ĐI GIỮA TRỜI RỰC RỠ: CỘP MÁC CỦA VĂN HÓA HAY LÀ SỰ TẠM BỢ ĐỂ ĐỔI LẤY TRIỆU VIEW?

August 26, 2024

Không chỉ những siêu phẩm bom tấn đến từ kinh đô Hollywood lừng danh, hay các tác phẩm rom-com đình đám của xứ sở kim chi mới đủ sức trở thành tượng đài điện ảnh thế giới. Với nỗ lực cải thiện không ngừng nghỉ, ngành điện ảnh Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế vững chắc của mình, từ đầu tư công phu, kịch bản thu hút, kỹ thuật sản xuất vượt trội cùng sự xuất hiện của hàng loạt những gương mặt triển vọng mới, các tác phẩm điện ảnh Việt dần “thuần hóa” trái tim của khán giả quê nhà. Hiếm có bộ phim truyền hình Việt nào sở hữu được độ thảo luận lớn như “Đi giữa trời rực rỡ”, được bấm quay bởi đạo diễn Đỗ Thanh Sơn. Thế nhưng, đi cùng với sự công nhận của khán giả về kịch bản hấp dẫn, xây dựng tuyến nhân vật gây ấn tượng lại là những chỉ trích về việc “vay mượn văn hóa” để làm phim. Liệu “Đi giữa trời rực rỡ” thực sự muốn khai thác triệt để những vẻ đẹp văn hóa và thiên nhiên của người đồng bào, hay đây chỉ là cách để lấy được sự đồng cảm từ công chúng, khi văn hóa đang trở thành chủ đề nhạy cảm trong thời gian gần đây?

Tiếng vang 

Mỗi 20h hằng ngày, vô số khán giả lại háo hức chờ đợi được xem tiếp diễn biến của cô bé người Dao đang nỗ lực bước ra thế giới – Pu và chàng trai say đắm Pu từ thuở bé – Chải. Trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến, các cụm từ “đi giữa trời rực rỡ”, “pu” hoặc “chải” đều liên tục nằm trong top tìm kiếm nhiều tuần liền với thị phần thảo luận lớn, lượt hiển thị và lượt tương tác cao hoặc tương đối cao.


Một bộ phim dành chủ yếu dành cho thế hệ genZ nhiều ước mơ và hoài bão, vẫn nỗ lực đưa hình ảnh thiên nhiên và văn hóa Việt Nam vào để làm điểm sáng, có lẽ người xem hoàn toàn có thể trông đợi vào một tương lai đầy xán lạn của nền điện ảnh nước nhà.


Theo Younet, từ đầu tháng 8 cho đến hiện tại, các chỉ số đo lường về độ phổ biến của phim vẫn chưa rời bảng xếp hạng, bao gồm 1,97 triệu lượt tương tác, 38 nghìn lượt thảo luận cùng các chỉ số tích cực khác. Không những gây nên tiếng vang nhờ vào tình tiết lôi cuốn, trẻ trung, hợp với giới trẻ, ekip “Đi giữa trời rực rỡ” còn tinh tế “mượn” hình ảnh tươi đẹp, kỳ vĩ của núi rừng, làng bản cùng nét văn hóa đặc trưng của người Dao đỏ ở Cao Bằng để quảng bá vẻ kiều diễm ẩn mình của Việt Nam với văn hóa đa sắc tộc. 

Xen lẫn truyền thống và hiện đại, phim gửi gắm đến khán giả đại chúng một ánh nhìn rất khác về điện ảnh Việt, thoát xác khỏi những mô-típ phim về tổng tài, kinh tế, công chúa lọ lem “thời @” để trở về với văn hóa vùng cao, còn thấp thoáng phong tục tảo hôn, bắt vợ, trọng nam khinh nữ đầy cổ hủ để giáo dục cộng đồng. Một bộ phim dành chủ yếu dành cho thế hệ genZ nhiều ước mơ và hoài bão, vẫn nỗ lực đưa hình ảnh thiên nhiên và văn hóa Việt Nam vào để làm điểm sáng, có lẽ người xem hoàn toàn có thể trông đợi vào một tương lai đầy xán lạn của nền điện ảnh nước nhà.

