AWTG x L’OFFICIEL WOOT-Về Làng: Học hỏi các nghệ nhân dân tộc Lô Lô Hoa

November 3, 2022

A WAY TO GREEN OFFICIAL đồng hành cùng L’OFFICIEL VIETNAM trong dự án WOMEN OF OUR TIME – VỀ LÀNG, thực hiện một hành trình trải nghiệm và tiếp cận văn hoá đầy ý nghĩa trong những ngày cuối tháng 8 năm 2022 tại Hà Giang.

Lô Lô là một trong số các tộc người thiểu số ở Việt Nam, cư trú chủ yếu tại các huyện Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang, Bảo Lạc và Bảo Lâm của tỉnh Cao Bằng, và Phong Thổ ở tỉnh Lai Châu. Về cơ bản, dân tộc Lô Lô phân thành 2 chi nhánh: Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa. Nhóm Lô Lô Hoa sống tập trung ở huyện Mèo Vạc và số ít ở huyện Đồng Văn. Nhóm Lô Lô Đen hầu như sinh sống ở tỉnh Cao Bằng và một số ở thôn Lô Lô Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. 

Có thể nhận biết hai nhóm dân tộc Lô Lô Hoa và Lô Lô Đen thông qua đặc điểm trang phục truyền thống của họ. Riêng với trang phục truyền thống của dân tộc Lô Lô Hoa, “những hoạ tiết hoa văn đáp vải bằng hình học, kỷ hà, hoa lá… cùng với những màu sắc rực rỡ đã tạo nên một nét chấm phá độc đáo trong bức tranh trang phục đa dạng của nhiều tộc người thiểu số sinh sống tại vùng cao ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang… Bộ trang phục truyền thống của người Lô Lô Hoa phản ánh giá trị tinh thần, thể hiện về thế giới quan của đồng bào đối với môi trường xung quanh và lịch sử của tộc người mình… Những quan niệm về giá trị của cái đẹp, về muông thú và vạn vật xung quanh môi trường sống của người Lô Lô Hoa đã từ bao đời tiếp diễn qua bộ trang phục truyền thống tuy có biến đổi theo thời gian” [*] 

Trong chuyến Về Làng – Hà Giang vừa qua, các thành viên của dự án WOMEN OF OUR TIME – VỀ LÀNG đã có dịp gặp gỡ các nữ nghệ nhân Lô Lô Hoa ở thôn Sảng Pả A và Sảng Pả B, thuộc thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc. Qua buổi trò chuyện và trải nghiệm, các Mentee có cơ hội tìm hiểu về bản sắc văn hoá, tập quán và trang phục truyền thống, đồng thời được các cô/chị nghệ nhân hướng dẫn kỹ thuật đắp vải đặc trưng của dân tộc Lô Lô Hoa. 

Viết về trải nghiệm này, Mai kể: “… 4 nghệ nhân vô cùng nhiệt tình chỉ dẫn, ngay cả khi có những công đoạn khó hiểu cô Đinh vẫn rất tận tâm dạy đi dạy lại cho mình rất nhiều lần. Sau buổi học, mình đã hiểu thêm phần nào về ý nghĩa của các họa tiết trên trang phục của người Lô Lô Hoa Được nghe các cô kể về quá trình làm một bộ trang phục dân tộc Lô Lô Hoa, được nghe các cô kể về quá trình rèn luyện, học tập về văn hóa của chính dân tộc mình, làm cho mình cảm giác thật sự khâm phục về niềm tự hào dân tộc to lớn trong lòng mỗi người dân nơi đây. Ngoài kĩ thuật mà các cô đã chỉ dạy, thì những câu chuyện các cô chia sẻ cũng đã truyền cảm hứng cho mình rất nhiều về văn hóa dân tộc, để thế hệ trẻ như mình có thêm động lực để tiếp tục phát huy và lưu truyền xa hơn nữa”. 

