“LO CHUYỆN BAO ĐỒNG” – CÂU CHUYỆN DỌN RÁC MUÔN THUỞ CỦA CÁC DỰ ÁN CỘNG ĐỒNG

May 25, 2024

“Rảnh hơi”, “lo chuyện bao đồng”, “khôn nhà dại chợ”… và ti tỉ những lời chê trách, đánh giá khác vẫn được thốt ra hằng ngày trên khắp các diễn đàn, dưới những tin bài về các đội tình nguyện dọn rác, trồng rừng với mục đích phủ xanh địa cầu. Thế nhưng, với họ, việc “vô công rỗi nghề” đó nếu có thể khiến cho những dòng kênh đen kịt bởi chất thải được thông thoáng, những bãi tập kết rác được dọn dẹp sạch sẽ, những đồi trọc được phủ xanh thì chúng cũng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Kể cả khi, sức khỏe của họ có bị đe dọa, thời gian nghỉ ngơi bị rút ngắn đáng kể hay thậm chí phải hứng chịu vô số lời chỉ trích, thì việc “lo chuyện bao đồng” chưa bao giờ dập tắt đi nụ cười của những con người cao cả này.

BỨC TRANH HIỆN THỰC

Có lẽ, chỉ khi thực sự bắt tay vào dọn rác, ta mới tưởng tượng ra được mức độ kinh khủng về sự tàn phá của loài người khi nỗ lực “bức tử môi trường”. Từ ngõ nhỏ đến đường lớn, trong miệng cống và ẩn mình trong công viên, không nơi nào là thiếu rác. Ước tính, trong các bãi tập kết rác chứa hơn 80 – 90% rác thải nhựa, nylon, hộp xốp dùng một lần khó phân hủy, gây hại cho môi trường. Với thói quen tiêu dùng “Nhanh – Rẻ – Tiện” của hầu hết nhiều người, 300 triệu tấn rác bị vứt bỏ ra môi trường hằng năm nhưng không được xử lý đúng quy trình. Cá biệt hơn, Việt Nam lại là một trong số những quốc gia đứng top đầu về tiêu thụ nhựa và vứt bỏ chúng một cách bừa bãi, không phân loại, không xử lý. Trong 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được đổ xuống biển như một cách để tiêu hủy chúng khỏi tầm mắt của con người, chỉ có khoảng 14% rác thải được thu gom và phân loại.

Nhiều người lo lắng khi phải đếm ngược từng ngày hệ sinh thái bị diệt vong, nhưng cũng có những kẻ thờ ơ, để sợ hãi nhất thời trôi vào dĩ vãng kể cả khi phải sống dở, chết dở giữa biển rác chốn thành thị. Vô số nỗ lực của những tổ chức, cá nhân dần trở nên vô nghĩa, khi lượng rác thải bị “tuồn” ra môi trường hằng ngày tăng lên theo cấp số nhân nhưng lại không đủ đơn vị để phân loại và xử lý khối lượng rác khổng lồ ấy. Rác tràn lan khắp mọi nơi, những con hẻm và đường phố lớn, nơi cống rãnh hoặc dưới cả những gốc cây bốc lên mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống và môi trường tự nhiên. Thành phố chưa bao giờ hết rác!

NHỮNG LỜI CHỈ TRÍCH 

Mua một chai nước, uống đến giọt cuối cùng, khi ấy ta nghiễm nhiên cho rằng chai nước đã hết tác dụng và kết thúc vòng đời của nó vào những sọt rác mà chẳng phân loại. Mang túi rác ra đường, để chúng kế bên cột điện, mặc kệ vô số loại rác thải lẫn vào nhau, nước bẩn chảy trên mặt đường, chỉ cần túi rác không còn ở trong nhà thì nó hẳn trở thành trách nhiệm của những người thu gom rác. Có lẽ, tư duy đùn đẩy và thiếu trách nhiệm của loài người là nguyên do gây ra ô nhiễm không thể chấm dứt, thậm chí, còn tồi tệ hơn qua từng năm. Không chỉ rác thải nhựa, thức ăn thừa, thành phần thải ra khí metan (CH4) gây nên hiệu ứng nhà kính mà dường như chẳng ai để tâm đến cũng được thải ra một cách “vô tội vạ”. Cuộc sống càng hiện đại bao nhiêu, con người càng đến gần với sự diệt vong bấy nhiêu.

Bạn liệu có chịu cảnh sống chung với rác thải?

Bạn liệu có đủ dũng cảm để chứng kiến sự sống của sinh vật được đưa lên bàn cân?

Bạn liệu có chấp nhận bệnh tật bào mòn cơ thể vì ô nhiễm?

Với nhiều người trẻ, “sống xanh” không chỉ là việc trồng nhiều cây xanh, ăn thuần chay, gom rác hay dọn sạch đại dương. Việc sống xanh chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó có thể thay đổi tư duy, thói quen và cách sống của con người trở nên lành mạnh hơn, thân thiện với môi trường hơn. Vậy nên, không phải tất cả mọi điều xấu xí nhất đều ở bãi rác, bởi ở nơi đó là những bàn tay diệu kỳ mang đến một sức sống mới.

