LIỆU SỢI TƠ NHỆN CÓ GIÚP “CẢI TỔ” NGÀNH THỜI TRANG

September 8, 2024

Khi nỗ lực “xanh hóa” dần trở thành xu hướng trong lối sống của công dân toàn cầu, những ngành công nghiệp vốn mang danh là “kẻ hủy diệt môi trường” lần nữa sống lại với một cuộc đời mới, khởi đầu cho sự ra đời của những vật liệu bền vững thay thế cho nguyên liệu có nguồn gốc từ dầu mỏ. Đây cũng chính là thời điểm mà ngành công nghiệp thời trang cần có nhiều đổi mới trong hoạt động cải cách, nhằm thực hiện các cam kết xanh bằng việc sáng tạo nhiều nguyên vật liệu bền vững hơn, ý thức hơn. 

Đối mặt với nhiều yêu cầu mà yếu tố bền vững đòi hỏi, ngành công nghiệp thời trang không ngừng nỗ lực sáng chế ra những nguyên vật liệu thay thế polyester tổng hợp hay sợi cotton tốn đến hàng tấn lượng hóa chất, lần lượt sợi tơ lụa, sợi linen, sợi gai dầu, vải sợi dứa, sợi tre và các thành phần thiên nhiên khác được áp dụng trong may mặc ra đời. Để chấm dứt sự tàn phá của rác thải thời trang, ngành công nghiệp tạo ra 2,1 tỷ tấn CO2 mỗi năm này cần giảm thiểu tối đa các loại vải sợi tổng hợp. Có lẽ, đó chính là động lực thôi thúc để một loại nguyên liệu bền vững mới xuất hiện – tơ nhện, điều được dự đoán sẽ trở thành tương lai của ngành dệt may. 

Không quá phổ biến, lại chưa từng được đưa vào dây chuyền sản xuất hàng loạt, thế nhưng, tơ nhện lại được giới chuyên gia đánh giá là một nguyên liệu tiềm năng mới cho ngành công nghiệp thời trang vốn đang nỗ lực xanh hóa. Mong manh và trông có vẻ yếu ớt, tơ nhện lại có sức bền gấp 5 lần thép, điều mà người Hy Lạp cổ đại đã công nhận từ thuở xa xưa. Thế nhưng, cho đến ngày nay, những giá trị ẩn dấu của tơ nhện mới được giới khoa học khám phá và khai thác. Theo Business of Fashion, các chuyên gia gần đây nhận định rằng ngành công nghiệp thời trang có thể kỳ vọng vào sự ra đời của một loại sợi vải trong tương lai, đa năng như sợi tổng hợp, với giá thành hợp lý, chất lượng cao và có khả năng tự phân hủy.

Tơ nhện được đánh giá là có chất lượng cao hơn tơ tằm truyền thống, dẻo dai hơn, bền hơn, nhưng cũng khó để chế tác hơn. Ước tính cần 15 con tằm cần mẫn chăm chỉ để tạo ra khoảng 30g sợi tơ. Trong khi đó, ta phải cần đến 23.000 con nhện nhả tơ liên tục trong nhiều giờ để thu về 30g sợi, bởi nhện chỉ nhả vài miligam tơ mỗi ngày. Việc nuôi tằm cũng được cho là dễ dàng để lấy sợi hơn khi chỉ cần đưa chúng vào một môi trường khép kín, cho chúng ăn và ngủ để những con tằm tự giác làm việc và cho sợi. Ngược lại, những con nhện máu lạnh thuộc bộ động vật săn mồi, sẽ tàn sát đồng loại cùng đặc tính chỉ nhả một lượng rất ít tơ trong ngày. Sự kiêu kỳ, khó tính của tơ nhện khiến cho loại vật liệu này trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn, không phù hợp để đưa vào kinh doanh theo số lượng. Đứng trước những yêu cầu về nguyên liệu bền vững, sự khó khăn trong việc nâng cấp và sản xuất ở quy mô công nghiệp, cùng sự cộng hưởng từ sự tiến bộ của khoa học công nghệ, những nghiên cứu về sáng chế tơ nhân tạo dựa trên sự mô phỏng từ những tính năng của tơ nhện tự nhiên.

