AWTG x L’OFFICIEL WOOT-Về Làng: Tìm thấy gì trong chiếc quẩy tấu của người Mông

October 14, 2022

A WAY TO GREEN OFFICIAL đồng hành cùng L’OFFICIEL VIETNAM trong dự án WOMEN OF OUR TIME – VỀ LÀNG, thực hiện một hành trình trải nghiệm và tiếp cận văn hoá đầy ý nghĩa trong những ngày cuối tháng 8 năm 2022 tại Hà Giang.

Cuộc sống của người Mông trên rẻo cao, ngước lên là dốc núi, ngó xuống là vực sâu. Trên lưng đàn ông, phụ nữ, người già và trẻ em người Mông, là những chiếc quẩy tấu nặng trĩu vai. Người Mông đeo quẩy tấu vào rừng hái măng, lấy củi. Từ nhà lên nương, chiếc quẩy tấu dùng để đựng dụng cụ lao động; từ nương về nhà, lại chứa thêm ngô, rau, củ, quả. Chiếc quẩy tấu theo người Mông cõng hàng hoá xuống chợ bán, tan chợ phiên lại chứa thêm hàng hoá, thực phẩm mang về nhà. Trẻ em người Mông có thể đeo chiếc quẩy tấu be bé, từ lúc chỉ biết hái hoa nhặt lá chơi đùa cho đến khi chiếc quẩy tấu cũng lớn dần qua thời gian, rồi theo chân các em đi cắt cỏ cây làm thức ăn cho gia súc. Chiếc quẩy tấu dường như gắn bó trong suốt cuộc đời của người Mông.

Đến Hà Giang, mong muốn được chạm, ngắm, đeo thử trên lưng và tiếp cận những nghệ nhân đan quẩy tấu đã trở thành một mục tiêu của nhóm Về Làng – Hà Giang. Được sự trợ giúp tận tâm của Phan Hồng Hạnh – Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ thị trấn Mèo Vạc, nhóm được giới thiệu vợ chồng chị Mỷ, anh Tro ở xã Giàng Chu Phìn, rồi từ đó được anh Tro dẫn đường vào thôn và làm quen với gia đình Giàng Mí Pó. 

Cá Chúa Đớ là một sơn thôn cách trung tâm thị trấn Mèo Vạc khoảng 7 cây số. Phần lớn các hộ gia đình ở thôn Cá Chúa Đớ làm nghề đan quẩy tấu, cung cấp quẩy tấu cho cả huyện Mèo Vạc. Đó là một chiều mưa, nhóm Về Làng – Hà Giang gồm 4 thành viên được anh Tro đưa đón và xe nối xe cẩn thận men theo lưng núi đi vào một miền xanh mát, hiền hoà. 

Khánh Duy là người duy nhất được trực tiếp trải nghiệm kỹ thuật đan quẩy tấu. Duy nhanh chóng được gia đình Giàng Mí Pó mời vào nhà, dường như chưa kịp khách sáo đã hoang mang thấy bản thân ngồi ở giữa nhà, tự tay nắm giữ những nan trúc, vụng về đan theo sự hướng dẫn của các bạn Pó, Sáng và anh Tro. Chẳng có bài học lý thuyết nào ở đây cả. Để hiểu nguyên lý đan một chiếc quẩy tấu cơ bản, Duy phải tìm cách ghi nhớ và đúc kết từ những lần làm sai và làm lại, gần như cách các thiếu niên người Mông bắt đầu những buổi học vỡ lòng với cha, với ông để sớm tìm cho mình một kế sinh nhai với nghề đan quẩy tấu. Trải nghiệm trong chóng vánh, Duy sẽ không tập tành ngày qua ngày cho đến khi thành thạo, cũng không thể hiểu được tất cả những yếu tố kỹ thuật hình thành nên một chiếc quẩy tấu của người Mông, nhưng nguồn cảm hứng sáng tạo và những suy tư có lẽ sẽ được thúc đẩy để “dệt đan” chặt chẽ hơn.

Ghi chép lại trải nghiệm của mình, Duy viết: “Khi đến nhà anh Giàng Mí Pó, qua lời giới thiệu của anh Tro, tôi sửng sốt khi chỉ mới vừa chào hỏi nhau cơ bản đã phải bước liền vào để trực tiếp đan quẩy tấu. Lúc mới vào đan tôi cảm thấy hoang mang vì tưởng sẽ đuợc hướng dẫn các bước từ đầu đến cuối, nhưng không phải thế, thì ra tôi phải ngồi đan trực tiếp với sự hướng dẫn của anh Pó. Trên đường đi đến nhà anh Pó tôi còn hào hứng vì sắp được xem người Mông đan quẩy tấu, nhưng thực tế là anh Pó trực tiếp cầm tay chỉ bảo luôn. Trong lúc đan tôi nghĩ đơn giản là làm sao cho đúng với hướng dẫn của anh Pó. Tôi sai chỗ nào là anh Pó tháo ra rồi kêu tôi làm lại. Tôi đã làm sai rất nhiều lần mới có thể hiểu được cách đan một chiếc quẩy tấu cơ bản…”

