “thời trang tái sử dụng” ấy có thực sự tuân thủ các quy tắc về bền vững, hay thực chất chỉ là “cửa sau” của thời trang nhanh nhằm đối phó với những yêu cầu ngày càng gắt gao của thị trường thời trang bền vững?
ĐỒ SI – “ĐỒ CŨ ĐỜI MỚI” TRONG XU HƯỚNG BỀN VỮNG CỦA THỊ TRƯỜNG THỜI TRANG
Theo thời gian, “đồ si” hay “đồ si-đa” dần sở hữu những cái tên mĩ miều hơn như “quần áo secondhand” hay “thời trang vintage” nhằm phục vụ cho thị hiếu nghệ thuật của người tiêu dùng, kể cả trong may mặc. Thực chất, chúng vẫn là sản phẩm thời trang đã qua sử dụng từ quần áo đến phụ kiện như giày dép, túi xách, hoặc trang sức. Những sản phẩm thời trang không còn được dùng đến sẽ được “chuyển giao” đến người chủ mới thông qua hình thức mua bán. bằng cách này, vòng đời của thời trang sẽ được kéo dài cho đến khi chúng hoàn toàn không thể tái sử dụng. Đây cũng là cách mà người mua có thể tiết kiệm được chi phí mua sắm trong thời đại bùng nổ thời trang do quá nhiều xu hướng, là phương thức mà ngành công nghiệp ô nhiễm bậc nhất hành tinh có thể thiết lập một bước phát triển mới bền vững hơn bao giờ hết.
Phát triển mạnh mẽ ở thế kỷ 21, thời trang nhanh liên tục bành trướng thế mạnh của bản thân trong địa hạt thời trang đầy sức cạnh tranh. Hàng loạt những gã lớn trong làng thời trang nhanh toàn cầu đua nhau ra mắt như H&M, Zara, Forever21, GAP, Topshop cho đến các thương hiệu nhỏ hơn. Trong vòng một năm, mỗi nhà mốt cho ra đời hàng loạt bộ sưu tập mới chỉ để thỏa niềm đam mê bắt kịp xu hướng mà bỏ qua những yêu cầu khác về tính lâu dài. Những sản phẩm thoái trào sẽ nhanh chóng được đưa đến những bãi rác thế kỷ, chôn dưới lòng đất, đốt ở những sa mạc hay được quảng xuống biển như những chiếc lưới đánh cá làm từ chất hóa học và sợi vi nhựa. Thế nhưng, trong những năm trở lại đây, sức nóng của xu hướng “vứt bỏ và mua mới” dần hạ nhiệt khi thế hệ mới dần dành nhiều sự quan tâm hơn cho tự nhiên. Năm 2020, lần đầu tiên người ta chứng kiến ngành thời trang nhanh sụt giảm doanh thu trên 10%. Ngược lại, thị phần thời trang “bán cũ mua mới” có xu hướng tăng trưởng mạnh, dự đoán trong 5 năm nữa sẽ mở rộng thị trường gấp 2 lần. Theo The Guardian, doanh số bán quần áo cũ đang trên đà chiếm 1/10 thị trường thời trang toàn cầu vào năm tới, do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và những lo ngại về tính bền vững thúc đẩy người tiêu dùng hướng tới những sản phẩm cũ. Cùng với đó, dựa trên báo cáo của Globaldata về chuyên gia bán lại Thredup, doanh số bán quần áo đã qua sử dụng trên toàn cầu đã tăng 18% vào năm ngoái lên 197 tỷ USD và được dự báo sẽ đạt 350 tỷ USD vào năm 2028. Cột mốc này dự kiến sẽ đạt được muộn hơn một năm so với dự đoán, tăng trưởng toàn cầu vẫn thấp hơn một chút so với ước tính trước đó. Tuy nhiên, thị trường đồ cũ ở Mỹ tăng trưởng nhanh hơn bảy lần so với thị trường bán lẻ thời trang nói chung, nơi doanh số bán hàng vào năm 2023 không thay đổi so với một năm trước đó.
Hơn cả việc mua sắm, đồ si hay đồ secondhand, ý nghĩa của việc bán những món đồ cũ là bán có thể một lần nữa tái sử dụng chúng đúng mục đích để giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với môi trường. Bằng cách này, ngành công nghiệp thời trang hoàn toàn có thể tạo ra một cộng đồng mua sắm có ý thức và trách nhiệm đối với môi trường. Những năm trở lại đây, mô hình “garage sale” phát triển mạnh mẽ tại chính thị trường thời trang Việt Nam với nhiều thông điệp ý nghĩa nhằm thay đổi nhận thức của con người trong việc mua sắm và tiêu thụ quần áo, trở thành giải pháp hữu hiệu được đánh giá cao bởi những người trẻ nhờ vào tính ứng dụng cao và những thông điệp nhân văn đằng sau. Hoặc đơn giản, họ chỉ mua đồ secondhand bới chúng rẻ, thậm chí là những thiết kế độc bản khiến người mặc trở nên đặc biệt hơn, hoặc là cách để họ tiết kiệm tiền cho những trang phục đến từ các thương hiệu xa xỉ mà vẫn không giảm đi tần suất mua đồ. Bằng cách nào đi chăng nữa, việc họ đến các garage sale hay các cửa hàng thời trang secondhand đều là một lần họ tiết kiệm một món đồ, một lần tái sinh những trang phục cũ. Nhưng ở quy mô lớn hơn, như những khu chợ đồ si thì sẽ như thế nào? Liệu nó vẫn còn giữ nguyên được những giá trị bền vững như lúc ban đầu? Hay chỉ là một cách thức tạm bợ để qua mắt người mua, một hình thức để sản xuất thời trang nhanh với danh nghĩa bền vững hơn?
