AWTG x L’OFFICIEL WOOT-Về Làng: Học xe lanh, nhuộm chàm với các “cô giáo” người Mông

October 24, 2022

A WAY TO GREEN OFFICIAL đồng hành cùng L’OFFICIEL VIETNAM trong dự án WOMEN OF OUR TIME – VỀ LÀNG, thực hiện một hành trình trải nghiệm và tiếp cận văn hoá đầy ý nghĩa trong những ngày cuối tháng 8 năm 2022 tại Hà Giang.

“Buổi sáng hôm nay mình chìm đắm trong vẻ đẹp của hoa tam giác mạch, hoa nở xòe to vào buổi sáng, cách đồng hoa tam giác mạch nằm trải dọc theo con đường đến nơi học nhuộm vải của mình, cảm giác con đường đi học hôm nay như từ trong mơ bước ra hiện thực. Buổi học hôm đó, mình được Hà – người mà mình và Duy gọi là “cô giáo dạy nhuộm vải”, hướng dẫn và chia sẻ rất nhiều về lanh, về các công đoạn nhuộm vải. Phải trải qua 8 đến 9 bước để ra được cuộn vải lanh thô và qua rất nhiều lần nhuộm mới ra được màu sắc vải như mong muốn… Buổi chiều, mình được học kỹ năng vẽ sáp ong cùng em Chở – người mà mình và Duy cùng nhau gọi là “cô giáo Chở”. “Cô giáo nhí” này chỉ dạy rất tận tình, từng bước từng bước rất từ tốn, trong một buổi chiều học hành cùng nhau, mình đã nắm được các yếu tố cơ bản của kỹ thuật vẽ sáp ong, cũng được nghe “cô giáo” kể về quá trình học vẽ sáp ong của em.”

Những thiết kế ban đầu của Mai khi đăng ký tham gia dự án WOMEN OF OUR TIME – VỀ LÀNG lấy cảm hứng từ câu chuyện “Đi học” của các bé gái vùng cao ở độ tuổi 13 – 18. Vì vậy, trong suốt chuyến đi, Mai dành nhiều tâm tư để quan sát, tìm hiểu và tiếp cận với trẻ em và các thiếu nữ, phụ nữ vùng cao trong bối cảnh “Đi học” mà các thiết kế của Mai hướng đến. 

Đến với thung lũng Sủng Là, nhóm Về Làng – Hà Giang đã nhận được sự hỗ trợ hết lòng của chị Vàng Thị Cầu – Chủ nhiệm Hợp Tác Xã Lanh Trắng Sà Phìn. Chị Cầu được biết đến với những nỗ lực học hỏi và làm việc để thành lập nên Hợp Tác Xã, góp phần khôi phục nghề dệt lanh nhuộm vải của đồng bào người Mông ở Đồng Văn. Hơn nữa, HTX Lanh Trắng Sà Phìn còn là một mái nhà giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho những người lao động yếu thế ở địa phương. 

Về Làng – Hà Giang ví như một chuyến “du học miền cao” của hai bạn Mentee Khánh Duy và Xuân Mai, mà ở đó “tư duy đương đại gặp gỡ nền tảng nghề truyền thống” (theo lời của chị Nguyễn Huyền Châu, giám khảo của hoạt động OpenCall). Trong những ngày ở thung lũng Sủng Là, thời gian được chạm vào cây gai dầu, hay thực hành tước vỏ gai dầu tươi chỉ xảy ra trong thoáng qua. Hai bạn trẻ cũng không có đủ thời gian để ngấm đủ mùi chàm, hay hiểu đủ sắc độ của các loại màu nhuộm chiết xuất từ cây, quả, củ, rễ bản địa. Để khám phá bề dày văn hoá của một tộc người một cách trọn vẹn, lại càng là chuyện không thể trong một dịp lưu trú ngắn ngủi. 

Vì vậy, để biết thêm về vải lanh của người Mông – những tấm vải không chỉ được dệt từ vỏ cây gai dầu, mà còn bện xoắn, thấm đượm vào nó những khó nhọc của những người phụ nữ Mông – Mai và Duy phải tranh thủ ngắm nhìn và góp nhặt kiến thức, từ cuộc trò chuyện trong bữa cơm, qua những giờ học trải nghiệm, đến cả những bộ trang phục mà người Mông đang mặc trên người hay phơi ngoài sào. 

Từ sợi vỏ cây, đến khi được xe và chắp nối thành sợi, thêm nhiều công đoạn khác để tạo ra những cuộn sợi gai dầu đủ bền chắc, mảnh và đều đặn để dệt nên những thước vải lanh trắng thô mộc, vốn đã cần rất nhiều thời gian, sự kiên nhẫn và tính tỉ mỉ. Đó là chưa kể đến các công đoạn lăn đá, nhuộm màu, vẽ sáp ong, v.v. Một cách để thế hệ nhà thiết kế trẻ như Mai và Duy có được cảm nhận chân thật về khái niệm “truyền thống” và “di sản”, là lắng nghe và tìm hiểu thông qua góc nhìn của chính những nghệ nhân bản địa, đặc biệt là những người trẻ trực tiếp kế thừa những kỹ thuật thủ công đã đang ngày thêm mai một. Khi “tư duy thiết kế đương đại” và “nền tảng nghề truyền thống” gặp gỡ nhau, sự tương tác có thể làm thay đổi từ cả hai phía, và lan tỏa đến các lăng kính đa chiều. 

Trong Câu chuyện Trải nghiệm của mình, Mai viết: “Sau mỗi buổi học trải nghiệm như thế này làm cho mình càng trân trọng hơn mỗi tấm vải cầm trên tay, ý thức hơn trong việc tiết kiệm và tối giản lượng vải thừa trong công đoạn cắt may. Vì mỗi mét vải cầm trên tay là sản phẩm của rất nhiều công sức lao động. Thói quen này sẽ không chỉ dành riêng cho vải lanh mà còn cho tất cả các chất liệu trong quá trình hoạt động thời trang của mình.

***

Về Làng – Hà Giang là một chuyến đi rất xa để gặp gỡ những người ở nơi rất cao, để được đến gần và khẽ chạm vào các di sản văn hoá vô hình trong ngắn ngủi. 

***

Bộ ảnh được thực hiện vào tháng 8 năm 2022, ghi lại trải nghiệm xe lanh, nhúng chàm, vẽ sáp ong và nhuộm củ nâu của 2 Mentee Khánh Duy và Xuân Mai – một hoạt động của dự án WOMEN OF OUR TIME – VỀ LÀNG, thuộc khuôn khổ của chiến dịch Women of Our Time by L’OFFICIEL Vietnam 2022.

Location: Gia đình chú MUA cô SÚA – Làng Văn Hoá Lũng Cẩm, thung lũng Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Supporter: chị VÀNG THỊ CẦU – Chủ nhiệm HTX Lanh Trắng Sà Phìn, anh TÂN – Điểm dừng chân Cơm Nhà Pao

Artisan: bạn VŨ THỊ HÀ – Nghệ nhân hướng dẫn trải nghiệm xe lanh và nhuộm chàm (đến từ làng cổ São Há, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn), chị VÀNG THỊ MỶ Thị – Nghệ nhân hướng dẫn xe lanh (thành viên HTX Lanh Trắng Sà Phìn, huyện Đồng Văn), bạn VỪ THỊ CHỞ – Nghệ nhân hướng dẫn trải nghiệm vẽ sáp ong và nhuộm củ nâu (đến từ thôn Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn).

Photographer: KINH HOÀNG, HADA HOÀNG ANH ĐỨC

Mentor: ELLA PHAN, NHÃ THY

Mentee: KHÁNH DUY, XUÂN MAI

ĐỒNG HÀNH TRUYỂN THÔNG: A WAY TO GREEN

A Way to Green Official – Không gian nghiên cứu và sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.

VỀ CHIẾN DỊCH WOMEN OF OUR TIME

Là ấn phẩm tiên phong cho tiếng nói của thời trang và nghệ thuật, L’OFFICIEL Vietnam khởi xướng chiến dịch Women of Our Time kể từ đầu năm 2022 và định hướng trở thành một sự kiện thường niên, với phong phú các chuỗi hoạt động và dự án nhằm tôn vinh những người phụ nữ trong thời đại của chúng ta.

VỀ QUỸ L’OFFICIEL PROUDLY VIETNAMESE

Ra đời từ tháng 07/2020, L’OFFICIEL Proudly Vietnamese là chiến dịch dành riêng cho thời trang và nghệ thuật bản địa, nhằm ủng hộ các thương hiệu, nhà thiết kế, nghệ sỹ, làng nghề và nghệ nhân Việt Nam. Proudly Vietnamese đứng sau nhiều dự án đa lĩnh vực, từ ấn phẩm Proudly Vietnamese Coffee Table Book, Cuộc thi ảnh Proudly Vietnamese Photography, Cuộc thi làm phim Proudly Vietnamese Cinemagic, chuỗi Podcast Sân Nhà đến sự kiện triển lãm đầu tiên kết hợp công nghệ với thời trang ở Việt Nam – “Ô by L’OFFICIEL Vietnam”. Tất cả đều hướng đến một mục đích duy nhất: tôn vinh thị trường nội địa và những giá trị văn hoá dân tộc trong xã hội hiện đại.