Mentor Ella Phan chia sẻ: “Cũng như áo dài của chúng ta, trang phục truyền thống của người Lô Lô cũng chỉ dần được sử dụng cho các dịp đặc biệt. Nghe giới thiệu về kỹ thuật và đặc trưng văn hoá của phục trang cũng thể hiện sự trân trọng của các Mentee (NTK thời trangtương lai) đối với một nền văn hoá. Sự quan tâm đó cũng là niềm động viên, cổ vũ cho những cố gắng bảo tồn của thế hệ đi trước. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc và học kỹ thuật truyền thống đặc trưng của các cô nghệ nhân người Lô Lô, không những giúp các bạn hiểu được các hoạ tiết, kỹ thuật trang trí được thực hiện thế nào mà các Mentee còn có cơ hội khám phá thông điệp văn hoá, tình yêu và lòng tự hào của mỗi nhóm dân tộc đối với phục trang và bản sắc văn hoá của mình. Điều này sẽ giúp các Mentee chuyển tải phần ‘hồn’ hay ‘bản sắc’ lên các thiết kế chứ không chỉ đơn thuần là kỹ thuật.”

[*] Trích bài nghiên cứu “Trang phục truyền thống của người Lô Lô Hoa ở Hà Giang” của Lê Anh Đức, nghiên cứu sinh, Khoa Dân tộc học và Nhân học, Học viện Khoa học Xã hội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; đăng trên tạp chí Nhân lực Khoa Học Xã hội (số 8-2018), thuộc hệ thống các tạp chí khoa học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

***

Về Làng – Hà Giang là một chuyến đi rất xa để gặp gỡ những người ở nơi rất cao, để được đến gần và khẽ chạm vào các di sản văn hoá vô hình trong ngắn ngủi. 

***

Bộ ảnh được thực hiện vào tháng 8 năm 2022, ghi lại những khoảnh khắc kỷ niệm giữa 2 bạn sinh viên ngành thời trang, 2 nhà thiết kế thời trang và 4 nữ nghệ nhân dân tộc Lô Lô Hoa, nhân dịp giao lưu và trải nghiệm tại thị trấn Mèo Vạc (Hà Giang) – một hoạt động của dự án WOMEN OF OUR TIME – VỀ LÀNG, thuộc khuôn khổ của chiến dịch Women of Our Time by L’OFFICIEL Vietnam 2022.

Location: Nhà trưng bày sản phẩm của HTX Thêu Thổ Cẩm Dân Tộc Lô Lô – Thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang

Supporter: Chị PHAN HỒNG HẠNH – Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ thị trấn Mèo Vạc

Artisan: Cô THÀNG THỊ GIANG – Chủ tịch Hội Nghệ Nhân Dân Gian, cô LÙNG THỊ MINH – Chủ nhiệm HTX Thêu Thổ Cẩm Dân Tộc Lô Lô, cô LÙNG THỊ ĐINH – Nghệ nhân thêu thổ cẩm Lô Lô Hoa, chị DOÃN THỊ MAI – Nghệ nhân thêu thổ cẩm Lô Lô Hoa.

Photographer: HADA HOÀNG ANH ĐỨC

Mentor: ELLA PHAN, NHÃ THY

Mentee: KHÁNH DUY, XUÂN MAI

ĐỒNG HÀNH TRUYỂN THÔNG: A WAY TO GREEN

A Way to Green Official – Không gian nghiên cứu và sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.

VỀ CHIẾN DỊCH WOMEN OF OUR TIME

Là ấn phẩm tiên phong cho tiếng nói của thời trang và nghệ thuật, L’OFFICIEL Vietnam khởi xướng chiến dịch Women of Our Time kể từ đầu năm 2022 và định hướng trở thành một sự kiện thường niên, với phong phú các chuỗi hoạt động và dự án nhằm tôn vinh những người phụ nữ trong thời đại của chúng ta.

VỀ QUỸ L’OFFICIEL PROUDLY VIETNAMESE

Ra đời từ tháng 07/2020, L’OFFICIEL Proudly Vietnamese là chiến dịch dành riêng cho thời trang và nghệ thuật bản địa, nhằm ủng hộ các thương hiệu, nhà thiết kế, nghệ sỹ, làng nghề và nghệ nhân Việt Nam. Proudly Vietnamese đứng sau nhiều dự án đa lĩnh vực, từ ấn phẩm Proudly Vietnamese Coffee Table Book, Cuộc thi ảnh Proudly Vietnamese Photography, Cuộc thi làm phim Proudly Vietnamese Cinemagic, chuỗi Podcast Sân Nhà đến sự kiện triển lãm đầu tiên kết hợp công nghệ với thời trang ở Việt Nam – “Ô by L’OFFICIEL Vietnam”. Tất cả đều hướng đến một mục đích duy nhất: tôn vinh thị trường nội địa và những giá trị văn hoá dân tộc trong xã hội hiện đại.