AWTG x L’OFFICIEL WOOT-Về Làng: Thăm gia đình nghệ nhân chạm bạc ở thôn Lao Xa

October 18, 2022

A WAY TO GREEN OFFICIAL đồng hành cùng L’OFFICIEL VIETNAM trong dự án WOMEN OF OUR TIME – VỀ LÀNG, thực hiện một hành trình trải nghiệm và tiếp cận văn hoá đầy ý nghĩa trong những ngày cuối tháng 8 năm 2022 tại Hà Giang.

Để mở mang trải nghiệm và tìm kiếm những cuộc trò chuyện đa góc nhìn về cuộc sống vùng cao, nhóm Về Làng – Hà Giang đã làm quen và có hẹn với Hoàng, blogger của blog Kinh Hoàng, để cùng nhau đến thăm gia đình của nghệ nhân chạm bạc ở thôn Lao Xa. Thông qua Hoàng, nhóm cũng làm quen với Vân, chủ thương hiệu CHAM (Chạm vào Chàm). Hoàng và Vân là hai bạn trẻ người Kinh lập nghiệp ở Hà Giang. Từ tháng 9, khi đến với thung lũng Sủng Là xinh đẹp, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp và ấn tượng bởi hai cửa hiệu dễ thương, Chuyện Vùng Cao cafe và CHAM store của hai bạn.  

Buổi chiều hôm đó là một cuộc gặp gỡ hân hoan của những lần đầu. Trong số những lần đầu đó, 2 Mentee của dự án đã tìm thấy điều mà hai bạn mong chờ rất nhiều. Trên con dốc nhỏ dẫn đến nhà của gia đình người Mông làm nghề chạm bạc, Mai bắt gặp cây gai dầu đầu tiên trong hành trình thời trang của bản thân, và Duy lần đầu tiếp cận một nghệ nhân trẻ tuổi kế thừa nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình. 

Nghề chạm bạc của người Mông vẫn được duy trì ở nhiều nơi của tỉnh Hà Giang, từ huyện Hoàng Su Phì, Vị Xuyên đến Yên Minh và Đồng Văn. Thôn Lao Xa của Đồng Văn nép mình bên núi, lặng lẽ và xa cách khỏi tuyến du lịch Quản Bạ – Yên Minh – Lũng Cú nổi tiếng trên quốc lộ 4C khoảng 5 – 6 km. Nơi sơn thôn này có gia đình ông Mua Sè Sính – một trong những hộ gia đình hiếm hoi vẫn còn giữ nghề chạm bạc truyền thống của người Mông ở cao nguyên đá. 

Ông Sính được gia đình truyền nghề chạm bạc từ khi còn nhỏ, đến nay tuổi đã ngoài 70, ông vẫn tiếp tục tự tay thực hiện một số món trang sức bạc đơn giản vì nhớ nghề, và dốc lòng truyền dạy những tinh hoa của nghề làm bạc cho con cháu trong cháu trong nhà. Cháu nội của ông Sính – bạn Mua Mí Say, đã có kinh nghiệm 6 tháng làm nghề, hàng ngày được ông trực tiếp chỉ bảo. Cuộc gặp gỡ gia đình ông Mua Sè Sính, đặc biệt là nghệ nhân trẻ tuổi Mua Mí Say, là một cơ hội để Duy và Mai suy tư nhiều hơn về sự mai một và những nỗ lực bảo tồn các làng nghề truyền thống đang diễn ra trong thời đại ngày nay.

Duy đã quay lại thôn Lao Xa một lần nữa, để chia sẻ với Say về ý tưởng thiết kế của mình và trò chuyện nhiều hơn với gia đình nghệ nhân. Những chủ đề của Duy và Say xoay quanh chuyện làm nghề nối nghiệp, về mong muốn sáng tạo và khát khao thay đổi của người trẻ. Vân và Hoàng, những người đã quyết định gắn bó với vùng đất Sủng Là, đã quay trở lại thăm hỏi gia đình ông Mua Sè Sính nhiều lần hơn thế. Vân say mê giới thiệu những tác phẩm chạm bạc của gia đình ông Sính thông qua CHAM. Và Kinh Hoàng đã viết thật nhiều về nghề chạm bạc, Về Làng – Hà Giang xin phép trích dẫn một phần: 

Ấn tượng đầu tiên của mình khi bước qua cánh cổng, thấy được đây là một ngôi nhà cổ, nhà trình tường, ngói âm dương. Và đặc biệt là chân cột nhà bằng đá khắc hình quả hoa anh túc, hình ảnh mà mình chỉ thấy được khoảng 3 nhà ở khu vực Đồng Văn (bao gồm cả dinh thự vua Mèo). Mình đoán rằng, những thế hệ ông cha ngày xưa của gia đình ông Sính là một trong những gia đình có tiếng chế tạo trang sức cho Vua và tầng lớp quý tộc nơi đây.

