NGƯỜI ĐÀN ÔNG TÁI SINH RÁC THẢI NHỰA 

June 14, 2024

Rác thải sẽ kết thúc vòng đời của mình khi loài người bắt đầu gọi nó là “rác thải”, hay còn cơ hội nào khác để chúng được “cải tử hoàn sinh”? Có thể, điểm kết thúc lại là nơi bắt đầu cho một sự sống mới tươi đẹp, đầy hy vọng hơn. Đó là câu chuyện của họa sĩ Dân “khùng” với xưởng nghệ thuật tái sinh, nơi rác thải – thứ mà con người luôn cảm thấy sợ hãi, ghét bỏ được sống lại với một hình hài mới, với những câu chuyện về môi trường và văn hóa ở một góc nhìn khác. 

Nhà cho những “thứ bị bỏ đi” trở về

Gần 4 năm kể từ khi “Xưởng tái sinh từ đó” của họa sĩ Nguyễn Quốc Dân ra đời, nơi được kết tinh từ tình yêu nghệ thuật bền vững và niềm đam mê hội họa mãnh liệt. Lớn lên từ những ngày tháng cơ cực, nay đây mai đó với người mẹ nghèo, kết bạn với phế liệu và những món đồ cũ hỏng ở bãi tập kết rác – là “cần câu cơm” của người họa sĩ trẻ từ những ngày thơ bé, anh Dân gắn bó cả tuổi thơ mình với bãi phế liệu ngỡ tưởng như cũ kỹ, tăm tối nhưng lại là nơi ngập tràn ánh sáng, bắt đầu cho một sự sống mới tràn đầy hơn. Có lẽ bắt đầu từ cái duyên, nhưng cái duyên này không phải ai cũng hãnh diện có được. Mái tôn hỏng, sắt thép rỉ, vỏ chai nhựa, gỗ mục hay lưới đánh cá dường như có sợi dây liên kết vô hình với người họa sĩ “điên”, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các tác phẩm điên rồ nhất, độc đáo nhất, nhưng cũng ẩn chứa nhiều câu chuyện nhân văn nhất.

Không gian bên trong “xưởng tái sinh” với các tác phẩm tái chế từ phế liệu – Ảnh: Duy Thanh

Năm 2020, anh Dân quyết định xây dựng cho mình một đế chế riêng, một lâu đài phế liệu với cái tên “xưởng tái sinh” trên khu đất rộng hơn nghìn mét vuông ở Hội An, vùng đất đầy cổ kính và nhiệm màu. “Mảnh đất Hội An này hay lắm, rất nhiều điều độc đáo và mình trở về cũng mong muốn đóng góp cho quê hương một điều độc đáo bắt đầu từ những thứ bỏ đi”, họa sĩ Nguyễn Quốc Dân chia sẻ. Tình yêu quê hương, yêu môi trường và khao khát cống hiến mình cho nghệ thuật níu giữ đôi chân lang thang khắp chốn của họa sĩ Dân trở về và ở lại với Hội An sau nhiều ngày tháng rong ruổi vì “cơm áo gạo tiền” nơi Sài Gòn hoa lệ. 

Nghệ thuật chưa bao giờ có ranh giới, cũng chưa một ai đủ “thông thạo” để đặt ra ranh giới cho nghệ thuật. Nghệ thuật càng điên rồ thì càng vô biên, nó không có điểm dừng, không có giới hạn. Nó chỉ có tình yêu và mong ước mãnh liệt được nuôi dưỡng và thai nghén bởi trái tim người nghệ sĩ. Phải chăng, đó cũng chính là khởi nguồn cho trường phái nghệ thuật “kỳ lạ” của họa sĩ Nguyễn Quốc Dân, đã biến đứa trẻ bụi đời sống với phế liệu vô dụng trở thành một họa sĩ tài hoa. Pha trộn một chút trừu tượng, một chút tả thực, anh Dân định nghĩa trường phái của riêng mình – “trường phái nghệ thuật bền vững”, với câu chuyện tái sinh đằng sau đó, những giá trị về sự sống, về văn hóa bản địa và nỗ lực lan tỏa tinh thần tái sinh đến cộng đồng trong và ngoài nước. “Hồi nhỏ mình lang thang sống ở những bãi rác, hằng ngày móc bọc lượm rác mưu sinh. Xưa, phế liệu giúp mẹ con mình đắp đổi mưu sinh, thậm chí sống bên bãi rác và rồi nó “ám” vào tâm tưởng, thành chất liệu để sáng tạo nghệ thuật”, anh chia sẻ.

