CÁC GIẢI CHẠY BỘ VÌ MÔI TRƯỜNG CÓ THỰC SỰ TỐT CHO MÔI TRƯỜNG?

March 26, 2024

Liệu đằng sau bức tranh bền vững mà nhiều người vẽ nên cho xu hướng chạy marathon, nét màu “xanh” có thực sự tồn tại đúng với bản chất của nó? Hay phải chăng đây chỉ là chiêu thức ngầm mà các doanh nghiệp đặt ra nhằm mang danh một tổ chức vì môi trường?

Sau thời gian dài miệt mài chiến đấu với virus, niềm khao khát của con người được hòa nhập với cộng đồng qua các hoạt động nâng cao thể chất, trí lực đã gắn liền với một phần của đời sống thường nhật. Không chỉ những người yêu thích thể thao, mà cả những “con sâu lười văn phòng bậc nhất” cũng dần tiếp cận với văn hóa marathon từ các tổ chức phi lợi nhuận hay từ các doanh nghiệp. Dưới góc độ thương hiệu, lợi ích và hình ảnh, việc tổ chức các giải chạy không chỉ là lời cam kết của các công ty, tập đoàn đối với môi trường mà còn là cách đánh bóng tên tuổi hiệu quả, hứa hẹn là “mảnh đất vàng” cho các chiến dịch marketing đột phá.

Vậy ai sẽ đảm bảo liệu rằng các giải chạy vì mục đích hưởng ứng lối sống lành mạnh hay bảo vệ môi trường này thực sự bền vững như những gì chúng ta đang thấy?

  1. Sự giả danh hoàn hảo cho kế hoạch marketing

Cụm từ “chạy marathon” trở nên phổ biến trong vài năm qua, đặc biệt là với năm 2023, khi nền kinh tế nước nhà đã mở cửa lại sau đại dịch và người dân không còn bị kìm hãm cơ hội hòa nhập, tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Không khó để bắt gặp hàng trăm tiêu đề về các giải chạy xuất hiện trên internet khi người dùng Google tìm kiếm cụm từ “chạy bộ” hoặc “marathon”. Ước tính, chỉ riêng năm 2023, có khoảng 41 giải chạy phong trào có cự ly full marathon (FM) được tổ chức trong nước, tăng 25% so với năm trước, kéo theo số lượng cũng như thành tích trong các nội dung về chạy bộ tăng vọt. Điều cốt lõi là những giải chạy này thu hút đông đảo người tham gia (hơn 264.000 người) trên 27 tỉnh thành. Hoặc thậm chí, nếu không tham gia, những người dùng mạng xã hội khác vẫn có thể tiếp cận được đến các nội dung trên một cách rộng rãi và dày đặc, từ đó kích thích khả năng tìm hiểu của cá nhân. Trước miếng mồi béo bở này, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tạo ra một “cú huých” từ giải chạy bộ bên cạnh các chiến dịch truyền thông thông thường khác, nhằm tăng sự thu hút và lượng truy cập tự nhiên trực tiếp. 

Khi nhìn vào bức tranh toàn cảnh, ta thấy việc “vì môi trường” thực sự phức tạp hơn nhiều. Hầu hết, các doanh nghiệp khởi xướng thử thách chạy bộ đều xuất phát từ mục đích bảo vệ môi trường, giảm thiểu dấu chân carbon hay giúp ích cho các tổ chức cộng đồng khác. Tiêu biểu như MB Bank với thử thách chạy bộ “HiGreen”, toàn bộ số tiền đối ứng từ hoạt động được dùng để tài trợ các tổ chức xã hội, cải tạo 10 bãi rác tự phát thành khu vui chơi sinh thái cho trẻ em và một số dự án khác. Thế nhưng, vẫn còn những sự thật khác vẫn chưa được vén màn. Trong một thế giới thừa mứa rác thải, các doanh nghiệp cần phải quan tâm đến các vấn đề vệ sinh, giảm thiểu rác thải nhựa từ chai lọ, vi nhựa từ quần áo chạy được cho là “chỉ dùng một lần” trong suốt quá trình chạy. Ngược lại, không một doanh nghiệp nào đưa ra cam kết hạn chế tối đa lượng nhựa được sử dụng cho các thử thách chạy bộ của họ, hay loại bỏ hoàn toàn nhựa và các sản phẩm, trang phục dùng một lần. 