BÀN VỀ TÍNH BỀN VỮNG CỦA THỜI TRANG SECONDHAND
Vào khoảng đầu thế kỷ 20, quần áo secondhand vẫn bị xếp vào “hàng dự bị” dành cho tầng lớp thấp lao động trong xã hội. Chúng được buôn bán thông qua các thương gia lưu động là người Do Thái và người Ý, những người chuyên mua đồng nát và vải vụn. Chỉ khi quần áo may sẵn trở nên phổ biến hơn ở trời Tây, quần áo cũ không đủ nơi tiêu thụ bắt đầu được vận chuyển sang các nước thuộc địa châu Phi như một cách xử lý hàng thừa, mở ra kỷ nguyên của quần áo secondhand trên toàn cầu.
Thế nhưng, khi quần áo secondhand thực sự trở thành một phong trào, vậy thì đâu sẽ là nơi để chứa hàng nghìn tấn quần áo khi mức sản xuất của nó vượt quá số lượng mua? Câu trả lời là ở những nước đang phát triển, các quốc gia nghèo và kém phát triển nhất, một hình thức waste trafficking (hoạt động vận chuyển, buôn bán và xử lý rác thải bất hợp pháp) điển hình. Bằng cách này, những quốc gia giàu có hoàn toàn có thể tống khứ đi quần áo thừa mất nhiều chi phí để xử lý, còn các quốc gia kém phát triển hơn được nhận một số tiền để nhận lại rác, để chúng chất cao như núi và chẳng thể xử lý kịp so với tốc độ sản xuất chóng mặt của ngành công nghiệp thời trang. Sự thật phũ phàng rằng, số lượng lớn quần áo secondhand nhập khẩu thường vượt quá khả năng tiêu thụ tại địa phương. Nhiều mặt hàng không thể sử dụng tiếp sẽ trở thành rác thải, làm gia tăng gánh nặng cho hệ thống quản lý rác thải vốn đã quá tải.
Năm 2016, vùng Châu Phi hạ Sahara (SSA) nhập khẩu toàn bộ khoảng 20% quần áo đã qua sử dụng, nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Trong khi đó, chỉ cần 3 nước phát triển Mỹ, Anh và Đức là đã cung cấp đến 40% khối lượng đồ cũ. Sự bùng nổ của thị trường thời trang “mua cũ” bùng nổ mất kiểm soát cũng chính là lúc mà môi trường phát ra vô số những tín hiệu cảnh báo. Thay vì được sử dụng đúng với mục đích ban đầu: bảo vệ môi trường và kéo dài vòng đời của thời trang, đồ si trong thời kỳ tiêu thụ quá mức chủ yếu là sản phẩm thời trang nhanh đã thoái trào, được làm từ polyester, acrylic hay nylon gây hại cho hệ sinh thái của động thực vật.
LÀ KHO BÁU HAY “NGHĨA ĐỊA” ĐỒ SI?
“Giá thành rẻ”, “mẫu mã đẹp mắt”, “thiết kế độc bản”… Đó là những gì mà người ta miêu tả về đồ secondhand. Đối với giới mộ điệu, những cửa hàng vintage hay những khu chợ đồ si sầm uất chính là kho báu đồ sộ, nơi họ hoàn toàn có thể sở hữu thật nhiều quần áo theo sở thích mà không lo về giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, liệu nó có thực sự là kho báu mà giới thời trang vẫn hay ca tụng?
Chile, hay cụ thể hơn là sa mạc Atacama, nơi được gọi là nghĩa địa của thời trang nhanh, hằng năm nhận về 59.000 tấn quần áo với 39.000 tấn trong số đó là quần áo cũ và “ế” từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Số khác trải dài ngút tầm mắt ở ngoại ô Alto Hospicio, một thành phố chật chội với 130.000 cư dân của Chile. Thậm chí, nhiều người cho rằng phần lớn quần áo bị thải bỏ ở Atacama vẫn còn sử dụng được, hệt như những phiên chợ đồ si lớn rải rác khắp vùng sa mạc cháy da cháy thịt này. Chương trình Runway Fashion Design cho phép 44 nhà thiết kế và các nghệ nhân đến với “nghĩa địa” này, tìm kiếm những món đồ cũ đã bị bỏ quên để thổi vào đó một sức sống mới với những thông điệp tích cực hơn về bộ sưu tập thời trang bền vững. Một chiến dịch nhân văn, nhưng cũng đủ sức nặng để vạch trần tội ác của thói quen tiêu dùng quá mức của loài người. Những núi quần áo khổng lồ ở Chile sẽ chẳng bao giờ chấm dứt, và khối lượng rác thải quần áo ở nơi được mệnh danh là quốc gia nhập khẩu hàng si nhiều nhất ở Mỹ Latin sẽ chẳng bao giờ giảm đi.
Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi khắc, cảng Iquique đón hàng trăm container quần áo cũ và rồi đổ về các khu thương mại tự do. Tương tự như Chile, Ghana cũng được xếp vào hàng ngũ những bãi rác thời trang lớn nhất thế kỷ với vô số ngọn núi quần áo đã “quá lứa lỡ thì”. Không chỉ bám dính trên sa mạc, quần áo cũ và sợi vải còn bị dạt ra bãi biển Jamestown. Tầng tầng lớp lớp quần áo ứ đọng trên bãi biển như những con hà cứng đầu gây hại đến đời sống của vô số sinh vật, kể cả loài rùa biển cũng bị rác thải quần áo trôi dạt trên biển cản trở quá trình đẻ trứng. Thế nhưng, đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Sẽ chẳng ai đếm được số quần jeans, áo khoác, giày và vô số phụ kiện thời trang khác đang ngủ sâu dưới đáy đại dương.
Vượt xa khỏi thông điệp mà thời trang secondhand đã từng tôn vinh, giờ đây chỉ là sự chiều chuộng quá mức cho thói tiêu dùng vô tội vạ. Hằng năm, có trăm nghìn cửa hàng thời trang đồ si ra đời trên toàn cầu, nhập hàng tấn quần áo cũ để bán. Và những con cừu ngây thơ – những người đam mê thời trang liên tục mua và bán lại chúng để thỏa mãn “cơn thèm mua sắm” của mình. Trái ngược với thời trang bền vững hướng đến sự lâu bền của thời trang, đồ si thực chất chỉ đang kích thích sức mua của người tiêu dùng đổ tiền vào những món đồ giá rẻ, khuyến khích thói quen mua sắm không bền vững đặc trưng của thời trang nhanh.
Lượng lớn đồ secondhand dần trở thành mối đe dọa lớn của các thương hiệu nội địa. Có lẽ, thị trường thời trang đang phải đối mặt với sự canh tranh gay gắt nhất từ trước đến giờ khi vừa phải làm hài lòng khách hàng với xu hướng thời trang mới cùng giá tiền phù hợp, vừa phải “đánh bại” được các mặt hàng đồ si giá cực rẻ. Trước lời mời hấp dẫn chào của thị trường secondhand, nhu cầu mua quần áo mới từ các thương hiệu giảm sút, thui chột nỗ lực tạo nên các sản phẩm thời trang chất lượng về hình thức và vật liệu. Trở thành hiệu ứng “domino”, điều này khiến cho các thương hiệu nội địa chuyển hướng sang sản xuất các mặt hàng thời trang “mì ăn liền” giá rẻ thay vì tập trung nghiên cứu định hướng phát triển bền vững để khẳng định tên tuổi của thị trường thời trang trong nước. Theo công bố của Hiệp hội thời trang Anh, lượng quần áo đã sản xuất hiện nay trên thế giới đủ cho sáu thế hệ nữa mặc.
Thời trang nhanh vẫn sẽ mãi là thời trang nhanh nếu con người không có bất kỳ động thái nào nhằm thay đổi động lực mua sắm và tiêu dùng đã trở thành lối sống trong suốt nhiều thập kỷ. Một ngành công nghiệp thời trang bền vững đúng nghĩa không chỉ phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu tự nhiên, ít gây hại cho môi trường hay sự bình đẳng đối với người lao động mà còn là thói quen “mua chậm, mua ít”. Cốt lõi của ô nhiễm do rác thải thời trang bởi vòng tuần hoàn liên tục của thời trang nhanh và hành vi mua sắm nhanh của người tiêu dùng. “Nếu bạn muốn có một ngành công nghiệp thời trang bền vững đúng nghĩa, bạn phải khiến mọi người mua ít quần áo hơn, đó là tất cả những gì cần làm. Thế nhưng chúng ta đang không có văn hóa hoặc hệ thống cho nó. Các doanh nghiệp được vinh danh khi họ bán được nhiều hơn, kiếm được nhiều tiền hơn và họ sẽ không ngừng làm điều đó.” – Andy Mulcahy, giám đốc chiến lược tại hiệp hội bán lẻ trực tuyến IMRG của Vương quốc Anh chia sẻ.
Có lẽ, những gì chúng ta cần làm là giảm thiểu hoặc chấm dứt hiện tượng “em không có gì để mặc cả” và tiếp tục mua quần áo mới chỉ để thỏa sở thích “không mặc một bộ đồ hai lần”. Và có lẽ, con người cần thoát ly ra khỏi lối sống ảo trên các phương tiện truyền thông với xu hướng OOTD (Outfit of the day) để trở về với lối sống không còn thần thánh hóa trang phục thời thượng hay chạy theo thói tiêu dùng vô kiểm soát.
–
A WAY TO GREEN OFFICIAL là không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam