KỶ NGUYÊN MỚI CỦA THỜI TRANG KỸ THUẬT SỐ: PHÁ VỠ ĐỊNH KIẾN VỀ THỜI TRANG NHANH

October 28, 2024

Năm 2024 chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của metaverse (vũ trụ ảo) trong mọi khía cạnh của đời sống, hệt như những thước phim giả tưởng Star War xé toạc màn ảnh để bước ra ngoài đời thực. Được đánh giá là “miếng bánh đầu tư” đáng tiền của thế hệ mới, phạm trù thời trang kỹ thuật số hay thời trang ảo (thời trang metaverse) hứa hẹn mang đến một cuộc cách mạng mới cho ngành công nghiệp thời trang, phá vỡ mọi giới hạn và rào cản trước đó của thời trang nhanh đặt ra. Có thể nói, cơn sốt kỹ thuật số hoàn toàn đáng để giới mộ điệu đặt niềm tin, rằng bản thân nó sẽ đặt tên cho một kỷ nguyên mới, nơi mà tiềm năng công nghệ vượt trội trở thành một phần của thế giới.

Từ thực đến ảo: Hành trình của thời trang kỹ thuật số

Xuất hiện khoảng 100.000 đến 500.000 năm trước, từ những mảnh da thú, lá cây đến khi thành hình những mảnh vải được kéo sợi từ bông, từ tằm, quần áo đã trải qua hàng thiên niên kỷ với xã hội loài người. Chứng kiến và đồng hành cùng với sự biến chuyển của thời cuộc, thời trang đã trở thành yếu tố không thể thiếu, đóng vai trò quan trọng về khía cạnh lịch sử, văn hóa và địa lý của nền văn minh nhân loại. Các hình thức phục trang vật lý (mặc được trên cơ thể người) qua nhiều năm tháng dần thoát ly khỏi nhu cầu cơ bản thông thường để trở thành một “đơn vị” để thể hiện cá tính, địa vị của bản thân.

Đi từ nhu cầu che chắn thân thể, giữ ấm hay phân chia tầng lớp giai cấp, theo thời gian, thời trang vượt qua khỏi những ranh giới và định kiến của xã hội cũ để biến chuyển thành một ngành công nghiệp hùng mạnh thuộc phạm trù sáng tạo và sản xuất. Con người lần lượt tạo ra các cuộc cách mạng thời trang thế kỷ, với vô số những chủ nghĩa thời trang khác nhau gắn liền với thời cuộc. Mua và bán, sản xuất và tiêu dùng liên tục lặp lại như một vòng tuần hoàn khép kín, yêu cầu thời trang phải đổi mới nhiều hơn, sản xuất nhiều hơn. Thiết kế thời trang liên tục hoạt động trong gần 200 năm kể từ khi mà nó được đặt nền móng bởi Charles Frederick Worth vào năm 1858. Thế nhưng, tất cả đều chỉ là thời trang mang tính vật lý cho đến khi thế giới bước vào thời đại mà vũ trụ ảo bắt đầu đặt nền móng đầu tiên. 

Ở thế hệ kỹ thuật số, thế hệ của những người trẻ “cổ gù” sống qua màn hình và thấu kính công nghệ, thời trang không chỉ gói gọn trong định nghĩa may mặc thông thường, nó vượt qua mọi giới hạn thông thường, tiếp cận với thị trường phi thực tế hơn, biến những bức tranh giả tưởng thành hiện thực. Đó là cách mà Digital Fashion (thời trang kỹ thuật số) ra đời, mở đường cho siêu vũ trụ được thâm nhập vào lĩnh vực thời trang vốn đã luôn đổi mới và sáng tạo.

Những định nghĩa giản đơn 

Bắt đầu len lỏi vào thị trường thời trang vào năm 1992 của thế kỷ XX, nhưng mãi cho đến nửa cuối năm 2021 của thế kỷ XXI, định nghĩa về thời trang kỹ thuật số và những sản phẩm của nó mới phủ sóng được ở cộng đồng vốn nhiều điều lệ và quy tắc này. Những người khởi xướng trong cuộc đua đổi mới này có lẽ là những ông trùm của làng thời trang xa xỉ bậc nhất hành tinh, từ Tommy Hilfiger, Balenciaga, Dolce & Gabbana cho đến Nike hay Puma.

Một cách khái quát nhất, thời trang kỹ thuật số chỉ đơn giản là là những sản phẩm quần áo, phụ kiện, hoặc giày dép được tạo ra hoàn toàn trong môi trường kỹ thuật số mà không tồn tại dưới dạng vật lý. Các trang phục này được thiết kế bằng phần mềm 3D và có thể được sử dụng trên các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội, hoặc trong các hình thức thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Thế nhưng, chính vì không tồn tại dưới hình thái vật lý, vũ trụ thời trang ảo trao quyền cho các nhà thiết kế được quyết định biên giới mới của thời trang, một thế giới bất quy tắc, phá cách nhưng độc quyền, độc bản và sáng tạo. Thay vì phải mất hàng giờ để chọn được một bộ cánh lộng lẫy cho buổi hẹn hò tối, hay phải mất cả buổi sáng để lùng sục từng cửa hàng thời trang để tìm ra được trang phục yêu thích, ở thế giới của thời trang kỹ thuật số, những gì bạn cần làm là một cú nháy chuột cho bất kỳ trang phục nào bạn muốn, kể cả khi chúng chưa từng xuất hiện trên thị trường. 

Theo báo cáo của Market.us, Metaverse toàn cầu về quy mô thị trường thương mại điện tử dự kiến ​​sẽ trị giá khoảng 255 tỷ USD vào năm 2033, từ mức 9,5 tỷ USD vào năm 2023, tăng trưởng bình quân 39% trong giai đoạn dự báo từ năm 2024 đến năm 2033. Kể cả khi năm 2024 đang phải đối mặt với sự hạ nhiệt của cuộc cách mạng metaverse, các thương hiệu vẫn nhìn nhận được rõ tiềm năng phát triển của thế giới ảo, các trải nghiệm mua sắm ảo hay thị trường mua sắm trực tuyến ảo trong quy trình vận hành của họ. Dựa vào nghiên cứu và báo cáo khảo sát, Precedence Research chỉ ra rằng khu vực Bắc Mỹ chiếm 40% thị phần metaverse trong thị trường thương mại điện tử nhờ cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến, khả năng tiếp cận Internet rộng rãi và dân số am hiểu công nghệ. Ngoài ra, hệ sinh thái thương mại điện tử mạnh mẽ, cùng với mức chi tiêu của người tiêu dùng cao, thúc đẩy sự phát triển của trải nghiệm mua sắm ảo.

Việc các doanh nghiệp và người tiêu dùng Bắc Mỹ sớm áp dụng các xu hướng metaverse đã đưa khu vực này lên vị trí dẫn đầu, góp phần chiếm thị phần đáng kể của khu vực này trong thị trường thương mại điện tử metaverse đang phát triển. Riêng metaverse trong thị trường thương mại điện tử châu Á-Thái Bình Dương được thiết lập để tăng trưởng nhanh chóng nhờ việc áp dụng kỹ thuật số ngày càng tăng, khả năng kết nối Internet ngày càng tăng và dân số am hiểu công nghệ. Cơ sở tiêu dùng trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ của khu vực đang thúc đẩy nhu cầu về trải nghiệm mua sắm phong phú và tương tác. Đồng thời, các sáng kiến ​​và đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ của nhiều quốc gia châu Á khác nhau cũng góp phần vào sự mở rộng của vũ trụ ảo. Với sự kết hợp giữa hệ sinh thái kỹ thuật số đang phát triển, nhân khẩu học thuận lợi và các chính sách hướng tới tương lai, khu vực châu Á – Thái Bình Dương là mảnh đất màu mỡ để metaverse phát triển và định hình lại tương lai của thương mại điện tử.

Trong khi đó, châu Âu đang trải qua sự tăng trưởng đáng kể trong lĩnh vực thương mại điện tử do việc áp dụng công nghệ ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng Internet được cải thiện và xu hướng tham gia trực tuyến ngày càng tăng. Người tiêu dùng trong khu vực dần chào đón những trải nghiệm trực tuyến phong phú, tạo ra nhu cầu mua sắm dựa trên metaverse. Cùng lúc đó, các doanh nghiệp đang tận dụng động lực này bằng cách thiết lập mặt tiền cửa hàng ảo, cung cấp môi trường mua sắm tương tác và độc đáo. Ngoài ra, sự tích hợp của metaverse với thương mại trên mạng xã hội phù hợp với sở thích của người tiêu dùng châu Âu về trải nghiệm mua sắm được cá nhân hóa và hướng đến xã hội, góp phần mở rộng đáng kể metaverse trên thị trường thương mại điện tử châu Âu.