Một mặt, ta không thể phủ nhận những lợi ích mà doanh nghiệp mang lại cho môi trường từ các cuộc thi marathon. Mặt khác, ta vẫn không ngừng lo lắng liệu những hành động mang tính tạm thời này có hoàn toàn “xanh” như mục đích ban đầu của nó, khi hàng loạt doanh nghiệp đua nhau mở đăng ký và lấy nội dung môi trường để làm bàn đạp marketing nhằm đánh lừa cộng đồng bằng khái niệm “Greenwashing”.

  1. Vấn đề về sự “một lần” trong trang phục

Khác với trang phục thông thường, quần áo chạy bắt buộc phải đảm bảo được các tiêu chí mỏng nhẹ, dễ thoát hơi, thấm hút tốt để giúp người chơi cảm thấy thoải mái trong quá trình tập luyện chạy bộ. Vì vậy, Polyester, Polypropylene hay Spandex là các chất liệu thường được sử dụng để sản xuất trang phục thể thao, bao gồm cả lĩnh vực chạy bộ. Tuy nhiên, khả năng tự phân hủy của chúng lại “tiêu tốn” rất nhiều thời gian và công sức, thậm chí quá trình này có thể gây ô nhiễm môi trường bởi một số thành phần đặc thù trong cấu tạo của chúng. Đầu tiên, Polyester (Polymer tổng hợp) là vật liệu tạo ra vô số vi nhựa cho ngành công nghiệp dệt may hằng năm, ước tính cần đến 20 – 200 năm để phân hủy hoàn toàn. Hay đối thủ nặng ký của Polyester – Polypropylene (nhựa PP) cần 100 – 150 năm cho quá trình phân hủy. Bên cạnh đó, các trang phục thể thao ngày nay ngoài tìm đến chất liệu polyester, các công ty may mặc hay xưởng may bắt đầu áp dụng chất liệu spandex với khả năng đàn hồi vượt trội, bền, dẻo và hạn chế kích ứng. Đi kèm với những ưu điểm tuyệt vời mà loại vải này mang lại, nó đồng thời cũng là mối đe dọa với môi trường bởi chất liệu Spandex không thể tự phân hủy và khả năng tái chế vô cùng hạn chế.

Với phái nữ, những người quan niệm “Mặc 1 bộ trang phục nhiều lần được coi là tội phạm thời trang” thường sẽ không mặc lại một bộ tới nhiều lần, đặc biệt là khi trang phục đó có xác suất bị trùng hoặc bắt gặp trên đường cao. Trong tâm lý học, cảm giác này được gọi tên là Hiệu ứng ánh đèn sân khấu (Spotlight Effect). Đây được cho là xu hướng phản ứng thái quá mức độ người khác chú ý đến hành động hoặc vẻ ngoài của chúng ta. Vô hình chung, điều này khiến nhiều người lo sợ về việc mặc cùng một trang phục nhiều lần sẽ khiến người khác có cơ hội bàn tán, phán xét về mình. Đặc biệt, với các trang phục mang tính riêng biệt và đặc trưng như đồng phục chạy bộ mà các doanh nghiệp thiết kế cho từng giải chạy thường sẽ không được tái sử dụng bởi tâm lý hiệu ứng đèn sân khấu. 

Các phụ kiện khác cũng cùng chung số phận hẩm hiu như thế, bởi chạy đường dài bào mòn những đôi giày thể thao khiến phần đệm đế sẽ mất dần độ đàn hồi, hấp thụ lực kém hơn, dần dần khiến cho đế giày trở nên mỏng và cứng. Điều này thúc đẩy những người tham gia phải vứt đồ và mua mới nhanh hơn. Ngay lập tức, những trang phục cũ rơi vào giai đoạn thoái trào và kết thúc vòng đời, tiếp bước cho sự ra đời mới cho những bộ trang phục được tạo ra từ dầu và khí. Hay thậm chí, sneakers, quần áo được doanh nghiệp tài trợ tại các giải chạy cũng không thể thoát khỏi giới hạn về ngân sách để cho ra những bộ trang phục hoàn toàn “xanh” như tiêu chí của các cuộc thi. Nhiều nhãn hàng cố tình tài trợ cho những giải chạy bộ nhằm dùng thể thao để tẩy trắng hình ảnh công ty. Một khái niệm không còn mấy xa lạ – Sport Wash, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp dùng vẻ ngoài mĩ miều của thể thao để che đậy sự thiếu chuyên nghiệp về các định hướng bền vững của mình. 

