December 17, 2024
“Đừng nói người trẻ ngày nay không yêu dân tộc, không yêu truyền thống. Họ yêu nhiều lắm!”, đó là lời chia sẻ của NSND Tự Long ngay tại concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai về cách mà giới trẻ tiếp cận với văn hóa nước nhà. Hòa nhập với xã hội hiện đại hóa, người trẻ Việt lại càng dành nhiều tình yêu hơn cho các giá trị truyền thống dưới góc nhìn trẻ trung, hiện đại, làm sống dậy và nuôi dưỡng những tinh hoa đã được thế hệ cha ông vun đắp qua nhiều thế kỷ.
Quan niệm về người trẻ hiện đại là thế hệ “sính ngoại,” “lai căng” hay làm phai nhạt bản sắc văn hóa truyền thống đã trở thành định kiến vô hình trong kỷ nguyên mới. Khi làn sóng “sùng ngoại” và cuộc “xâm lăng văn hóa” thầm lặng len lỏi vào từng ngõ ngách của xã hội hòa bình, chúng ta, những cư dân toàn cầu chứng kiến sự giao thoa đầy phức tạp giữa giá trị cũ và mới, giữa cái đẹp trong nghệ thuật của từng thời đại khác nhau. Những luồng gió từ phương xa mang theo hương vị của sự đổi thay, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn: làm sao để hòa nhập mà không hòa tan, để những giá trị truyền thống vẫn rực rỡ trong ánh sáng của thời đại mới? Thế nhưng, tất cả những người trẻ, đặc biệt là thế hệ mạng xã hội (Gen Z và Millennials) vẫn đang nỗ lực để chứng minh một hình ảnh hoàn toàn khác, rằng tình yêu quê hương, yêu đất nước, yêu truyền thống vẫn đang sục sôi trong họ, được thổi hồn qua lăng kính hiện đại, sáng tạo và đầy bản sắc.
Năm 2024 có lẽ là dấu mốc quan trọng trong việc chuyển mình của các giá trị xưa cũ, nơi các hoạt động văn hóa không chỉ gắn liền với thế hệ ông bà, cha mẹ – những người từng sống và hiểu thấu lịch sử, mà còn mở ra một chương mới, nơi thế hệ trẻ được dẫn lối và hòa mình vào dòng chảy của di sản dân tộc theo cách riêng biệt, mới mẻ và đầy cảm hứng. Mọi cá nhân, mọi câu chuyện, mọi công việc thuộc các lĩnh vực khác nhau đều có thể trở thành một mắt xích dù rất nhỏ, nhưng đều gắn kết và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của Việt Nam trong dòng chảy lịch sử.
Có lẽ, văn hóa và truyền thống cần có cách tiếp cận đổi mới hơn để có thể tiếp tục hành trình giữ lửa của mình mà không đánh mất đi những giá trị cốt lõi đã trở thành một phần hồn của dân tộc. Sự giao thoa, kết nối giữa những nét đẹp truyền thống với hơi thở hiện đại không hoàn toàn lai tạp mà là sự đồng điệu về văn hóa giữa các thời kỳ, phát triển nó theo cách rất riêng, rất đặc biệt, mà cũng rất cụ thể.
Thời trang và nguồn cảm hứng lịch sử
Kể cả khi thói quen tiêu dùng có bị chi phối bởi ngành công nghiệp thời trang nhanh và các xu hướng nhất thời của phong cách hiện đại, trang phục cổ truyền vẫn giữ nguyên được vị trí của mình trong địa hạt thời trang đầy tính cạnh tranh. Không chỉ dừng lại ở dịp Tết, áo dài hay Việt phục cổ đang ngày càng được giới trẻ ưa chuộng hơn, trở thành lựa chọn trong nhiều không gian công cộng. Khác với trước kia, khi công chúng chỉ có cơ hội nhìn ngắm các thiết kế cổ truyền qua những thước phim tài liệu, phim phóng sự cũ hay qua lớp kính trưng bày của các bảo tàng thì giờ đây, chúng đã có cách tiếp cận hiệu quả hơn qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Từ mạng xã hội, các MV của nghệ sĩ nổi tiếng, đến những tác phẩm điện ảnh ấn tượng trên màn bạc, trang phục truyền thống đang bước gần hơn với đời sống thường nhật.
Tại show diễn National Costume thuộc khuôn khổ cuộc thi Miss Grand Vietnam 2024 vừa qua, ta được chiêm ngưỡng sự bùng nổ của trang phục truyền thống được đính kết kỳ công với từng tầng lớp nghĩa lấy cảm hứng từ nét đẹp Việt Nam. Ở đó, ta thấy được sự hòa trộn giữa yếu tố siêu thực và cổ điển, giữa cái cũ và cái mới, giữa phần hồn Việt Nam với tinh hoa nhân loại.
Bởi truyền thống là chất liệu cho âm nhạc sống mãi
Khi làn sóng Hallyu và đế chế âm nhạc US-UK khuấy đảo thị trường thế giới và cả Việt Nam trong suốt nhiều thập kỷ, các sản phẩm âm nhạc mang đậm dấu ấn văn hóa quốc tế đã dần trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho người trẻ, thúc đẩy cho các thể loại nhạc pop, punk, EDM ra đời để phục vụ cho nhu cầu thưởng thức của đại chúng. Ngược dòng lịch sử, năm nay, chúng ta được chứng kiến sự “hồi sinh” rực rỡ của dòng nhạc cổ truyền trong các chương trình truyền hình thực tế, những chương trình phục vụ chủ yếu cho đối tượng trẻ với gu âm nhạc “trẻ”. Xuyên suốt chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, khán giả được dẫn dắt theo những trang sử của âm nhạc truyền thống Việt Nam được biến tấu “hợp trend” hơn. Nỗ lực để kết nối di sản âm nhạc với thị hiếu mới của thị trường, chương trình tạo nên một cây cầu nối liền nhiều thế hệ, giữa quá khứ và hiện đại. Mỗi công diễn đều là một cuộc “bản địa hóa”, mà ở đó, người thưởng thức âm nhạc được kết nối chặt chẽ với quá khứ, văn hóa và lịch sử để được đào sâu, tìm tòi và học hỏi, để được thấu hiểu về một vẻ đẹp cổ truyền của nghệ thuật cổ xưa đang dần mất bóng trong xã hội hiện đại.
Những yếu tố truyền thống, được các “anh tài” khéo léo lồng ghép vào từng màn trình diễn, đã trở thành điểm nhấn thu hút khán giả ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt, xu hướng “nostalgia” – sự hoài niệm về những giá trị xưa cũ – ngày càng chứng tỏ sức hút mạnh mẽ như một chiến lược marketing hiệu quả, chạm đến cảm xúc của người tiêu dùng. Vì vậy, việc đưa văn hóa Việt vào từng màn trình diễn không chỉ nâng cao giá trị truyền thông mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải tinh thần dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ về cội nguồn một cách tự nhiên và ý nghĩa. Từ “Trống Cơm”, “Áo mùa đông – Trở về” cho đến “Mưa Trên Phố Huế” hay “Đào Liễu”, các tiết mục đều thể hiện rõ tinh thần của văn hóa được viết lại dưới góc nhìn của hiện đại mà vẫn không làm mất đi những giá trị bản chất vốn có. Dẫu trải qua bao nhiêu thời kỳ, yếu tố văn hóa, truyền thống vẫn là cái gốc rễ cho vạn vật sinh sôi nảy nở, kể cả âm nhạc. Bằng cách này, thế hệ giữ lửa và phát huy có thể tiếp tục truyền bá giá trị văn hóa Việt Nam với cái nhìn sâu sắc về bản sắc dân tộc.
Lịch sử cũng re-branding
Không chỉ có các thương hiệu sản xuất sản phẩm hay cung cấp dịch vụ mới được tham gia vào hành trình re-branding (Tái định hình thương hiệu) để nhằm tiếp cận rộng rãi đến đối tượng khách hàng trẻ, mà cả những giá trị tưởng chừng chỉ thuộc về quá khứ cũng được “cấp bằng” và khoác lên mình diện mạo mới để tham gia vào sân chơi đầy khắc nghiệt này. Năm 2024, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt công chúng một diện mạo hoàn toàn mới, lấy cảm hứng từ những khám phá đầy bất ngờ về một Việt Nam ta chưa từng biết đến trong quá khứ. Làm mới những giá trị cũ từ góc nhìn hiện đại khi soi chiếu về quá khứ, rất nhiều yếu tố nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng lại là chất xúc tác để khiến người trẻ đến gần hơn với lịch sử.
Bộ nhận diện mới của bảo tàng là sự hòa quyện giữa hoạ tiết kiến trúc cổ kính của nhiều thế kỷ trước và những đường nét sáng tạo của nghệ thuật đương đại. Tia sáng từ thời sơ khai giờ đây vẫn chiếu rọi giữa kỷ nguyên mới, nối liền giữa lịch sử và thế giới đương đại, như một biểu tượng cho khát vọng khám phá và hành trình không ngừng tiến bước của dân tộc. Mỗi gam màu trong bộ nhận diện đều được chọn lọc kỹ lưỡng từ những cổ vật và di sản trải dài khắp mọi miền đất nước, chứa đựng câu chuyện của lịch sử nhưng đồng thời cũng thể hiện nhiều khao khát tiến bước để vươn xa hơn đến tương lai. Đặc biệt, những sản phẩm merchandise như túi xách, sổ tay, ly cốc… mang đậm dấu ấn Việt Nam giờ đây không chỉ là vật dụng thường ngày mà còn là cầu nối giữa lịch sử và đời sống hiện đại.
Đưa lịch sử vào thói quen tiêu dùng của cộng đồng, chiến dịch re-branding không chỉ làm sống lại những giá trị xưa cũ mà còn thổi một làn gió mới, vừa thực tế vừa đậm chất thơ, vào dòng chảy văn hóa hôm nay. Thậm chí, ta còn được ngắm nhìn và sở hữu “merchandise” từ túi xách, name card, sổ viết, ly cốc hoàn toàn… Việt Nam. Có lẽ, đây là cách mà đội ngũ truyền thông về chiến dịch re-branding làm sống dậy những giá trị cũ kỹ ngỡ đã ngủ quên vào cõi vĩnh hằng vào cuộc đời thực một cách sống động, thực tế nhưng vẫn đầy thi vị.
Những chuyến hồi hương về làng bản – Về Làng
Tụ tập ở những khu đô thị sầm uất, mua sắm tại những tòa nhà chọc trời hay hòa mình vào nhịp điệu sôi động của những con phố lấp lánh ánh đèn đường dường như đã trở thành nhịp sống thường nhật của người trẻ hiện đại. Họ – những tâm hồn không ngủ, luôn khát khao khám phá và tìm kiếm niềm vui mới giữa chốn thành thị nhộn nhịp, nơi dòng xe cộ và ánh sáng không ngừng chảy trôi như dòng đời đầy hối hả. Thế nhưng, càng đi xa, con người lại càng khao khát được trở về làng bản thân thuộc, tìm về những giá trị cốt lõi bình dị đã định hình nên một phần tính cách. Đó là hành trình “Về Làng” của những người con xa quê, tha hương cầu thực muốn tìm vết làng bản xưa, những vẻ đẹp đã in hằn trong trái tim họ.
Như những đợt sóng ngầm ồn ào mà lặng lẽ, tận sâu dưới lòng sông, nỗi da diết về nỗi nhớ về nơi “chôn rau cắt rốn” vẫn âm ỉ dao động tận sâu trong tâm khảm. “Về Làng 2024” được tổ chức bởi A Way To Green, đồng hành cùng L’OFFICIEL và FACE – The Fashion Design Academy chính là chuyến hành trình tưới mát tâm hồn. Ở đó, ta không chỉ tìm về được bản ngã của chính mình mà còn được chiêm ngưỡng sự diệu kỳ của cảnh sắc và văn hóa Việt Nam ẩn mình dưới sự náo nhiệt, vội vã của thời đại mới. Một nhịp sống rất chậm, rất đời, một nét hoa văn chạm trổ rất mộc mạc, rất nhiều chất thơ, một người bản địa trong lần gặp gỡ tình cờ, rất chất phác, rất nhiệt tình. Tất cả đều trở thành chất xúc tác để biến những tình cờ thành nguồn cảm hứng bất tận cho những người nghệ sĩ suốt đời theo đuổi lý tưởng cái đẹp. Rằng cái đẹp chẳng phải là thứ theo thời thượng nhất thời, cái đẹp nằm ngay trong chính quê hương xứ sở, trong chính bản làng nuôi ta lớn, trong hoa văn đường nét, trong ca dao tục ngữ và trong chính bản sắc văn hóa định hình nên con người ta.
Chuyến khám phá mảnh đất Phú Yên hoang sơ, trù phú tuy ngắn nhưng vẫn đủ dài để những nhà thiết kế nhặt nhạnh được đủ chất liệu hoàn toàn mang màu sắc Việt Nam để thổi hồn vào kiệt tác của mình. Đó là cuộc hành trình lan tỏa vẻ đẹp, giá trị và cảm hứng tìm về cội nguồn, bản sắc truyền thống đến với thế hệ trẻ dưới góc nhìn hiện đại hơn, bằng sự giao thoa của lăng kính hiện đại và quá khứ. Bởi văn hóa chính là gốc rễ cho vạn vật sinh sôi. Hơn cả một cuộc thưởng lãm đến vùng đất lạ, Về Làng 2024 đến Phú Yên chính là chuyến khảo cổ để tìm về những giá trị cốt lõi của loài người tưởng chừng như đã tan biến đi bởi sức ép của khoa học hiện đại, khẳng định cái “văn hóa” tồn tại bên trong nghệ thuật thường thức, làm sống dậy những giá trị truyền thống và gắn bó sâu sắc hơn những giá trị bền vững đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Níu giữ lấy hơi thở của lịch sử và thời cuộc, bảo tồn tinh hoa dân tộc từ thuở sơ khai đến nay chính là sứ mệnh to lớn nhất mà dự án Về Làng muốn truyền tải trong suốt 2 mùa hoạt động. Xuất phát từ hai tiếng “Việt Nam”, những chuyến khám phá rong ruổi khắp trời đất, trải dài ở mọi nơi khắp mọi miền Tổ Quốc lại là con đường mở lối để nối liền khái niệm nghệ thuật đương đại đồng điệu hóa “hơi thở” của các giá trị lịch sử, văn hóa trong hành trình sáng tạo nghệ thuật bền bỉ. Đó chính là hành trình về làng “đích thực”.
–
A WAY TO GREEN OFFICIAL là không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam