September 11, 2023
Câu chuyện tại tỉnh Bình Thuận chuẩn bị khai thác khu rừng hơn 600Ha ở xã Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) để làm hồ chứa nước phát triển kinh tế, xã hội đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Được biết, chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019).
Mục tiêu dự án là cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.
Công trình khi hoàn thành nhằm cung cấp nước cho nông nghiệp (hơn 7.700 ha); khu công nghiệp Hàm Kiệm 2 (2,63 triệu m3/năm), sinh hoạt (120.000 dân), điều tiết, cắt giảm đỉnh lũ trên sông Cà Ty và điều tiết nước cho vùng hạ du gồm huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết, đồng thời cải thiện môi trường sinh thái.
Nhưng điều đáng để nói công trình có thực sự giải quyết được vấn đề cấp nước cho hơn 100.000 dân tại tỉnh Bình Thuận hay không thì cần phải xem xét. Nhưng phải chắc chắn một điều là hậu quả to lớn để lại gần như đã thể hiện ngay trước mắt.
Đến tháng 6/2023, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét. Theo đó, dự án tăng tổng mức đầu lên thành 874,089 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương là 519,927 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 354,162 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án cũng được điều chỉnh đến hết năm 2025.
Trong lần điều chỉnh này, diện tích sử dụng đất của dự án lên gần 698ha so với ban đầu (tăng gần 4,5ha so với phê duyệt ban đầu). Trong đó, đất có rừng khoảng 620ha (giảm 60,83ha) gồm đất rừng đặc dụng là 137,95ha (giảm 24,6ha), đất rừng phòng hộ là 0,51ha (giảm 0,4ha), đất rừng sản xuất là 440,4ha (giảm 30,69ha), đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72ha (giảm 5,13ha). Đồng thời đất không có rừng tăng 60,14ha và diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01ha (tăng 5,13ha).
Dự án hiện tại đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều và phản đối của cộng đồng. Vậy dự án hồ thủy lợi Ka Pét có thực sự cần thiết hay không? Tàn phá hơn 600Ha rừng để làm hồ nước có giải quyết được vấn đề thiếu nước ở Bình Thuận? Và 600Ha rừng sẽ phải đánh đổi những gì? Hay bảo vệ rừng chỉ là lãng mạn hóa lý tưởng của những anh hùng bàn phím trước tình cảnh vấn đề mưu sinh nước sinh hoạt của người dân?
Trước khi hồ Sông Móng – Ka Pét gây xôn xao dân mạng, thì đến năm 2016, huyện Hàm Thuận Nam sở hữu 14 hồ chứa nước, và đã trải qua thử thách hạn hán năm 2020. Vậy 14 cái hồ, sau 5 năm thử nghiệm qua 2 đợt hạn hán, vẫn gần 100.000 người thiếu nước sinh hoạt? Và 14 hồ đó đã thực sự phát huy vai trò chống hạn hán như nó nói không?
Đôi khi vì thương tiếc cho hơn 100.000 người dân đang thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, người đọc sẽ cảm thấy bị chùn bước không dám nghĩ đến chuyện bảo vệ khu rừng nữa. Nhưng liệu đã làm 14 hồ nhưng thêm thêm 1 hồ nữa thì liệu có tác dụng?
Lấy ví dụ điển hình hồ Biển Lạc dạo thời gian gần đây đang bị chỉ trích dữ dội khi được đầu tư hàng chục tỷ đầu vào năm 2006 rộng 1000Ha nhưng lại đang bị bỏ hoang lãng phí. UBND tỉnh Bình Thuận đã đính chính thông qua báo cáo khẳng định trước đây và đến thời điểm hiện tại hồ Biển Lạc vẫn là hồ tự nhiên lâu đời. Hiện tại hồ vẫn đang điều tiết nước khá tốt trong mùa mưa. Nhưng tại sao lại tỉnh Bình Thuận lại không tận dụng mà tại bỏ phí? Trả lời những câu hỏi trên UBND huyện Tánh Linh chỉ cho biết Lòng hồ chủ yếu là đất nông nghiệp của người dân và một ít đất ngập nước hiện UBND xã Gia An đang quản lý, không có rừng. Hồ tự nhiên “Hồ Biển Lạc” rộng nhưng không sâu, nên có vùng bán ngập lớn khoảng trên 1.000 ha.
Chúng ta đang xét trên hiện hiện tượng cực đoan là hạn hán nhưng nếu xét thêm hiện tượng lũ lụt hàng năm tại Bình Thuận thì sao?
Nếu tìm kiếm ở trên các phương tiện truyền thông, mỗi năm tỉnh Bình Thuận trải qua 1-3 đợt lũ lụt. Bài viết vào tháng 9/2022, khi có bão số 4 xảy ra và đi ngang qua nơi này. Bản tin trên báo Bình Thuận viết, “UBND huyện Hàm Thuận Nam yêu cầu UBND các xã Hàm Thạnh, Mương Mán, Hàm Mỹ, Hàm Kiệm thông báo kịp thời cho người dân trên các phương tiện truyền thanh và người dân dọc tuyến xả lũ từ các hồ chứa nước Sông Móng, Ba Bàu không lưu thông qua lại trên tuyến xã lũ trên”. Vào năm đó tỉnh Hàm Thuận Nam bị ngập lụt trên diện rộng nặng nề. Xã Tân Lập là nơi có đập Tà Mon, hồ Tân Lập. Các hồ này cũng không hề làm được chức năng điều tiết chống lũ như nó được dự tính là chống hạn giảm lũ.