“Sau gần cả buổi ngồi đan rất là mệt, chúng tôi được cả gia đình mời bữa cơm tối và rượu ngô, tôi và cả đoàn bốn người hỏi về cuộc sống của gia đình anh Giàng Mí Pó. Anh chia sẻ là dù đan quẩy tấu không phải là nghề chính nhưng gia đình anh Pó vẫn tiếp tục đan, vì phụ gia đình thêm được khoản nào thì thêm, và đây là một phần không thể thiếu trong đời sống của người Mông. Tôi nhớ anh Tro có nói câu này: “Nam đan quẩy tấu, nữ làm lanh“, anh nói đây là truyền thống của người Mông. Khi chúng tôi hỏi thêm tại sao nữ không thể đan quẩy tấu, các anh cho biết thực ra ai cũng có thể học được, nhưng đan quẩy tấu cần bàn tay to và khỏe để dựng lên đúng kiểu dáng quẩy tấu. Suy nghĩ lại thì điều đó thật phải vì người nam sinh ra cơ bản đã có thể chất khỏe mạnh hơn người nữ, thân hình cũng to hơn, bàn tay cũng to hơn…” – Duy viết thêm.

Đối với Về Làng – Hà Giang, không chỉ trải nghiệm đan quẩy tấu, mà những chủ đề trò chuyện “nhặt ra” ngẫu nhiên từ trong chiếc quẩy tấu, hay từ chén rượu ngô và các món ăn địa phương trong bữa cơm cùng gia đình Giàng Mí Pó, cũng là một cơ hội để tìm thấy những khái niệm văn hoá thuộc về và của riêng một dân tộc. 

***

Về Làng – Hà Giang là một chuyến đi rất xa để gặp gỡ những người ở nơi rất cao, để được đến gần và khẽ chạm vào các di sản văn hoá vô hình trong ngắn ngủi. 

***

Bộ ảnh được thực hiện vào tháng 8 năm 2022, nhằm chia sẻ trải nghiệm của hai Mentee – KHÁNH DUY và XUÂN MAI thông qua chiếc quẩy tấu của người Mông ở Mèo Vạc, một hoạt động của dự án WOMEN OF OUR TIME – VỀ LÀNG, thuộc khuôn khổ của chiến dịch Women of Our Time by L’OFFICIEL Vietnam 2022.

Location: GIA ĐÌNH GIÀNG MÍ PÓ – Thôn Cá Chúa Đớ, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Supporter: chị HẠNH, anh TRO

Artisan: GIÀNG MÍ PÓ cùng các thành viên trong gia đình

Photographer: HADA HOÀNG ANH ĐỨC

Mentee: KHÁNH DUY, XUÂN MAI

ĐỒNG HÀNH TRUYỂN THÔNG: A WAY TO GREEN

A Way to Green Official – Không gian nghiên cứu và sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.

VỀ CHIẾN DỊCH WOMEN OF OUR TIME

Là ấn phẩm tiên phong cho tiếng nói của thời trang và nghệ thuật, L’OFFICIEL Vietnam khởi xướng chiến dịch Women of Our Time kể từ đầu năm 2022 và định hướng trở thành một sự kiện thường niên, với phong phú các chuỗi hoạt động và dự án nhằm tôn vinh những người phụ nữ trong thời đại của chúng ta.

VỀ QUỸ L’OFFICIEL PROUDLY VIETNAMESE

Ra đời từ tháng 07/2020, L’OFFICIEL Proudly Vietnamese là chiến dịch dành riêng cho thời trang và nghệ thuật bản địa, nhằm ủng hộ các thương hiệu, nhà thiết kế, nghệ sỹ, làng nghề và nghệ nhân Việt Nam. Proudly Vietnamese đứng sau nhiều dự án đa lĩnh vực, từ ấn phẩm Proudly Vietnamese Coffee Table Book, Cuộc thi ảnh Proudly Vietnamese Photography, Cuộc thi làm phim Proudly Vietnamese Cinemagic, chuỗi Podcast Sân Nhà đến sự kiện triển lãm đầu tiên kết hợp công nghệ với thời trang ở Việt Nam – “Ô by L’OFFICIEL Vietnam”. Tất cả đều hướng đến một mục đích duy nhất: tôn vinh thị trường nội địa và những giá trị văn hoá dân tộc trong xã hội hiện đại.