Spiber Inc – một công ty khởi nghiệp từ Nhật Bản đã đưa phương pháp sản xuất sợi vải gốc protein thành những sản phẩm thời trang. Đối với tơ nhện, công ty này khai thác vi khuẩn e.Coli – vi khuẩn sản sinh protein tương tự như trong tơ nhện tự nhiên, lấy tên là sợi Brewed Protein. Đại diện công ty, anh Oliver Syed chia sẻ rằng thế hệ nguyên liệu tơ nhện đầu tiên rất khó nâng cấp và sản xuất ở quy mô công nghiệp, vì vậy việc nghiên cứu và sáng tạo ra sợi Brewed Protein (được chế tác từ quá trình lên men tự nhiên) là một bước tiến mới đối với ngành công nghiệp thời trang bền vững. Công nghệ này có thể được sử dụng để sản xuất nhiều loại sợi và vải dệt với các đặc tính đặc biệt như bóng mượt và mềm như cashmere hoặc có khả năng hút ẩm và điều chỉnh nhiệt như len. Tương tự như các loại sợi tự nhiên khác, sợi Brewed Protein hoàn toàn có thể tái tạo, phân hủy sinh học và nó có thể giảm lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất, đồng thời mang lại cơ hội để nghiên cứu các chức năng khác với chi phí cạnh tranh.

Ảnh: Spiber

Năm 2019, Spiber Inc cho ra mắt những chiếc áo khoác ấm “mặt trăng” trong bộ sưu tập Moon Parka kết hợp cùng The North Face. Lớp áo ngoài cùng được Spiber cung cấp sợi protein và dệt bởi công ty Goldwin. Màu vàng kem đặc trưng của áo được mô phỏng theo màu sắc của tơ nhện cầu vàng Nephila cùng tính năng phân huỷ tự nhiên của sợi Brewed Protein được giữ nguyên trên bề mặt vải. Theo miêu tả của hãng, 50 chiếc áo Moon Parka đều được trải qua quá trình cán màng chống thấm nước/thoáng khí, mang lại khả năng bảo vệ khỏi các tác nhân bên ngoài và mang đến mức độ thoải mái vượt trội cho người mặc.

Ảnh: Spiber

Cũng làm từ loại sợi Brewed Protein đặc trưng, Spiber cho ra mắt những chiếc áo len bền vững, hợp tác với thương hiệu đồ trượt tuyết Nhật Bản Goldwin. Sản phẩm áo len với cái tên “The Sweater” là sự kết hợp giữa sợi protein và sợi len để tạo nên một kết cấu hoàn toàn mới, với những trải nghiệm vượt xa sự mong đợi của khách hàng. “The Sweater” cổ điển này dựa trên phong cách thiết kế tinh tế và tối giản của Goldwin, một công ty có lịch sử lâu đời trong lĩnh vực trang phục trượt tuyết. Chiếc áo này thể hiện phong cách sản xuất bền vững mới, kết hợp các vật liệu từ thế giới tự nhiên với Brewed Protein.”

Ảnh: Spiber

Trở lại với năm 2024, làng mốt thế giới được chiêm ngưỡng bộ sưu tập độc đáo được làm từ sợi Brewed Protein, đánh dấu cho kỷ nguyên của thời trang bền vững dưới bàn tay nghệ thuật của nhà thiết kế Yuima Nakazato. UTAKATA Haute Couture Xuân/Hè 2024 chính thức được liên kết với vở opera Idomeneo, ra mắt lần đầu tại nhà hát lớn Théâtre de Genève1 ở Thụy Sĩ vào ngày 21 tháng 2 năm 2024.

Ảnh: Yuima Nakazato

Bộ sưu tập này có tổng cộng tám kiểu dáng sử dụng sợi Brewed Protein™: ba trong số đó là áo khoác và một chiếc váy sử dụng sợi làm từ 15% sợi Brewed Protein™ và 85% len; hai chiếc áo cánh sử dụng công nghệ Biosmocking nguyên bản của YUIMA NAKAZATO, cho phép các nhà thiết kế tự do biến đổi hình dạng của vải thông qua chế tạo kỹ thuật số; và ba kiểu dáng bao gồm áo khoác và quần sử dụng vải denim nhuộm mực sumi, mỗi loại được làm bằng vải có sợi dọc 100% cotton hữu cơ và sợi ngang sử dụng hỗn hợp 10% sợi Brewed Protein™ và 90% cotton hữu cơ. Đây là lần đầu tiên các mặt hàng denim sử dụng sợi Brewed Protein™ được trưng bày tại một buổi trình diễn thời trang cao cấp, và lớp lót của áo khoác được làm bằng vải organdy lụa in hình áo giáp đóng vai trò là biểu tượng của bộ sưu tập và phản ánh chủ đề về sức mạnh, sự mong manh và mong muốn hòa bình.

Nguồn: L’OFFICIEL, vneconomy, Spiber

A WAY TO GREEN OFFICIAL là không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng  hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.