Để tạo ra một trang sức bằng bạc, người Mông phải dùng những công cụ chế tác gồm: bễ thổi, khuôn đúc, các loại dụng cụ cán, các loại búa, kìm và bộ đục chạm hoa văn. Các sản phẩm trải qua nhiều công đoạn: Từ nung bạc, đổ khuôn, chế tác hình dạng trên đe, rồi mới được chạm khắc hoa văn, đánh bóng. Để làm chạm khắc bạc đòi hỏi người thợ phải khéo léo và tỷ mỉ. Hơn nữa, người thợ chạm bạc cũng phải kiên trì, cần cù, phấn đấu rất nhiều năm để đạt đến kỹ thuật tinh hoa của nghề chạm bạc.

Thời gian trước, nguyên liệu dùng để chế tác thường là các đồng bạc hoa xòe. Nay loại bạc này rất hiếm, việc chọn đúng bạc tinh khiết, không lẫn tạp chất là điều kiện tiên quyết đề chế tác ra các sản phẩm bạc đạt chất lượng. Ông nói rằng: giờ bạc cũng hiếm, ngày trước nấu bạc từ những đồng bạc đông dương rồi làm trang sức – nhưng giờ cũng hiếm nên chỉ làm khi có người đặt và tìm được bạc chất lượng.

Cầm chiếc máy ảnh đi thăm thú cả nhà, mình thấy được những dụng cụ, những dấu vết lịch sử, màu thời gian. Thấy được sự tâm huyết, sự yêu nghề của cả gia đình. Hy vọng rằng, một nghề truyền thống thú vị như vậy, vẫn sẽ giữ được qua nhiều thế hệ sau. Để những người như Kinh Hoàng, những khách du lịch có thể đến – chiêm ngưỡng và trải nghiệm một trong những ngành nghề cổ xưa của nơi cao nguyên đá.

***

Về Làng – Hà Giang là một chuyến đi rất xa để gặp gỡ những người ở nơi rất cao, để được đến gần và khẽ chạm vào các di sản văn hoá vô hình trong ngắn ngủi. 

***

Bộ ảnh được thực hiện vào tháng 8 năm 2022, nhân dịp gặp gỡ một gia đình nghệ nhân với nhiều thế hệ nối nghề chạm bạc ở huyện Đồng Văn (Hà Giang), của 2 Mentee Khánh Duy và Xuân Mai – một hoạt động của dự án WOMEN OF OUR TIME – VỀ LÀNG, thuộc khuôn khổ của chiến dịch Women of Our Time by L’OFFICIEL Vietnam 2022.

Location: Gia đình ông MUA SÈ SÍNH – Thôn Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Supporter: chị VÀNG THỊ CẦU – Chủ nhiệm HTX Lanh Trắng Sà Phìn, anh TÂN – Điểm dừng chân Cơm Nhà Pao

Artisan: ông MUA SÈ SÍNH, bạn MUA MÍ SAY

Photographer: HADA HOÀNG ANH ĐỨC, KINH HOÀNG, VÂN PHẠM

Mentor: ELLA PHAN, NHÃ THY

Mentee: KHÁNH DUY, XUÂN MAI

ĐỒNG HÀNH TRUYỂN THÔNG: A WAY TO GREEN

A Way to Green Official – Không gian nghiên cứu và sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.

VỀ CHIẾN DỊCH WOMEN OF OUR TIME

Là ấn phẩm tiên phong cho tiếng nói của thời trang và nghệ thuật, L’OFFICIEL Vietnam khởi xướng chiến dịch Women of Our Time kể từ đầu năm 2022 và định hướng trở thành một sự kiện thường niên, với phong phú các chuỗi hoạt động và dự án nhằm tôn vinh những người phụ nữ trong thời đại của chúng ta.

VỀ QUỸ L’OFFICIEL PROUDLY VIETNAMESE

Ra đời từ tháng 07/2020, L’OFFICIEL Proudly Vietnamese là chiến dịch dành riêng cho thời trang và nghệ thuật bản địa, nhằm ủng hộ các thương hiệu, nhà thiết kế, nghệ sỹ, làng nghề và nghệ nhân Việt Nam. Proudly Vietnamese đứng sau nhiều dự án đa lĩnh vực, từ ấn phẩm Proudly Vietnamese Coffee Table Book, Cuộc thi ảnh Proudly Vietnamese Photography, Cuộc thi làm phim Proudly Vietnamese Cinemagic, chuỗi Podcast Sân Nhà đến sự kiện triển lãm đầu tiên kết hợp công nghệ với thời trang ở Việt Nam – “Ô by L’OFFICIEL Vietnam”. Tất cả đều hướng đến một mục đích duy nhất: tôn vinh thị trường nội địa và những giá trị văn hoá dân tộc trong xã hội hiện đại.