THỜI TRANG CÓ ĐANG THẤT BẠI TRONG LỜI HỨA VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU?

June 27, 2024

Ngành công nghiệp thời trang đóng góp đáng kể vào cuộc khủng hoảng khí hậu, chiếm từ 2-8% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Theo nhiều nguồn tin, thời trang là ngành công nghiệp gây ô nhiễm lớn thứ ba trên thế giới. Tuy nhiên, sự ô nhiễm và khai thác này không phân bố đồng đều trên toàn cầu. Những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các nước nghèo, nơi cung cấp nhân công rẻ mạc và là điểm đến của rác thải thời trang.

Ngành công nghiệp thời trang đã đưa ra nhiều lời hứa để tẩy trắng hành vi của mình và thực hiện các giải pháp thông qua Hiệp định Quốc tế và Đạo luật Bảo vệ Công nhân May mặc. Tuy nhiên, đây không phải là một ngành có khả năng tự quản lý hiệu quả. Những sáng kiến này chỉ xuất hiện do áp lực từ công chúng, sự tổ chức của công nhân may mặc, các nhà tổ chức và các nhà hoạch định chính sách. Hết lần này đến lần khác, ngành công nghiệp thời trang đã chứng minh rằng họ không hành động vì lợi ích tốt nhất của những người sản xuất, người bán hoặc thậm chí vì người mua quần áo của họ. Sự thờ ơ về đạo đức thường đi đôi với những thiếu sót trong các cam kết về giải pháp khí hậu của ngành. 

Trong Báo cáo Trách nhiệm Giải trình Thời trang 2024 của Remake mới phát hành gần đây, báo cáo nêu rõ: “để có sự thay đổi hệ thống rộng lớn hơn thực sự xảy ra, các thương hiệu và nhà bán lẻ lớn có ảnh hưởng cần hỗ trợ luật pháp và đảm bảo thỏa thuận ràng buộc buộc dành cho các công ty thời trang phải chịu trách nhiệm chung về tác động nhân quyền và môi trường dọc theo chuỗi cung ứng của họ.”

Ngành công nghiệp thời trang chiếm từ 2-8% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, đóng góp đáng kể vào cuộc khủng hoảng khí hậu.

Do sự bỏ bê liều lĩnh trong cuộc theo đuổi lợi nhuận vô tận, các thương hiệu thời trang đã đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu và gây ra các thảm họa môi trường trên quy mô lớn. Trong khi một số thương hiệu nhỏ tập trung vào tính bền vững và đạo đức, phần lớn các thương hiệu lớn về thời trang nhanh lại gây ô nhiễm hành tinh thông qua khai thác tài nguyên, sản xuất quá mức và sử dụng các vật liệu có hại cũng như nhiên liệu hóa thạch. Tóm lại, các thương hiệu lớn không thực sự tuân thủ những mục tiêu cao cả mà họ đặt ra. Đó là lý do tại sao việc ủng hộ các luật pháp nhằm buộc ngành công nghiệp thời trang phải chịu trách nhiệm, như Đạo luật FABRIC (Đạo luật Trách Nhiệm Xã hội và Bền vững Thời trang), là vô cùng quan trọng.

Ngành công nghiệp thời trang rất phức tạp, vì vậy cuộc thảo luận về các giải pháp cũng cần phải tinh tế không kém. Để hiểu rõ hơn về các giải pháp tiềm năng, chúng ta cần xem xét vòng đời của một sản phẩm may mặc để hiểu rõ cách thức sản xuất quần áo và những thay đổi có thể thực hiện.

Vòng Đời của Một Món Đồ Thời Trang Nhanh

Là người tiêu dùng, nhiều người trong chúng ta không nhận thức được chi phí thực sự của những món đồ mà chúng ta mặc. Hiểu được quá trình sản xuất hàng may mặc là cần thiết đối với những người tiêu dùng có ý thức. Chúng ta thường hỏi quần áo của mình được làm ra như thế nào, nhưng liệu có ai thực sự biết chiếc áo phông vài trăm nghìn hay vài chục nghìn đó thực sự có giá bao nhiêu không?

1. Nguồn gốc nguyên liệu – Từ cánh đồng hay nhà máy dầu mỏ

Sợi tự nhiên

Sợi tự nhiên bao gồm những loại sợi được sản xuất từ cây trồng như bông, lanh, gai dầu. Dù nghe có vẻ bền vững và thân thiện với môi trường, nhưng trừ khi chúng được sản xuất theo cách bền vững và có nguồn gốc đạo đức, không có gì đảm bảo rằng những người thu hoạch được trả lương đủ sống. Họ thậm chí còn phải tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm khi chăm sóc cây trồng. Thêm vào đó, hiện nay không có luật nào ở nhiều bang bảo vệ công nhân nông trại. Hiện tại, Ấn Độ là một trong những nhà sản xuất bông lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, một số loại sợi tự nhiên khác xuất phát từ động vật như len, cashmere, lụa, angora, mohair. Tương tự như các loại sợi từ cây trồng, các sợi có nguồn gốc từ động vật cũng có thể liên quan đến sự khai thác quá mức. Trong trường hợp này, không chỉ những người xén lông động vật thường xuyên bị bóc lột và đối xử tàn nhẫn, mà cả những con vật cũng phải chịu đựng sự đối xử khắc nghiệt này.

Sợi tổng hợp

Là những sợi như Polyester, nylon, acrylic, aramid, elastane – mặc dù có nhiều loại sợi tổng hợp, tất cả đều bắt nguồn từ nhiên liệu hóa thạch và thải ra vi nhựa khi giặt. Việc sản xuất các sợi tổng hợp không chỉ gây hại khi khai thác các vật liệu cần thiết, mà sau khi được sản xuất, việc giặt giũ chúng còn dẫn đến ô nhiễm nước và sự phân hủy của chúng góp phần làm ô nhiễm nước ngầm.

Các thương hiệu như Shein, Zara và H&M sử dụng sợi tổng hợp trong phần lớn các sản phẩm của họ, với nhiều quần áo được làm hoàn toàn từ polyester. Điều này gây lo ngại cho các nhà hoạt động vì môi trường, vì ước tính có khoảng 700,000 sợi tổng hợp và vi nhựa được thải vào nguồn nước sau mỗi lần giặt thông thường.

2. Biến sợi thành vải đến quần áo

Sau khi thu hoạch, sợi tự nhiên phải được làm sạch và chải kỹ trước khi kéo thành sợi chỉ. Quá trình kéo sợi này là việc xoắn các sợi lại với nhau để tạo thành một sợi liên tục. Sau đó, các sợi chỉ này sẽ được dệt thành vải.

Đối với sợi tổng hợp, quá trình nhuộm phức tạp hơn nhiều so với sợi tự nhiên. Sợi tổng hợp cần nước nóng hơn và nhiều thuốc nhuộm hơn, tiêu thụ nhiều năng lượng và gây ra nhiều tác động môi trường hơn. Trước khi nhuộm, vải hoặc sợi chỉ cần được xử lý bằng thuốc tẩy và các hóa chất khác để chuẩn bị cho quá trình nhuộm màu cuối cùng.

Quá trình nhuộm và xử lý này, tưởng chừng như vô hại và bình thường, thực tế lại là một trong những bước gây hại cho môi trường nhiều nhất trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Đây là bước gây ô nhiễm nhất, sử dụng nhiều hóa chất nhất và đòi hỏi lượng năng lượng khổng lồ. Thêm vào đó, xu hướng thời trang nhanh càng thúc đẩy các thương hiệu sản xuất hàng loạt, dẫn đến việc xả thải hóa chất tại các nước gia công vào sông suối, đầu độc con người và động vật hoang dã phụ thuộc vào nguồn nước này. Thường thì, các công ty thời trang nhanh không phải chịu bất kỳ hậu quả nào cho những tác động môi trường nghiêm trọng mà họ gây ra.

700.000 sợi tổng hợp và vi nhựa đang thải vào nguồn nước của chúng ta

Theo những tài liệu trực tiếp được trích dẫn trong cuốn sách “To Dye For” của nhà báo Alden Wicker, nhiều công nhân nhà máy phải sống và làm việc ngay tại các xưởng nhuộm và sản xuất sợi, thường không có sự bảo vệ nào khỏi các hóa chất độc hại. Điều này gây ra những rủi ro nghiêm trọng và kéo dài cho sức khỏe của họ.

Khâu hoàn thiện và xử lý quần áo

Không giống như thực phẩm hay mỹ phẩm, quần áo không đi kèm danh sách thành phần. Thường thì, trong quá trình xử lý, chúng được xử lý bằng các hóa chất như chất chống bẩn, chống nấm, chống cháy, chống thấm và nhiều hỗn hợp hóa chất khác mà người tiêu dùng hoàn toàn không biết đến. Các thương hiệu thời trang cũng không bị yêu cầu công bố thông tin về các hóa chất này.

Sản xuất quần áo

Sau thảm kịch Rana Plaza tại Bangladesh, khâu sản xuất quần áo đã thu hút nhiều sự chú ý vì hầu hết các công đoạn đều được thực hiện bằng tay. Quy trình sản xuất bao gồm từ cắt vải theo mẫu, may vá, làm khuy áo, trang trí và nhiều công đoạn khác. Điều quan trọng cần lưu ý là phần lớn công việc sản xuất trong ngành công nghiệp thời trang được thực hiện bởi lao động nữ ở các nước thuộc miền Nam toàn cầu, nơi có chi phí nhân công rẻ.

Cần lưu ý là các bước này không phải lúc nào cũng theo thứ tự và mỗi quốc gia sẽ có một quy trình khác nhau.

3. Đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng và chúng sẽ đi đâu

Phân phối

Quá trình phân phối, tưởng chừng như đơn giản nhất trong toàn bộ chuỗi cung ứng, thực chất lại ẩn chứa nhiều vấn đề phức tạp. Sản phẩm hoàn thiện được vận chuyển đến các cửa hàng bán lẻ hoặc kho hàng, nơi các đơn hàng được hoàn thành và giao đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề thực sự nằm ở quá trình đổi trả hàng hóa.

Điều gì xảy ra với những mặt hàng trả lại?

Hầu hết người tiêu dùng không nhận thức được chi phí môi trường của việc trả hàng. Tại sao điều này lại quan trọng? Nhiều thương hiệu thời trang nhanh lớn không công khai rằng việc vứt bỏ, bỏ đi hoặc đốt những món hàng trả lại không có lỗi hay chưa từng mặc của bạn rẻ hơn nhiều so với việc đưa chúng trở lại kệ hàng. Đáng chú ý, chỉ riêng tại Mỹ, chi phí carbon của việc trả hàng tương đương với lượng khí thải của ba triệu chiếc xe hơi.

Quần áo của chúng ta sẽ đi đâu?

Sau khi trải qua tất cả những công đoạn phức tạp, vòng đời của quần áo tiếp tục tại các cửa hàng thời trang và nhà bán lẻ. Khi không còn được ưa chuộng, chúng thường được chuyển đến các nước kém phát triển hoặc các nơi tập kết rác thải thời trang của thế giới. Quần áo bị bỏ đi của chúng ta tạo ra một dạng “chủ nghĩa thực dân rác thải thời trang” và kết thúc ở những nơi như Chợ Kantamanto tại Ghana hoặc sa mạc Atacama của Chile. Những nơi này trở thành điểm đến cuối cùng cho hàng triệu tấn quần áo không sử dụng, gây ra những vấn đề môi trường và xã hội nghiêm trọng.

Sa mạc Chile trở thành bãi rác “sân sau của cả thế giới” Nguồn: VTV

Giải pháp đầy hứa hẹn

Khi tập trung vào nhiệm vụ khử carbon cho ngành công nghiệp thời trang, chúng ta hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch và giảm thiểu khí thải carbon dioxide. Cải thiện các thực hành thương mại là một phần quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Các thương hiệu thời trang đóng vai trò quyết định khi làm việc độc quyền với các nhà cung cấp, đưa ra yêu cầu và quyết định giá trị của những người làm ra sản phẩm của họ. Thay vì tiết kiệm chi phí bằng cách hủy đơn hàng và không trả lương, nếu cả hai bên có cơ hội bình đẳng, họ có thể cùng nhau tiến tới những cải thiện chung. Các nhà máy thường thiếu kinh phí để nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhưng các thương hiệu lại có khả năng tài chính. Chính các công ty này nên đóng góp trực tiếp vào các nỗ lực khử carbon như lắp đặt pin năng lượng mặt trời, cách nhiệt, điều hòa không khí và xây dựng cơ sở hạ tầng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Tầm quan trọng của giải pháp tuần hoàn trong nền công nghiệp thời trang

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, việc tìm kiếm và triển khai các giải pháp tuần hoàn là vô cùng cấp thiết. Dù tình hình hiện tại có vẻ ảm đạm, nhưng miễn là chúng ta còn những người tạo ra sự thay đổi, chúng ta vẫn có thể truyền tải sự thật đến những người đứng đầu.

Một lập luận phổ biến là biến đổi khí hậu đã tồn tại hàng thiên niên kỷ, và điều này đúng. Nhưng không tự nhiên khi chúng ta tìm thấy các chất vô cơ như nhựa trong máu của mình, hoặc chứng kiến những thay đổi khí hậu mạnh mẽ trong một khoảng thời gian ngắn. Hầu hết các nhà khoa học đều truy ngược sự suy thoái tài nguyên gia tăng này đến cuộc cách mạng công nghiệp. Tin rằng cách chúng ta sản xuất và tiêu thụ không ảnh hưởng đến Trái Đất là một suy nghĩ ngây thơ, ít nhất là vậy. Thật tai hại khi tin rằng cách sống của chúng ta không ảnh hưởng đến hành tinh sống động này. Trái Đất không phải là một tảng đá vô tri vô giác để bị chinh phục, mà là một thực thể sống.

Tuy nhiên, cũng thật tai hại khi tin rằng chúng ta không thể thay đổi hướng đi của kết quả đó. Vẫn còn cơ hội để chúng ta hành động và thay đổi tương lai, bảo vệ hành tinh xanh và duy trì một môi trường sống bền vững cho các thế hệ sau.

——

A WAY TO GREEN OFFICIAL là không gian nghiên cứu-sáng tạo, tập huấn, tài trợ và đồng hành cùng các tổ chức/dự án thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.