May 22, 2024
Xu hướng hội nhập với văn hóa phương Tây đã trở thành xu thế chung của Việt Nam, khi ta có thể chứng kiến rõ nét những minh chứng từ sự thay đổi của ngành công nghiệp thời trang nói chung, bởi nó không chỉ đơn thuần ám chỉ những bộ cánh độc đáo hay táo bạo của văn hóa Châu Mĩ mà còn là mô hình kinh doanh mang tính đột phá hơn của màu sắc phương Tây: garage sale.
SỰ RA ĐỜI CỦA “GARAGE SALE”
Thuật ngữ Garage sale bắt nguồn từ phong trào ở nước Mỹ xa xôi, khi các gia đình thực hiện những đợt “trùng tu” nhà cửa, hoặc chuyển sang nơi ở mới nhưng lại không muốn mang hết đồ đạc đi. Vì lẽ này, những người Mỹ thường mở cửa garage (nhà để xe) để bán vật dụng mà họ không dùng đến nữa. Theo thời gian, phong trào Garage sale trở thành nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu ở Mỹ, thậm chí, nhiều hộ gia đình trong một khu phố thường xuyên lựa chọn một ngày cuối tuần nhất định để… mở cửa garage và thanh lý toàn bộ những món đồ không cần thiết của gia đình. Theo trang thông tin Modern Australian, Garage Sale là “cánh cổng để kết nối cộng đồng”. Bởi không chỉ là những tụ điểm buôn bán đồ cũ cuối tuần, những buổi “giảm giá tại garage” trao đi cơ hội tìm hiểu, kết nối, gặp gỡ và giao lưu, bàn bạc hay chia sẻ kinh nghiệm.Trong quá trình này, họ hình thành các kết nối giúp củng cố cơ cấu xã hội của cộng đồng. Dựa trên những quan sát trong việc hình thành một nét văn hóa mang đậm màu sắc “Mỹ”, một tờ báo Mỹ xuất bản vào năm 1960 đã viết rằng “Garage sale là một nét đặc thù, một hiện tượng độc đáo của các gia đình Mỹ.”
VĂN HÓA “CŨ NGƯỜI MỚI TA” VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ CỘNG ĐỒNG
Không chỉ là dịp giúp bạn tìm được những “món hời” với giá rẻ hơn một nửa so với giá gốc, thậm chí chúng phải không phải là đồ cũ “xịn” mà là những món hoàn toàn mới nhưng lại chẳng mấy mặn mà với người chủ cũ, đây là dịp mà người dân bản địa hay đùa rằng “nuôi dưỡng văn hóa hào phóng”. Nhiều người chọn garage sale là dịp mà họ sẵn sàng cho đi nhiều hơn với những mục đích nhân đạo. Một số nơi, garage sale còn được gọi với cái tên yard sale (bán ngoài sân) hay rummage sale (bán gây quỹ từ thiện). Năm 2022, chiến dịch “Sharing is Caring” của Fashionista Châu Bùi với hoạt động garage sale, bày bán quần áo được quyên góp qua nền tảng online. Toàn bộ số tiền tiền gây quỹ thông qua hoạt động bán quần áo cũ trên ứng dụng Piktina hoặc tại Garage Sale, cũng như bán đấu giá phụ kiện đã qua sử dụng đều được chuyển đến tổ chức Blue Dragon để giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp nối vòng đời của những món đồ vẫn còn có thể tái sử dụng, garage sale là hình thức mà người bán kéo dài tuổi thọ cho vật dụng, nhằm lan tỏa những thông điệp tích cực đến môi trường và cũng là cơ hội để điểm tô cho các giá trị cộng đồng lành mạnh như từ thiện hay quyên góp.
PHONG TRÀO “ĐỔI ĐỒ – ĐỔI ĐỜI” BIẾN THỜI TRANG BỀN VỮNG THÀNH HÀNH ĐỘNG THAY VÌ KHẨU HIỆU
Bên cạnh những lợi ích mang tính nhân văn mà hình thức garage sale có thể mang lại, một trong những lợi ích chính của hình thức này là tính bền vững, thân thiện với môi trường. Nghĩ một cách đơn giản, khi “chuyển tiếp” món đồ cũ của bản thân nhưng vẫn có thể dùng được tốt cho đối tượng khác cũng là lúc vòng tuần hoàn tái sử dụng đang được kích hoạt. Dù mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam trong vài thập kỷ gần đây, hình thức garage sale, đặc biệt là đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực thời trang được yêu thích hơn bao giờ hết. Trong kỷ nguyên mà loài người ưa chuộng cụm từ “hợp thời” hơn bao giờ hết, việc chuyển tiếp trang phục cũ cho một người khác là cách mà vòng lặp thời trang đi vào quỹ đạo. Bằng cách này, thay vì thải hàng tấn quần áo cũ, lỗi mốt ra các bãi chôn lấp không kịp phân hủy, chúng sẽ được “tái sinh” với một số phận mới.
Trong bối cảnh mà thời trang được đánh giá là ngành công nghiệp sinh lời dựa trên hành vi tiêu dùng quá mức, việc mua và rồi vứt bỏ ngay sau đó của thời trang nhanh là thủ phạm của những biến đổi tiêu cực của môi trường và hệ sinh thái. Những bãi tập kết rác từ quần áo bỏ đi chưa kịp xử lý thì con số của rác thải từ quần áo liên tục tăng lên theo cấp số nhân, vô số vi sợi nhựa bị cuốn vào nước, từ các con suối đến ao hồ phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày của người dân, chúng nhanh chóng đổ ra biển cả và chiếm đoạt hệ sinh thái của những sinh vật biển vô tội. Vì vậy, việc tận dụng lại quần áo có sẵn đồng nghĩa với giảm thiểu các hành vi khai thác nguồn năng lượng không thể tái tạo, nhằm giảm thiểu phát thải và hướng tới mục tiêu xóa bỏ “dấu chân carbon”. Do đó, garage sale là phương án hiệu quả để ngăn chặn việc thải bỏ bừa bãi đồ cũ một cách vô trách nhiệm, góp phần duy trì thời đại của thời trang bền vững.
Ra đời với sứ mệnh sứ mệnh lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường và lối sống tới người trẻ khắp đất nước, dự án “Tắt đèn bật ý tưởng” được khởi xướng bởi BOOVironment (BOO + Environment), mặc dù mỗi năm là một thông điệp khác nhau về môi trường với nhiều hoạt động thú vị, garage sale luôn là hoạt động được BOO duy trì hằng năm. Nắm bắt rõ về xu hướng thần tượng hóa người nổi tiếng, BOO luôn chọn những gương mặt đại diện là những KOLs có sức ảnh hưởng lớn với lối sống lành mạnh để lan tỏa những ý nghĩa cốt lõi của dự án 15 năm. “Gian hàng thần tượng” dường như là đặc sản của Tắt đèn bật ý tưởng, khi các thần tượng “thanh lý” những bộ cánh, phụ kiện không dùng tới cùng gian hàng trải nghiệm thay đổi diện mạo cho những chiếc áo cũ. Toàn bộ lợi nhuận sẽ được “Tắt đèn Bật ý tưởng” cam kết đóng góp cho các quỹ hoạt động vì môi trường. Bằng cách này, kể cả khi có là phương thức đơn giản nhất, cũng có thể lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng, tập hợp sức mạnh trong công cuộc xanh hóa địa cầu.
Nguồn: Dosiin
—
A WAY TO GREEN OFFICIAL là không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.