Ảnh: SK Pictures

Sự tai tiếng

Sự nổi tiếng nào cũng được “đính kèm” với những rủi ro hay tai tiếng. Đặc biệt, khi khai thác về đề tài văn hóa lại càng phải cẩn trọng tìm hiểu, nghiên cứu về từng ngóc ngách của văn hóa bản địa để tránh tình trạng lai căng, truyền bá sai lệch về văn hóa. Trong bối cảnh mà chính trị xã hội trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết, việc truyền bá và phát triển văn hóa cần được chọn lọc, truyền tải chính xác đúng với tinh thần của dân tộc. 

“Xem mấy đoạn cut trên facebook thôi mà cảm giác phim coi thường người miền núi chúng tui quá” hay “xem nhẹ văn hóa dân tộc Dao”, “không hiểu gì nhưng cũng làm phim” là một trong số những phản ứng trái chiều mà “Đi giữa trời rực rỡ” nhận về. Không xét về khía cạnh diễn xuất của các nhân vật, việc khai thác trông có vẻ là hời hợt về văn hóa người Dao của đoàn làm phim chính là “đòn then chốt” khiến bộ phim nhận về cơn mưa gạch đá. Những người Dao – người gắn liền cả đời mình với bản sắc văn hóa phong phú đặc trưng của làng bản, không thể trộn lẫn cảm thấy rằng họ đang bị xúc phạm bởi những hình ảnh mà ekip quảng bá trên truyền hình. Bà Dương Thị Thanh – cộng tác viên của Viện nghiên cứu người Dao quốc tế, thuộc Đại học Kanagawa, Nhật Bản – chia sẻ với Báo Tuổi Trẻ rằng bà chỉ xem được hai tập phải bỏ vì có nhiều sai lệch về văn hóa. Với bà, người Dao có những quy tắc riêng trong vấn đề trang phục, họ sẽ chỉ mặc lễ phục trong những dịp đặc biệt như ma chay, cưới hỏi hoặc các nghi lễ đời người. Không ai mặc khi đi chăn trâu như nhân vật Pu trong phim cả.

Ảnh: SK Pictures

“Việc sử dụng lễ phục Dao đỏ trong phim làm khán giả hiểu lầm về trang phục và văn hóa của người Dao, gây phản cảm trong cộng đồng” – Tiến sĩ dân tộc học Bàn Tuấn Năng, trưởng ban đại diện nhóm Người Dao Việt Nam – Gắn kết từ bản sắc, hỏi “người Kinh bây giờ có mặc áo dài khi đi chăn trâu không?” Với các khán giả, ekip dường như đang cố “nhồi nhét” thật nhiều yếu tố văn hóa để quảng bá rằng bộ phim thật văn minh, ý nghĩa với cộp mác bản sắc được truyền thông từ phát thanh, truyền hình đến trải rộng khắp các cõi mạng. Trong khi thực chất, phim ảnh và truyền hình cần phải thể hiện được tính chân thực để mang lại cảm xúc thăng hoa nhất cho khán giả, mượn chất liệu từ đời sống để phản chiếu qua tấm gương là màn ảnh nhỏ, tái hiện lại bối cảnh từ chính cuộc đời thực.

Khi được phỏng vấn về cảm nhận khi xem bộ phim, Tiến sĩ Năng – một người Dao thứ thiệt bày tỏ rằng phim chứa quá nhiều “hạt sạn” không thể chấp nhận, hình ảnh chưa đúng với lối sống và sinh hoạt của người đồng bào. Đồng cảm với tiến sĩ, nhiều khán giả xem truyền hình, đặc biệt là người dân tộc Dao cảm thấy bức xúc về hình ảnh người Dao miền núi được thể hiện trong bộ phim. Bà Ma Thị Luyến, một người Dao cũng bày tỏ bà không thích những hình ảnh dân tộc thiểu số hay hình ảnh người miền núi bị đưa lên phim vì thường có nhiều sai lệch, hay xuất hiện sự áp đặt văn hoá.


Trong khi thực chất, phim ảnh và truyền hình cần phải thể hiện được tính chân thực để mang lại cảm xúc thăng hoa nhất cho khán giả, mượn chất liệu từ đời sống để phản chiếu qua tấm gương là màn ảnh nhỏ, tái hiện lại bối cảnh từ chính cuộc đời thực.