Hàng loạt những dự án cộng đồng ra đời như Sài Gòn Xanh, Hà Nội Xanh, WWF Vietnam, Việt Nam Sạch và Xanh… hay cá nhân như anh Tố dọn rác với mục đích bảo vệ môi trường, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay vì hành tinh xanh. Những phong trào hành động cũng theo sức nóng của lối sống xanh mà lần lượt xuất hiện. Năm 2019, khi phong trào dọn rác trên đà nở rộ, trào lưu “Challenge for Change” – Thử thách để thay đổi ra đời, buộc những người tham gia phải hành động thật, lao ra đường và dọn rác, thử thách sức bền của bản thân để trả lại vẻ xanh tươi cho môi trường. Thế nhưng, ngược lại với sự cống hiến và hy sinh vì cộng đồng, những chỉ trích, thỏa mạ vẫn tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. Đắm mình dưới những dòng kênh đen đầy vi khuẩn, ở những bãi rác ô nhiễm đầy rẫy kim tiêm và dịch bệnh nhằm trả lại sự xanh trong cho tự nhiên để nhận lại nhận xét tiêu cực “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Không thể phủ nhận hoàn toàn góc nhìn của những bình luận tiêu cực, khi ta có thể nhận thấy rõ thực tế là những dòng kênh, bãi tập kết rác được dọn sạch trước đó nhanh chóng bị phủ kín rác, trở lại với hiện trạng ban đầu chỉ sau một thời gian ngắn ngủi. Một minh chứng rõ nét hơn, gần đây nhất, kênh Nước Đen tọa lạc tại quận Bình Tân, nơi đã được cải tạo với kinh phí 629 tỷ đồng cách đây hai năm đã quay trở lại tình trạng ô nhiễm đáng báo động. Hầu hết, các dự án dọn rác cộng đồng chỉ mang lại hiệu quả nhất thời, thiếu đi tính lâu dài hay giải quyết được các vấn đề gốc rễ. Đồng thời, các tổ chức, dự án này đều mang tính phát sinh thay vì được hỗ trợ và phối hợp từ chính quyền, khiến cho tính hiệu quả của các dự án không cao.

Thế nhưng, lý do lớn nhất khiến cho các dự án dọn rác vì cộng đồng không thể tồn tại lâu dài là bởi ý thức của người dân. Khái niệm “rác” vẫn luôn được gán ghép với những định nghĩa về sự xấu xí, tiêu cực và dơ bẩn. Xuất phát từ mặt ngữ nghĩa, định kiến về việc dọn rác vẫn không thoát khỏi vòng lặp của tư tưởng cũ. Người ta ngán ngẩm với những phong trào mọc lên như nấm, hàng trăm hashtag trên mạng xã hội chỉ để chứng tỏ cho những nỗ lực ảo. Sau đó, đâu lại vào đấy, 8 tỷ người dân vẫn phải chịu cực hình trước cảnh sống chung với rác thải.

CƠ HỘI NÀO ĐỂ LAN TỎA CÁC GIÁ TRỊ CỘNG ĐỒNG?

Dẫu biết hành trình “diệt trừ” rác thải cần nỗ lực hơn rất nhiều, sự góp sức của cá nhân chỉ đủ mạnh khi có sự ủng hộ của cả cộng đồng và chính phủ thì nỗ lực bền bỉ xanh hóa Trái Đất của những dự án vẫn đáng được tôn vinh. Với những tàn phá mà con người gây ra, việc phục hồi trạng thái nguyên bản của tự nhiên tỷ lệ thuận với mức độ ô nhiễm, khó nhằn và cần nhiều cố gắng. Những nhà môi trường, những tình nguyện viên và những cá nhân dành tình yêu đặc biệt cho môi trường phải đối mặt với viêm nhiễm và dị ứng khi tiếp xúc với chất bẩn, kim tiêm và vô số vật sắc nhọn.

Nhưng ai sẽ là người thực hiện nếu chúng ta cứ mãi từ chối và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau?

Vì cuộc đời còn lắm góc khuất, và nghĩa vụ của con người là làm đẹp cho đời. Đời chỉ đẹp khi chất lượng cuộc sống của con người thăng hoa và những nơi ngập trong rác thải trước kia được trả lại vẻ đẹp nguyên sơ, tinh khôi ban đầu. Tất cả bắt đầu từ nhận thức và hành động, nhận thức để tư duy và hành động để thay đổi thế giới.

Bởi con người có thể mơ nên mình có thể thiết kế giấc mơ của mình, bởi con người được phép hành động dựa trên tư duy nên mình hoàn toàn có thể biến những giấc mơ viển vông thành hiện thực. Với những bạn trẻ, những người dám mơ lớn, dám thực hiện, hoàn toàn có thể gặp mặt nhau, bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất để bảo vệ môi trường. Vì loài người không thể sống thiếu đi tự nhiên, vậy nên mỗi cá nhân cần nuôi dưỡng trách nhiệm với môi trường sống, trước khi sự sống của loài người bị xóa sổ hoàn toàn trong khi lượng rác thải vẫn tồn tại mãi mãi.

Nếu không mơ, không hành động từ bây giờ thì sẽ là bao giờ? Bao giờ con người mới thôi khỏi lo sợ trước sự “bành trướng” của rác thải? Và khi nào cuộc đời sẽ trở nên tươi đẹp hơn, xanh trong hơn?

Câu hỏi này dành cho tất cả mọi người, không chỉ riêng những người trẻ, những người dám mơ và dám hành động để trả lại vẻ đẹp nguyên bản cho môi trường sống.

A WAY TO GREEN OFFICIAL là không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.