CLEAN BEAUTY – CLEAN GIRL MAKEUP: PHONG CÁCH “CLEAN” LÀ LỜI GIẢI ĐÁP BỀN VỮNG CHO GIỚI LÀM ĐẸP

July 15, 2024

Có rất nhiều cách để con người thể hiện tính bền vững qua phong cách sống của mình, từ việc yêu thích sự tối giản của chủ nghĩa Minimalism hay tham gia các hoạt động vì môi trường, có ý thức tái sử dụng đồ cũ hay bài trừ vật dụng nhựa, tất cả đều là những bước tiến trong hành trình sống xanh. Đã từng được dè chừng là ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm tăng cao, thế nhưng, trong những thập niên trở lại đây, ngành công nghiệp làm đẹp nói chung đã có nhiều bước chuyển tiến bộ hơn, nỗ lực để thoát khỏi tai tiếng “quả bom nổ chậm”. Đó là thời kỳ đánh dấu cho kỷ nguyên mới của ngành làm đẹp với khái niệm “clean” ra đời, bền vững hơn, trách nhiệm hơn, văn minh hơn.

Sự trở lại ngoạn mục của trường phái Clean Beauty trong thời đại xanh

Phong trào “clean beauty” được cho là phồn thịnh nhất vào giai đoạn những năm 2010, sau đó lại bị thoái trào bởi sự “bành trướng” hàng loạt của những sản phẩm hóa học khác của ngành công nghiệp làm đẹp và trở lại mạnh mẽ vào thời đại bền vững theo xu hướng xanh hóa chung của thế giới. Clean Beauty (làm đẹp “sạch”) tập trung vào việc sử dụng các sản phẩm an toàn với con người và cả môi trường. Các sản phẩm làm đẹp thuộc trường phái “sạch” này sẽ từ chối các hợp chất hóa học độc hại như paraben, sulfate, phthalate, formaldehyde để tìm về những thành phần có nguồn gốc từ tự nhiên, nguyên bản nhất. Có lẽ, nguyên lý hoạt động và phát triển của clean beauty cũng tương tự như việc eat clean (ăn “sạch”) nói không với thực phẩm chế biến sẵn với nhiều phụ gia độc hại, thay vào đó sử dụng nguyên liệu thuần tự nhiên, có nguồn gốc từ thực vật để chế biến các món ăn, cốt là để tạo ra màng lọc cho bản thân trước sự lão hóa sớm do tác dụng phụ của hóa chất gây ra. 

Không còn là một phần tử nhỏ đang bị lãng quên của ngành công nghiệp mỹ phẩm, clean beauty đã trở thành địa hạt lớn của ngành làm đẹp, khi đến cả những gã quái vật khổng lồ trong ngành là Sephora hay Ulta (hệ thống cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm) cũng phải nhường cho nó một vị trí riêng trên danh mục của mình. Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp làm đẹp nhìn chung đã có cái nhìn khách quan hơn cho các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên như clean beauty, bày bán chúng trên các gian hàng khắp các châu lục, như một cách để khuyến khích người mua hãy trở nên “xanh hơn”. 

“Khoa học và công nghệ sinh học xanh đã mở đường cho các thương hiệu xanh và sạch tạo ra những sản phẩm vượt trội so với các sản phẩm truyền thống trước đây”, Chase Polan – nhà sáng lập thương hiệu mỹ phẩm bền vững Kypris Beauty chia sẻ. Các sản phẩm thuộc trường phái Clean Beauty có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi, đặc biệt đối với những người có làn da nhạy cảm. Suzanne Leroux, người sáng lập thương hiệu mỹ phẩm hữu cơ One Love Organics cho biết: “Các sản phẩm có công thức chứa hóa chất mạnh, hương thơm tổng hợp, chất tạo màu và chất làm dẻo thường được thêm vào để giúp lớp trang điểm và kem dưỡng ẩm bám vào da mặt lâu hơn, có thể gây kích ứng da, gây mẩn đỏ, thô ráp, kích ứng và nổi mụn”. Một cái giá rẻ đổi lấy một làn da bị tàn phá, sẽ có ai ngã giá cho cuộc đổi chác vô lý này?

Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp làm đẹp nhìn chung đã có cái nhìn khách quan hơn cho các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên như clean beauty, bày bán chúng trên các gian hàng khắp các châu lục, như một cách để khuyến khích người mua hãy trở nên “xanh hơn”

Được sinh ra từ ý thức trách nhiệm đối với môi trường, các sản phẩm “làm đẹp sạch” thường sử dụng bao bì tái chế trong quy trình đóng gói nhằm giảm thiểu tối đa tác động của rác thải nhựa đối với tự nhiên. Đặc biệt hơn, các sản phẩm Clean Beauty luôn có hình thức refill – cho phép người dùng làm đầy các sản phẩm đã sử dụng hết, một hình thức tiết kiệm và tái sử dụng lại bao bì cũ.

Clean Girl – Phong cách makeup “sạch” của thời đại xanh

Nổi cộm như một hiện tượng vào năm 2022, “Clean girl” có thể là phong cách makeup được săn lùng nhiều nhất cho đến thời điểm hiện tại và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Xuất hiện từ một xu hướng trang điểm trên TikTok với lượng hashtag lên đến con số hàng trăm nghìn, hàng loạt video hướng dẫn makeup theo phong cách Clean Girl ồ ạt xuất hiện trên Instagram và TikTok chứng minh cho tầm ảnh hưởng sâu sắc của nó trong cộng đồng làm đẹp. Nếu trước kia, những nghệ sĩ hàng đầu khi xuất hiện trên sân khấu với lớp makeup dày cộm, đôi mắt sắc sảo và màu son đỏ mọng thì giờ đây, sự tự nhiên nguyên bản có vẻ được giới nghệ sĩ bắt đầu ưa chuộng, khi Hailey Bieber, Jennie (BLACKPINK), Olivia Rodrigo, Dua Lipa hay các Influencer, KOLs và It-Girl tích cực lăng xê trên các sàn diễn thời trang. 

Vậy điều gì đã khiến cho Clean girl trở thành phong cách makeup “sạch” và “xanh”?

Sự tăng trưởng và cải tiến liên tục của ngành công nghiệp mỹ phẩm lại bắt môi trường phải đánh đổi một cái giá quá lớn. Không ai có thể thống kê được lượng rác thải khổng lồ chỉ riêng ngành công nghiệp mỹ phẩm thải ra môi trường hằng năm. Ở Mỹ, theo dữ liệu của Euromonitor, ngành chăm sóc cá nhân và làm đẹp đã sản xuất ra 8 triệu đơn vị chất thải nhựa cứng chỉ trong năm 2019. Ước tính lượng nhựa thải ra này có thể xây dựng được 19 tòa nhà Empire State với kích thước thật. Những phong cách trang điểm càng cầu kỳ buộc các tín đồ làm đẹp phải sắm sửa nhiều mỹ phẩm hơn. Một cách vô tình hay cố ý, điều này lại tiếp tay cho thói quen mua sắm vô tội vạ của người tiêu dùng và dễ dàng vứt bỏ chúng đi. Thậm chí, một người có thể sở hữu 100 thỏi son, 1000 bảng phấn mắt cùng một lúc nhưng không bao giờ thực sự dùng hết chúng.

Thế nhưng, Clean girl thì lại khác. Sự đơn giản, tinh gọn của phong cách makeup “sạch” này cho phép cộng đồng làm đẹp không cần phải “trang hoàng” quá nhiều đồ dùng. Thay vì dùng lớp makeup để che giấu đi vẻ đẹp nguyên bản của bản thân, Clean girl makeup không lạm dụng lớp phấn dày hay hàng mi cong, rậm mà tập trung khai thác vẻ đẹp nguyên bản với ít sản phẩm trang điểm nhất có thể, dẫn đến việc sử dụng ít sản phẩm trang điểm hơn, giảm thiểu lượng chất thải từ bao bì và giảm tiêu thụ nguyên liệu. Đồng thời, những cá nhân theo phong cách “clean girl” có xu hướng chọn các sản phẩm trang điểm có nguồn gốc tự nhiên, không chứa hóa chất độc hại, được sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững và chỉ mua những gì cần thiết và sử dụng cho đến khi hết. Các sản phẩm này thường được làm từ các thành phần hữu cơ, không thử nghiệm trên động vật và có bao bì có thể tái chế hoặc phân hủy sinh học.

Có lẽ, trong tương lai, ở địa hạt mỹ phẩm, người ta vẫn thấy những tia sáng của một tương lai mới, bền vững hơn, đáng tin cậy hơn khi những định hướng của ngành làm đẹp đã bước sang trang mới, đó là “sạch” cả về hình thức và ý nghĩa.

Nguồn: vneconomy, chaubuinet, Kênh 14

A WAY TO GREEN OFFICIAL là không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.