October 26, 2023
Cơ hội nâng cấp bản thân trong xu hướng tiêu dùng xanh là miếng mồi béo bở cho các doanh nghiệp trong định hướng phát triển bền vững, nhưng đồng thời, vẫn còn vô vàn những khó khăn mà họ buộc phải đối mặt trên thương trường đầy khốc liệt.
Bền vững, mở rộng thị phần, phát triển nhanh chóng, tranh thủ được sự hỗ trợ của Chính phủ… đó là tất cả những cơ hội mà doanh nghiệp có thể nhận được nếu đẩy mạnh xu hướng tiêu dùng xanh. Vì lẽ ấy, tiêu dùng xanh dần trở thành một xu thế toàn cầu với khát vọng chiếm lĩnh thị trường của người tiêu dùng. Số lượng người sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm sinh thái thân thiện gần đây cho thấy, thị trường của các sản phẩm “xanh” đang mở rộng, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Đây là thời cơ cho các doanh nghiệp tái thiết lập, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh trong thời kỳ đầy cạnh tranh.
Thế nhưng, hành trình thay đổi này trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh chẳng phải là điều dễ dàng đối với các doanh nghiệp, khi họ phải đứng giữa ranh giới mong manh của thời cơ và sự thất bại.
1. Lợi nhuận hay tăng trưởng xanh?
Câu hỏi lớn nhất được đặt ra cho các doanh nghiệp trong thời kỳ xanh là làm cách nào có thể cân bằng lợi nhuận nhưng vẫn đảm bảo được các yếu tố tăng trưởng xanh trong suốt quá trình sản xuất, sáng tạo. Đặc biệt, đối với những “ông chủ” vừa và nhỏ, việc cân bằng cả hai yếu tố này lại càng áp lực bởi các vấn đề về nguồn kinh phí. Được biết, Việt Nam tập trung các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản phẩm xanh. Việc duy trì lợi nhuận để tiếp tục quá trình kinh doanh đối với họ có thể là một sự đánh đổi, khi khái niệm tăng trưởng xanh vẫn còn được xem là một lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam.
Mâu thuẫn khiến cho các doanh nghiệp sợ hãi lựa chọn tăng trưởng xanh là mô hình bền vững trong quá trình xây dựng và điều hành, bởi tính rủi ro của nó rất cao, và bờ vực phá sản luôn rình rập trước mắt họ. Mặt khác, ta không thể tránh khỏi tình trạng “ăn theo” chủ nghĩa xanh để thu về hàng đống lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp, trong khi những lợi ích được kỳ vọng hóa ra lại tạo ra con số 0 tròn trĩnh cho môi trường. Thật khó để xu hướng tiêu dùng xanh thuyết phục ngược lại những ông chủ khó tính khi có đên có đến 70% doanh nghiệp được khảo sát không nghe đến chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam; hơn 50% doanh nghiệp không quan tâm đến biến đổi khí hậu; 60% doanh nghiệp không sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh.
2. Thiếu hụt chính sách phát triển xanh
Để thực hiện một dự án xanh, các doanh nghiệp cần xác định được số tiền khổng lồ phục vụ cho quá trình sáng tạo, nghiên cứu và sản xuất. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn để phát triển xanh. Theo kết quả khảo sát của Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh,có đến 89% doanh nghiệp được hỏi đã trả lời không nhận được sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước trong quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm xanh; chỉ có 26% doanh nghiệp cho biết họ nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất, phân phối đối với sản phẩm xanh.
Vấn đề chi tiêu và mua sắm các thiết bị của doanh nghiệp, phần lớn vẫn chuộng các máy móc, dây chuyền sản xuất giá rẻ với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái bởi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ phù hợp. Mặt khác, một bộ phận dân cư, trước hết ở các đô thị vẫn còn sử dụng nguyên liệu thô chưa qua chế biến, sử dụng nhiều hàng hóa chất lượng thấp, không có lợi cho việc tiết kiệm tài nguyên và phát triển bền vững.