Metaverse trong thương mại điện tử đề cập đến một không gian ảo, được kết nối với nhau, nơi người dùng có thể tham gia vào những trải nghiệm trực tuyến phong phú, kết hợp các khía cạnh tương tác xã hội, trò chơi và thương mại. Trong lĩnh vực kỹ thuật số này, người dùng có thể khám phá các cửa hàng ảo, tương tác với sản phẩm và mua hàng thông qua giao diện tương tác. Hãy thử tưởng tượng về một môi trường mua sắm trực tuyến 3D, nơi khách hàng tạo hình đại diện được cá nhân hóa, giao lưu với những người khác cũng như duyệt và mua sản phẩm một cách liền mạch. Các doanh nghiệp thương mại điện tử đang ngày càng khám phá siêu dữ liệu để tăng cường sự tương tác của khách hàng, tái tạo trải nghiệm mua sắm trong thế giới thực và cung cấp nền tảng tương tác và năng động hơn cho các giao dịch trực tuyến. Sự đa dạng mà metaverse mang đến thương mại điện tử có tiềm năng cách mạng hóa cách mọi người mua sắm, mang đến một chiều hướng mới cho bối cảnh bán lẻ trực tuyến.

Vũ trụ ảo mở ra tương lai xanh cho ngành thời trang

Không chỉ đẹp về hình thức, kiểu dáng hay màu sắc, điều mà đôi khi các sản phẩm thời trang vật lý không thể đáp ứng được, thời trang kỹ thuật số hoàn toàn có thể kiến tạo nên một tương lai bền vững cho ngành công nghiệp vốn bị đánh giá là ô nhiễm nhất. Các công nghệ in 3D cho phép nhà thiết kế tạo ra các mẫu ảo mà không cần phải sản xuất mẫu vật lý, giúp giảm lãng phí vải và nguyên liệu, đồng thời hạn chế việc sản xuất thừa và tác động tiêu cực đến môi trường.

Ở thập niên 20 của thế kỷ 21, vũ trụ thực tế ảo lại càng trở nên rõ ràng hơn, bằng chứng là sự chuyển đổi từ tư duy vật lý sang tư duy kỹ thuật số ngày càng diễn biến nhanh chóng. Những khái niệm về thuyết trừu tượng của vũ trụ ảo dần thực tế hơn, thúc đẩy cho sự xuất hiện của hàng loạt định nghĩa AR, VR, MR, XR… trong phạm trù của thời trang, thoát ly khỏi những khái niệm phi thực tế của nghệ thuật biểu diễn để tiệm cận đến thị trường thời trang thương mại. Đặc biệt với thời trang trình diễn, một điển hình của “nghệ thuật vị nghệ thuật” thường bị gắn với danh mác phung phí hoặc “hàng trưng bày suốt đời”. Khác với thời trang tiêu dùng được thiết kế và sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu mua và mặc của đại chúng, thời trang trình diễn ít tính ứng dụng bởi những đường cắt xẻ táo bạo và lối thiết kế 1-0-2, thường không được ưa chuộng trong phong cách đời thường. Thay vào đó, các tác phẩm của thời trang runway sẽ chỉ được trưng bày trong các bảo tàng nếu nó mang tính thời đại hoặc chỉ còn được lưu trữ trong các kho của những thương hiệu hoặc nhà thiết kế, bởi sẽ chẳng có nhà chế tác nào cho phép tác phẩm của mình xuất hiện hai lần trên sàn diễn. Ngược lại, điều làm nên tính thuyết phục cho thời trang kỹ thuật số là quy trình sản xuất số hóa, giúp rút ngắn thời gian sản xuất hay thậm chí “triệt tiêu” đi những công đoạn xử lý độc hại gây tác động đến môi trường.

Trung bình, một món quần áo được mặc khoảng 7 – 10 lần trước khi vứt bỏ hoặc thay thế. Con số này có thể thay đổi tùy thuộc vào thói quen mua sắm, ý thức về môi trường và điều kiện kinh tế của người tiêu dùng. Trong khi đó, một chiếc quần jeans cần đến 7570 lít nước để sản xuất, một chiếc áo thun nam thải ra 6,5kg CO2 vào bầu khí quyển, khi mà file quần áo kỹ thuật số, chỉ  thải ra khoảng 0,312kg CO2. Với sự giúp sức của công nghệ và tốc độ truyền tải thông tin nhanh chóng của các phương tiện truyền thông đại chúng, kỷ nguyên của thời trang kỹ thuật số sẽ mở rộng đường biên giới để chạm đến từng ngóc ngách của ngành công nghiệp thời trang toàn cầu, khởi nguồn cho một cuộc cách mạng tiêu dùng trong văn hóa tiêu dùng thời trang. Sẽ không còn những cảnh xếp hàng dài dằng dặc cho những món đồ thời trang độc quyền, chen chúc và xâu xé nhau cho một món vật phẩm được gắn mác “limited”. Thay vào đó, những con bọ công nghệ sẽ mang những file thiết kế vào tâm thức người mua một cách dễ dàng hơn qua thấu kính công nghệ. 