Bà Luyến cho rằng phim “Đi giữa trời rực rỡ” sử dụng chiếu hình ảnh lễ phục người Dao đỏ (tương tự áo dài lễ phục của người Kinh) đi chăn trâu là không phù hợp. Đồng thời, nhân vật Chải được đeo yếm nữ nhảy múa là hoàn toàn không phù hợp với thực tế. Điều này người Dao cấm kỵ lắm, nó tương tự một nhân vật nam người Kinh mặc áo ngực của phụ nữ để ra đường.

Một “case study” điển hình cho những bộ phim khai thác về văn hóa bản địa

Những tranh cãi “Đừng nghĩ cứ khoác trang phục dân tộc vào là hiểu họ” trên báo đài trở thành một “đòn đánh” đủ sức để khắc ghi của các nhà làm phim. Dẫu biết phát triển văn hóa là điều kiện cần và đủ của đời sống xã hội, “rót” thêm sắc màu hiện đại vào những giá trị truyền thống của văn hóa bản địa là cách mà các nhà làm phim đang nỗ lực để đưa đại chúng đến gần hơn với văn hóa địa phương. Thế nhưng, bên cạnh việc phát triển, ta cũng cần học cách giữ gìn và bảo tồn văn hóa.

Nhiều khán giả vẫn dành những lời có cánh cho bộ phim, bởi “Đi giữa trời rực rỡ” là phim truyền hình dành cho đại chúng với đa dạng các đối tượng xem. Vì vậy, người xem cần tập trung vào thông điệp mà phim truyền tải thay vì các chi tiết ngoài lề khác. Nhìn chung, phim vẫn truyền tải đúng với năng lượng tích cực đến thế hệ trẻ dám xông pha, dám nghĩ, dám mơ, dám thực hiện.

Ảnh: SK Pictures

Xét dưới góc độ văn hóa, những chuyên gia cho rằng đoàn làm phim cần thâm nhập sâu hơn về văn hóa bản địa của người Dao đỏ nói riêng, cũng như người miền núi hoặc dân tộc thiểu số nói chung, thoát khỏi sự chi phối của văn hóa cộng đồng để xây dựng tuyến nội dung chỉn chu cả về hình thức và ý nghĩa. Điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng đến khán giả mà còn thể hiện thái độ kính nghiệp, tôn trọng sản phẩm do chính mình làm ra mà còn thể hiện sự tôn kính đối với văn hóa của nơi mà bộ phim khắc họa. Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nói với Tuổi Trẻ “Những người làm phim cần có kiến thức dân tộc học, về văn hóa của người Việt cũng như các tộc người thì làm mới chuẩn được”, “Người ta hay mặc định những điều lên phim ảnh là thật nên việc phổ biến rộng rãi một sản phẩm giải trí phản ánh thiếu chính xác, thậm chí sai lệch về văn hóa rất nguy hiểm. Không chỉ làm mất dần bản sắc mà còn gây ly tán, nghi ngờ hoặc mâu thuẫn giữa các tộc người với nhau”. Một bộ phim khi đã nhắc về văn hóa cần phải thoát ly ra được những nhận định hạn hẹp để đào sâu vào đời sống địa phương, khai thác được những tinh hoa của cộng đồng ấy một cách chân thực nhất có thể.


Dẫu biết phát triển văn hóa là điều kiện cần và đủ của đời sống xã hội, “rót” thêm sắc màu hiện đại vào những giá trị truyền thống của văn hóa bản địa là cách mà các nhà làm phim đang nỗ lực để đưa đại chúng đến gần hơn với văn hóa địa phương. Thế nhưng, bên cạnh việc phát triển, ta cũng cần học cách giữ gìn và bảo tồn văn hóa.


Sáng tạo dựa trên sự thực tế và trung thực là tất cả những gì mà các nhà làm phim cần phải đảm bảo nếu không muốn đứa con mà mình yêu quý vấp phải những tranh cãi từ khán giả và cộng đồng. Bên cạnh sự thiếu sót mà “Đi giữa trời rực rỡ” trong vấn đề khai thác về văn hóa sinh hoạt và văn hóa truyền thống của người Dao, những người xem vẫn được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên vùng cao hùng vĩ, xanh mát với rừng núi, sông suối hoang sơ, yên bình hệt như một bức bích họa của nhân gian.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ

A WAY TO GREEN OFFICIAL là không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng  hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.