Giếng trời tượng trưng cho mặt trời được thiết kế bởi họa sĩ Nguyễn Quốc Dân – Ảnh: Báo Quảng Nam
Không gian đầy choáng ngợp và kì diệu của “Xưởng tái sinh” hệt như một bảo tàng kiến trúc tái sinh với nhiều đường nét độc đáo – Ảnh: Báo Quảng Nam

Nếu con người có nhà để trở về, có cơm nóng đợi bàn sau ngày dài mỏi mệt, có người thương ngóng trông đợi cửa, vậy tại sao rác thải lại không? Mỗi ngày, chỉ riêng Việt Nam, đã có đến 60 nghìn tấn rác thải ra môi trường. Chúng nằm trên mặt đất chờ đợi hàng trăm, hàng nghìn năm để được phân hủy, ngấm xuống mạch nước ngầm và gây ô nhiễm nguồn nước, ngấm vào đất và phá hủy hệ sinh thái. Khi trở nên vô dụng, chúng được loài người ban hành bản án tử hình. Vậy tại sao không cho chúng một cơ hội khác, tái sinh chúng với một hình hài mới, công dụng mới thân thiện hơn, bền vững hơn? 

Hành trình hồi sinh từ tro tàn

“Các tác phẩm liên quan đến đèn, liên quan đến những điều sáng sủa, tôi nghĩ rằng bản thân mình rất tâm đắc thay vì bỏ đi, bởi chúng lại thắp sáng”. Sinh ra từ nghèo khó và thiếu thốn, anh Dân chưa bao giờ nghĩ bãi phế liệu, nơi chứng kiến sự trưởng thành của anh lại là một điểm tối trong cuộc đời mình. Với anh, rác thải không chỉ là “rác” khi con người biết cách trao sự sống cho chúng. Như bộ phim công chúa Disney đình đám một thời – Người đẹp và quái vật, tách trà, ấm nước, đèn nến hay tủ không chỉ là những vật dụng vô tri, chúng đều có sự sống, có ý nghĩa riêng, có câu chuyện của bản thân mà ta cần phải dành nhiều giờ để ngẫm nghĩ, suy tư hay trăn trở. Đó là động lực mà không gian nghệ thuật “độc lạ” – xưởng tái sinh được ra đời. tạo nên từ rác thải với niềm khao khát được sáng tạo nghệ thuật từ việc “hồi sinh” phế liệu từ đống tro tàn. 

Trung tâm của xưởng là giếng trời tròn được bao quanh bởi lớp mái tôn cũ kỹ, nơi đón nhận toàn bộ ánh sáng, tượng trưng cho năng lượng mạnh mẽ của mặt trời. Theo chia sẻ của họa sĩ, chiếc cổng chính ra vào hình tròn được xây dựng với dụng ý đặc biệt, đại diện cho mặt trăng của trời đêm. “Chính vũ trụ đó, mặt trời có nhà để về, mặt trăng cũng có nhà để về”. Mọi vật đều tồn tại trong vũ trụ, vậy nên tất cả đều quan trọng như nhau. Bước vào không gian bên trong, ta như bị choáng ngợp bởi sự độc đáo, lạ thường của những vật dụng cũ trong một hình dáng mới, sống động hơn, nhân văn hơn. Toàn bộ tác phẩm nghệ thuật để đời ở đây được sinh ra từ chính những phế liệu bỏ đi. Những chiếc thùng rỗng được cắt tỉa nghệ thuật thành chiếc lồng đèn khổng lồ lơ lửng trên không hay những con ma-nơ-canh không đầu được sơn đỏ, xanh, trắng đứng trang nghiêm, đội chiếc nón được cắt xẻ từ chiếc mâm nhôm, nắp xoong bỏ đi có một không hai, mặt nạ bằng gỗ, nhà vệ sinh bằng bồn nước phế liệu, chiếc máy tuốt lúa hư hỏng tạo hình thành tác phẩm nghệ thuật… Trong không gian kì diệu ấy, gần như mọi đồ dùng nội thất đều tái sinh từ phế liệu, kể cả bộ đồ và những thứ anh mang trên người cũng làm từ phế liệu, hay chiếc túi đeo bên hông độc nhất vô nhị cũng được làm từ mảnh lưới đánh cá và vỏ chai nhựa. Gần đây nhất, công trình “Tháp tái sinh” với các khung sắt được xếp thành nhiều tầng để khách tham quan khi đến đây sẽ tự mình ném một phế liệu nhựa vào bên trong. Anh Dân mong muốn, với mỗi khách hàng đến thăm quan, sự tức giận của họ theo những cú ném trở thành hư vô, vừa để bảo vệ môi trường, vừa mang đến nguồn cảm hứng mới cho anh. “Tháp tái sinh” là tác phẩm mang ý niệm nơi vật liệu nhựa phế liệu “chờ” được dang rộng thêm đôi cánh hóa thân thành những cánh chim, được một lần nữa “tái sinh” và được tung bay trên bầu trời cao rộng. Đây cũng là công trình mà họa sĩ tâm đắc nhất trong năm nay.

Nồi niêu xoong chảo “biến hình” – Ảnh: Tuổi trẻ online

Là “khách mối” của những người buôn phế liệu, những gì mà mọi người xung quanh thấy ở anh Dân là một người đàn ông kỳ lạ, lúi húi ở các bãi phế liệu bất kể ngày đêm, lượm nhặt từng vỏ lon, hộp sữa, từng mảnh thép cũ đem về cưa xẻ, đục đẽo. “Hàng xóm thắc mắc, chẳng biết tui có “khùng” không, học đại học mỹ thuật ra không đi vẽ kiếm tiền lại cứ quẩn quanh với phế liệu cả ngày làm chi?” – Anh Dân cười hiền, nhưng những ánh nhìn nghi hoặc ấy chưa bao giờ ngăn cản anh trên hành trình sáng tạo nghệ thuật. Mỗi tác phẩm của anh là  một chất liệu khác nhau, phương thức tái chế khác nhau, chứa đựng ẩn ý nghệ thuật khác nhau nhưng đều mang thông điệp hướng tới môi trường. Tuy nhiên, cái sự “điên” mà mọi người dè chừng phải được giao thoa với lòng kiên nhẫn và tình yêu vô biên với môi trường, kết hợp với một bộ óc mở, yêu khám phá, học hỏi và tìm tòi. “Phế liệu thì vô số loại, nên muốn tạo sự đột biến trong trường phái này không dễ. Giống như đi khai phá các vùng đất mới vậy, khó khăn lớn nhất là giai đoạn đầu. Ngoài kinh tế thì tìm kiếm cảm xúc là thứ khó nhất. Nhưng, với tôi, cảm xúc ấy xuất phát từ chính tình yêu của tôi với rác, với môi trường rồi. Vì thế, khi bắt tay vào làm, tôi mới có thể áp dụng kiến thức học thuật của mình một cách tốt nhất. Không có tình yêu với đối tượng đó thì làm gì cũng khó. Phải có cả tình yêu lẫn học thuật mới thành”.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân và trang phục được làm hoàn toàn thủ công – Ảnh: Duy Thanh

Không chỉ về không gian, cái “xanh” của họa sĩ Nguyễn Quốc Dân còn được thể hiện qua trang phục. Được nuôi dưỡng từ những bộ quần áo cũ, ở tuổi trưởng thành, anh vẫn diện lên mình những bộ trang phục “secondhand” cùng những họa tiết do mẹ anh thêu ngẫu hứng. Anh Huỳnh Viên, một trong 3 cộng sự đặc biệt mà họa sĩ Nguyễn Quốc Dân luôn nhắc đến cùng mẹ và vợ, cũng khẳng định: “Anh Dân từng nói, khi nào con người hết xả rác thì anh ấy mới hết lan tỏa. Anh luôn có những ý tưởng rất độc đáo. Anh mê mẩn công việc gắn với phế liệu thế này lắm, luôn miệt mài và hết lòng vì chúng. Tôi cũng cảm nhận được giá trị mà anh hướng tới nên luôn muốn đồng hành cùng anh”.

Tất cả xuất phát từ trái tim và tâm hồn

Nghệ thuật và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm. Được thai nghén từ trí tưởng tượng của con người, tuy nhiên, không phải vì thế mà nghệ thuật tách rời hoàn toàn khỏi cuộc sống và tự nhiên. Xuất phát từ tình yêu vô bờ với thiên nhiên và môi trường, những “đứa con” của họa sĩ Dân bao giờ cũng thể hiện một tình yêu tràn đầy với tự nhiên, từ đường nét cho đến thiết kế, tất cả đều được lấy cảm hứng từ vạn vật trong vũ trụ nhiệm màu.

“Lúc đầu bước vào, tôi tưởng đây là một căn nhà bỏ hoang, nhưng không, càng vào bên trong như mở ra một thế giới khác. Xung quanh toàn đồ tái chế nhưng có một sự liên kết, nghệ thuật đến kỳ lạ. Tôi thích nhất là trải nghiệm ở “Tháp tái sinh”. Nó làm tôi cảm giác mình vừa làm một điều gì đó rất ý nghĩa”

Đó là lời chia sẻ của chị Trương Thúy Bình, một du khách đến từ TPHCM. “Tôi đến đây được học vẽ, học làm những sản phẩm từ vỏ chai nhựa trong một không gian tuyệt đẹp và đầy nghệ thuật. Những trải nghiệm ở đây làm tôi nhận ra con người có sự ảnh hưởng đến môi trường nhiều như thế nào. Thật sự, Việt Nam có những nơi độc lạ khiến tôi không thể tưởng” – anh Ivan Gainulin đến từ Nga hào hứng bày tỏ. Trường phái nghệ thuật kỳ lạ “trường phái nghệ thuật đứt gãy” được tập hợp những sự đứt gãy, chắp nối, sự bỏ rơi hay ruồng rẫy… Tất cả điều quyến rũ đó đã thu hút nhiều du khách đổ về để chiêm ngưỡng tòa lâu đài phế liệu độc bản này, hệt như tòa lâu đài di động của Howl. Đặc biệt hơn, mọi du khách đều được góp sức vào công đoạn chế tác, tạo hình những tác phẩm từ rác thải tái chế.

Mỗi tác phẩm là một câu chuyện riêng của chính nghệ sĩ và người tham quan, nơi để mọi người chiêm nghiệm “sự không ranh giới” của nghệ thuật – Ảnh: Báo Quảng Nam

“Như đã nói, tôi bắt đầu làm không phải vì tiền, tôi chỉ kiếm tiền để duy trì chứ không phải kiếm lợi nhuận, nên không định giá chúng bằng công sức của mình mà bằng cái tâm của người mua. Những thành phẩm làm từ những thứ bỏ đi thì khi con người muốn nhận lại nó ở một hình hài khác phải có cách nhìn nhận và trân trọng khác. Như hiện nay, mô hình “Tháp tái sinh” đã có 2 đơn vị ngỏ lời hợp tác nhưng tôi vẫn suy xét vì muốn biết giá trị thực mà họ hướng tới. Nếu họ chỉ muốn quảng cáo thì tôi từ chối ngay”, được thai nghén từ cái tâm và cái tầm của người nghệ sĩ, anh Dân – một người nghệ sĩ chân chính chưa bao giờ xem những đứa con đắt giá do mình tạo ra là công cụ kiếm tiền. “Tôi mong muốn mỗi tỉnh nhà sẽ có một bảo tàng tái sinh, kể được câu chuyện hành trình của nhựa tái sinh. Để con em những thế hệ sau ý thức được những việc chúng ta làm tác động đến môi trường xấu như thế nào mà khắc phục”. Đối mặt với hiện thực tàn khốc khi phải chứng kiến sự lụi tàn của tự nhiên do bàn tay con người gây ra, anh Dân tìm về với bản chất bên trong, với giá trị tự nhiên của cội nguồn để từ đó gửi gắm những lá thư, những lời nhắn nhủ cho đời, kêu gọi hành động để trả lại mảng xanh cho địa cầu. 

“Cảm ơn những thứ bỏ đi đã nuôi lớn cuộc đời mình, để nhìn lại cuộc đời mình thấy thật giá trị. Quan trọng nhất là chúng ta chậm lại một chút, chúng ta nhìn ngắm một chút, chúng ta có nỗ lực một chút, có một trái tim bao la hơn để chúng ta nhìn nhận, sẽ rất hay nếu như bạn này dùng lại thứ này thì sẽ trở nên hay hơn”.

Có lẽ, những gì ta cần là một tấm lòng biết ơn vô bờ, một trái tim dũng cảm vượt qua nghịch cảnh, một tâm hồn hòa điệu với thiên nhiên và, khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành những người hùng, định hướng mọi người đến một cuộc đời tươi đẹp hơn.

Nguồn: Tuổi trẻ thủ đô, Công an Nhân dân, VTV

A WAY TO GREEN OFFICIAL là không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.