3. Thiếu quan tâm đén môi trường
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những nỗ lực chỉ từ phía cơ quan quản lý là chưa đủ mà quan trọng hơn, cần có sự thống nhất của tất cả các thực thể tham gia nền kinh tế từ ý thức tới hành động. Điều này có nghĩa là, xu hướng tiêu dùng xanh chỉ thực sự vận hành có chủ đích khi người tiêu dùng sản phẩm và các nhà cung cấp sản phẩm có nhận thức tốt về môi trường sống và xu hướng sống xanh. Doanh nghiệp không thể là “thùng rỗng kêu to” và người tiêu dùng càng không thể trở thành nạn nhân của rác thải nhựa.
Đồng thời, hội nhập cùng xu hướng sống vội, đáng buồn là thế hệ trẻ với thói quen sống nhanh là một trong những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến các nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái và phát triển không bền vững. Thói quen tiêu dùng “phô trương” ngày càng phổ biến, khi nó chạm được đến sợi dây cảm giác của loài người và kích thích ham muốn mua hàng của chúng ta, khiến cho việc sản xuất hàng loạt, kém chất lượng ngày càng gia tăng. Lợi dụng tình thế, nhiều thương hiệu đánh tráo khái niệm bền vững với hay vi vì lợi nhuận và mục đích cá nhân, hành động “giả xanh” (greenwashing) thực chất chỉ là bức màn che đi nhiều mặt trái của tội ác.
Giải pháp cứu cánh thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh
Hoạch định và phát triển theo định hướng tiêu dùng xanh là lựa chọn thức thời để các doanh nghiệp phát triển bền vững thêm vững vàng trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, chất lượng “xanh” vẫn là lợi thế cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp, giúp chiếm lĩnh thị phần tốt hơn.
Để đẩy mạnh và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân với quy mô vừa và nhỏ kiên trì trên con đường chiến lược “Phát triển xanh”, Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý về tiêu dùng xanh nhằm tạo ra động lực kích thích cung cầu trong lĩnh vực bền vững, kết hợp cùng các chính sách khuyến khích các nhà sản xuất các sản phẩm, dịch vụ xanh. KHông chỉ thực hiện chính sách khuyến khích nhân dân, nhà nước cần quán triệt, đẩy mạnh quá trình “xanh hóa” sản xuất, ưu tiên các chính sách và kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo, sử hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghệ xanh, cơ chế phát triển sạch (CDM). Đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, cải tiến công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên… hay nói cách khác là “thay máu và bơm máu” cho doanh nghiệp là cách hữu hiệu nhất nhằm mang đến hiệu quả phát triển theo định hướng bền vững, hạn chế tối đa những rủi ro.
Để xây dựng chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh, doanh nghiệp cần xây dựng được hình ảnh thương hiệu, cần phát triển và mở rộng hết mức các mô hình doanh nghiệp xanh, hỗ trợ về giá đối và tăng cường tiếp thị quảng cáo trong tiêu thụ các sản phẩm xanh.
Thúc đẩy tuyên truyền về lợi ích của các sản phẩm xanh, chất lượng và giá cả cạnh tranh trên thị trường của các sản phẩm xanh đến người tiêu dùng, nhà sản xuất để thu hút lực lượng tiêu thụ sản phẩm xanh và nâng cao nhận thức về tiêu dùng xanh. Bên cạnh đó, việc tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà sản xuất sản phẩm bền vững và người “tiêu dùng xanh” nhằm nâng cao thói quen tiêu dùng thân thiện môi trường.
Mỗi một ngày thức giấc, chỉ cần chúng ta quên đi việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần, thay vào đó là một lần nhớ về việc bảo vệ môi trường từ hành vi mua sắm của bản thân đã khiến Trái Đất sạch thêm một chút. Và để hành tinh hoàn toàn được phủ xanh, quá trình hình thành nhận thức đúng đắn cần được giáo dục ngay lúc này, tại đây, với tất cả mọi người để biến chúng thành vũ khí chống lại ô nhiễm đã tồn tại suốt nhiều năm.
—
A Way to Green Official – Không gian nghiên cứu và sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/ dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.