  1. O2 hay CO2?

Tất cả các nhãn hàng đều đề cập đến một vấn đề khi tổ chức các cuộc thi thể thao nói chung để quảng bá doanh nghiệp, hay đơn giản hơn là một cơ hội để khẳng định giá trị văn hóa doanh nghiệp là “Vì môi trường” hoặc “Giảm thiểu CO2”. Thế nhưng, liệu điều đó có đúng sự thật? Đơn cử như cuộc thi chạy marathon hoành tráng nhất nhì thế giới – New York City Marathon và Paris Marathon thu hút hơn 50.000 người đổ về tham gia. Không chỉ riêng công dân của thành phố này được “cấp phép” hưởng ứng và đăng ký thành những người chạy đường dài, mà các du khách quốc tế hoàn toàn có thể được trải nghiệm đặc sản này. Đằng sau những lợi ích kinh tế về du lịch mà hiện tượng này mang lại, thì lượng phát thải nhà kính từ hoạt động vận chuyển bằng đường hàng không tăng lên đột biến vào những “mùa chạy”. Năm 2019, cuộc thi Paris Marathon báo cáo rằng 94% lượng khí thải là do di chuyển bằng máy bay, trong đó 6% khí thải từ hậu cần của sự kiện tạo ra. Để khắc phục, cuộc thi đã mua một khoản đền bù carbon. Thế nhưng, với các giải chạy khác, người ta vẫn đặt ra nghi vấn về lượng CO2 thải ra từ hoạt động vận chuyển và hậu cần trong suốt quá trình tổ chức.

  1. Biển “rác” sau mỗi bước chạy

Thực sự khi mình tham gia giải chạy, mình thấy một đống cốc giấy dùng một lần và chai nhựa vứt đi, bản thân cái giải chạy khi tổ chức nó đã xả ra một đống rác ra môi trường rồi

Đó là những bộc bạch, sự thất vọng của một người tham gia giải chạy Long Biên vào 5 tháng trước, bất bình khi rác thải và sự ô nhiễm là những gì còn sót lại của một chiến dịch mang danh bền vững. Không khó để bắt gặp những hình ảnh nhếch nhác trên các diễn đàn sau các giải chạy. Điển hình như Giải chạy Marathon Quốc tế TP.HCM Techcombank mùa thứ 5 diễn ra vào năm 2022 với sự tham gia của hơn 14.000 vận động viên, sau những giờ chạy lại là những chai nước còn bỏ dở, nằm lăn lóc trên đường và miệng cống. 

Cộng đồng chạy bộ tỏ ra bức xúc trước hiện trạng vẫn không mấy thay đổi trong nhiều năm qua của các giải chạy, lên án ý thức kém của một bộ phận khi tham gia các cuộc thi chạy. Một số sáng kiến đã được đưa ra như kết hợp chạy và dọn sạch hàng chục ngàn chai nhựa trên đường phố; sử dụng cốc có thể phân huỷ được thay vì chai nhựa dùng một lần tại các trạm dọc theo tuyến đường hoặc các chai nhựa được làm hoàn toàn hoặc một phần từ nhựa tái chế; quảng cáo in ấn và huy chương cũng được làm từ kẽm tái chế để hạn chế rác thải nhựa và lượng carbon thải ra. Thế nhưng, suy xét cho cùng, đây vẫn là một quá trình dài và khó, bởi việc “xanh hoa” cần nhiều kinh phí hơn ta tưởng tượng và ý thức vốn là thứ khó đổi khi nó đã ăn sâu vào trí não mà máu thịt.

Mất bao lâu để những giải chạy sẽ mang màu xanh với đúng tôn chỉ của nó? Có lẽ, điều này vẫn phụ thuộc vào ý thức và hành động của loài người nhiều hơn.

A WAY TO GREEN OFFICIAL là không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.