Tính đến tháng 9/2023 vì mưa lớn, hồ Lòng Sông và hồ Hàm Thuận dâng cao, “mực nước hồ Hàm Thuận sẽ đạt cao trình mực nước cao nhất trước lũ 602,5 m trong ngày 2/9”. Vậy có nghĩa là ở Hàm Thuận Nam, tình trạng hạn hán xảy ra các năm 2016, 2020 là do thiên tai ở quy mô lớn. Nhưng lũ lụt thì năm nào cũng xảy ra vào mùa mưa bão. Nước thì từ thượng nguồn về ào ạt làm nước dâng lên nhanh chóng. Vườn thanh long ngập, nhà và đường phố cũng ngập. Vậy kịch bản xây thật nhiều hồ chống hạn không hề chứng minh được tác dụng của nó khi hạn hán thực sự tới, nhưng lại rất chắc chắn có thể gây ra lũ quét nếu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ở trên cao bị cạo sạch.
Tóm lại với 14 hồ chứa nước hiện tại, mùa khô thì hạn hán cạn nước, mùa mưa lớn thì lũ lụt nặng nề.
600Ha rừng để đổi lấy hồ nước – cái giá phải trả là gì?
Hồ nằm trong một phần Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên Núi Ông, và do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét quản lý và cộng đồng người Raglai sống ở đây hàng trăm năm qua.
Rừng ở Mỹ Thạnh là các loại cây gỗ quý như lim, cẩm, hương, trắc, căm xe, mun, bằng lăng. Trong vài tấm ảnh của Vnexpress là hình ảnh một cây lim đá trên 100 năm tuổi. Và để dọn dẹp chỗ làm hồ thủy lợi, “khu rừng sẽ được bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ”, theo Vnexpress.
Hàng ngàn cây lim xanh, “Mỗi cây Lim xanh trên một trăm năm tuổi có giá trị hàng trăm triệu đồng”, cũng theo trang web của Đảng bộ Tỉnh Bình Thuận định giá. Bạn có thể cùng tôi google để tìm được giá của gỗ lim vào khoảng 5 triệu đồng/m3, giá của gỗ căm xe tròn là 10-13 triệu đồng/m3, giá của gỗ hương là 18-45 triệu đồng/m3, giá của gỗ cẩm lai với tuổi thọ cao là… 80-100 triệu đồng/m3. Trong bộ ảnh của Vnexpress, người xem có thể thấy gỗ căm xe mọc dày đặc ở khu rừng này.
Đặc biệt, bài báo của Vnexpress cho biết khu rừng 600ha sắp bị phá có 137ha nằm trong khu rừng đặc dụng, và nó sẽ được đem bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ. “rừng đặc dụng là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng”
Để nhấn mạnh độ đa dạng của khu rừng sẽ bị dùng làm hồ chứa, trích lại lời của ông Phan Thái Bình (từ Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) mô tả những gì có trong khu vực rừng đặc dụng sẽ bị phá đó là “qua kết quả khảo sát 11 ô tiêu chuẩn thì đã có tới 332 cây gỗ trong khu vực hồ chứa Ka Pet thuộc 43 loài thực vật thân gỗ, 36 chi và 23 họ thực vật khác nhau. Trong đó có 2 loài trong danh mục các loài thực vật quý hiếm của sách đỏ Việt Nam; 8 loài thuộc danh mục thực vật quý hiếm theo sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Đặc biệt có những loài thuộc nhóm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng nếu không được quản lý chặt chẽ.”
Ngoài ra còn cần phải tiếp cận các khía cạnh quan trọng khác như bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu,…Nghĩa là, bằng cách nào đó, khu rừng 600Ha sắp bị phá trên, nơi có độ đa dạng sinh học, tuổi thọ, và có chức năng “phòng hộ” để chống bão lụt, lũ quét cho khu vực dân cư ngoài rừng. Cụ thể, bạn có thể tìm các bài báo để thấy huyện Hàm Thuận Nam thường xuyên có nguy cơ lũ quét.
Trên trang web của quốc hội Việt Nam, chúng ta thấy rừng trồng thay thế là cây keo lai, bạch đàn và cây giáng hương. Cũng chính các đại biểu quốc hội tự hiểu rằng các cây bên trên là “những loại cây sản xuất kinh tế, chỉ có lợi ích thu hoạch trong 3-5 năm sẽ trắng rừng, không đảm bảo cân bằng sinh thái lâu bền”.
Ba loại cây này không phải là ba loại cây chính trong khu rừng sắp bị phá mà chính trang web của Đảng bộ Hàm Thuận Nam, cán bộ bảo vệ rừng cũng như các báo liệt kê. Vậy tại sao nó có thể được gọi là “rừng trồng thay thế”? Ngoài ra, 500ha những cây này thực chất là loại cây trồng để thu hoạch (nghĩa là trồng đến lớn rồi chặt lấy gỗ đem bán), sao có thể tính vào vị trí là rừng trồng thay thế cho một khu rừng thật sẽ bị chặt sạch với hệ sinh thái và các loài sẽ bị biến mất cùng với nó?
Chung quy lại chúng ta vẫn không thể hiểu rằng, bằng phép tính nào mà Quốc Hội đủ can đảm để thông qua một dự án có sức tàn phá như thế?
Bài viết tham khảo và tổng hợp từ Báo pháp luật, tay viết Khải Đơn và VnExpress
—
A Way to Green Official – Không gian nghiên cứu và sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/ dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.