Thời trang kỹ thuật số cho phép bộ sưu tập của các nhà thiết kế vượt qua bất kỳ giới hạn nào về số lượng, chất liệu hay tính khả thi. Chỉ có một yếu tố duy nhất cản trở các thiết kế 3D của bạn ở vũ trụ ảo: sức sáng tạo và trí tưởng tượng. Những yếu tố siêu thực của phạm trù thẩm mỹ được tái thiết lập trong các thiết kế trên màn hình, là lời giải đáp cho tất cả những trăn trở chưa thành lời, thành tiếng của các nhà thiết kế.

Biên giới mới của thời trang: Thời trang metaverse

Năm 2021, chúng ta, những người chơi điêu luyện (gameplayer) chào đón lễ hội mùa đông đầy thú vị của thương hiệu cao cấp mỹ Ralph Lauren kết hợp cùng tựa game Roblox, mang đến trải nghiệm theo chủ đề kỳ nghỉ đầu tiên cho phép người hâm mộ thời trang khám phá thế giới của Ralph Lauren thông qua metaverse. Một bộ sưu tập quần áo kỹ thuật số trung tính về giới tính độc quyền bao gồm các mặt hàng phiên bản giới hạn sẽ ra mắt trong trải nghiệm. Không ngoại lệ, thương hiệu Tommy Hilfiger đã hợp tác với tám nhà thiết kế nội dung do người dùng tạo từ cộng đồng Roblox để tạo và quảng bá bộ sưu tập người sáng tạo tommy x roblox. Nó bao gồm 30 mặt hàng thời trang kỹ thuật số mà mọi người có thể sử dụng để mặc trang phục cho hình đại diện của mình trong Roblox, một nền tảng trực tuyến phổ biến toàn cầu để chia sẻ trải nghiệm.Theo báo cáo hằng năm của BOF, chi tiêu toàn cầu cho tài sản ảo dự kiến sẽ tăng với tốc độ tương đương ở thị trường game – khoảng 135 tỷ USD và thậm chí sẽ cao hơn vào năm nay.

Trước xu hướng “metaverse hóa” trong địa hạt thời trang, những cái tên tiêu biểu của làng mốt Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi tất tay này. Môi Điên, một cái tên tiêu biểu cho thời trang Việt phong cách, sáng tạo và bền vững ra mắt BST “Back To The Future” với E.M – một người mẫu AI. Hay màn kết hợp được đánh giá là phi thực tế và siêu thực của Nirvana và Antiantiart với dự án  “The Verse Project”. Nhận thấy từ khóa “metaverse” là một quân hậu trên bàn cờ chiến lược của thế giới thời trang hiện đại. Sự ra đời của “virtual runway” (sàn diễn ảo) nội địa đầu tiên –  Hi! Virtual Runway – với màn trình diễn ấn tượng, mang đậm hơi thở của phong cách futuristic đã mở ra chương mới cho thị trường thời trang nội địa, mang đến một màu sắc mới hơn, độc đáo hơn, đáng để kỳ vọng hơn. 

Trong bối cảnh mà quần áo giá rẻ được sản xuất hàng loạt như một chiêu trò nhằm kích thích sức mua của người tiêu dùng. Thời trang nhanh giá chỉ 1-2 đô cho một món hàng buộc các nhà sản xuất phải thực hiện chính sách cắt giảm chi phí nhằm thu lợi nhuận cao hơn, đồng lương trả cho người lao động thấp hơn. Ở điều kiện lao động hạn chế, bất công, tù túng, nghèo nàn, ta lại thấy viễn cảnh của một xã hội loài người trước công nguyên, dáng vẻ của những địa chủ kếch xù và những kẻ nô bộc đói khổ, lam lũ. Số quần áo vật lý không kịp tiêu thủ sẽ được chất đống trên những chuyến xe xuyên quốc gia đến với các nước đang phát triển hay sa mạc Atacama (Chile) hoặc Ghana, bị chôn vùi mãi mãi cùng với hiểm họa từ ô nhiễm. Vì vậy, chẳng có gì sai khi thời trang kỹ thuật số, ít sử dụng nguyên liệu và đưa thời trang thành sản phẩm ảo lại trở thành một biện pháp đầy tiềm năng cho định hướng phát triển bền vững của các doanh nghiệp.

A WAY TO GREEN OFFICIAL là không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng  hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam